Dự án có thể lại không thành hiện thực khi quy hoạch tổng thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong quy trình khởi động lại.
Lộn xộn hồ Văn
Hồ Văn là một trong những không gian thuộc khuôn viên 54.000m2 của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sử sách ghi lại, hồ Văn từng là nơi ngâm vịnh, bình thơ khi xưa của các sĩ tử. Trước năm 1999, hồ Văn thuộc quyền quản lý của quận Đống Đa nên nơi đây được coi như một khu vui chơi công cộng với đủ các hoạt động thể dục, kinh doanh. Đến năm 1999, hồ Văn mới được bàn giao cho Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhưng lại trong tình trạng đã bị thu hẹp diện tích vì sự lấn chiếm của các hộ dân xung quanh.
Đỉnh điểm của tình trạng lộn xộn này là ngày và tối 13/9, một nhóm người lén lút chở vật liệu vào xây điện thờ. Mặc dù Ban quản lý di tích sớm phát hiện, phong tỏa vật liệu xây dựng, nhưng các đối tượng vẫn tranh thủ đêm khuya để hô thần nhập tượng. Việc làm này khiến Sở VH&TT Hà Nội đã phải làm văn bản “kêu cứu” lên UBND TP. “Sau khi phát hiện sự việc, Sở thông báo và đề nghị UBND quận Đống Đa giúp đỡ và xử lý. Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng phối hợp ngăn chặn, một số người vẫn tiếp tục tái diễn hành vi này”, trong công văn gửi UBND TP, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội nêu rõ. Trên tinh thần nhận được báo cáo, ngay lập tức, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã yêu cầu các cơ quan liên quan đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết triệt để tình trạng xâm hại di tích, giải tỏa và chấm dứt hoạt động xây dựng trái quy định tại đây. Thời gian hoàn thành trong tháng 10, đồng thời các cơ quan liên quan phải báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.
Vấn đề là không gian văn hóa hồ Văn đã được "thổi thiêng" bằng tấm bia đá vớt được vào năm 1946 và câu chuyện của những người chết đuối tại hồ trong mấy năm gần đây. Vì vậy, nhiều người cho rằng, việc lập nơi thờ tự tại hồ Văn là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của dân. Tuy nhiên, GS Trần Lâm Biền bác bỏ: “Cái gì không thuộc về lịch sử văn hóa của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì không thể để tồn tại. Nếu cho tồn tại sẽ cổ súy cho hành động mê tín dị đoan. Và nơi này tồn tại được thì còn nơi khác. Sự tồn tại của miếu hai cô trong suốt nhiều năm nơi vỉa hè ngã tư Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học mãi là bài học của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong việc giải bài toán tín ngưỡng và mê tín. Hơn ai hết, các nhà quản lý văn hóa phải cương quyết trong vấn đề này”.
Cần xây dựng không gian gì?
Trước đây, TS Đặng Kim Ngọc – nguyên Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử giám từng đưa ra ý tưởng cải tạo đảo Kim Châu, nằm trong khu vực hồ Văn và xây nhà bát giác làm chỗ họp mặt của các văn sĩ. Hai chiếc cầu đá cũng sẽ được xây dựng để nối đảo Kim Châu với bờ với hình thức “văn kiều” (nhịp cầu của nghề văn), theo đó nhiều điển cố Nho học, các giai thoại văn học nổi tiếng của Việt Nam sẽ được trang trí trên thành cầu. Ngoài ra, một số bia đá có trích dẫn các bài thơ, phú, văn nổi tiếng cũng sẽ được dựng quanh hồ để “tạo hồn” cho không gian này. Mạnh dạn hơn, GS.KTS Hoàng Đạo Kính đề nghị Trung tâm nên xin tiếp tục giải tỏa các hộ dân quanh khu vực hồ Văn, để mở rộng chiều ngang và chiều sâu của không gian này và có phương án giảm dòng xe cộ lưu thông qua con đường cạnh Văn Miếu nhằm tạo cảnh quan phù hợp với di tích.
Và nếu làm được như vậy, hồ Văn sẽ hài hòa với không gian của vườn Giám, khu Nội tự của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thế nhưng, đó mới chỉ là ý tưởng. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra ở hồ Văn còn quá nhỏ bé so với nguồn gốc lịch sử văn hóa của di tích. 2 năm trở lại đây, hồ Văn mới được đón Hội chữ Xuân, triển lãm thư pháp… và cũng chỉ rộn ràng trong 2 tuần nhân dịp Tết Nguyên đán. Còn lại, việc tái hiện một không gian đích thực của ngôi trường đại học đầu tiên của Việt
chưa thể thực hiện được. Bởi theo ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Tới đây, việc quy hoạch khu di tích sẽ được khảo sát, nghiên cứu lại. Sau khi nghiên cứu, hội thảo mới có thể đưa ra giải pháp cụ thể cho việc bảo tồn khu vực hồ Văn như thế nào”.