Lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch. Ảnh: Khánh Huy |
Chủ trương đồng thuận
Với kinh phí từ ngân sách các quận, 4 quận nói trên đã có phương án nghiên cứu, đã báo cáo UBND TP Hà Nội. Ngày 18/4/2023, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo 163, trong đó TP tán thành định hướng nghiên cứu và giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu các bước tiếp theo. Theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu vực sông Hồng chảy qua nội đô kéo dài từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì, dân số hơn 181.000, tổng diện tích khoảng 686ha. Nơi đây được định hướng là khu đa chức năng gồm các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và không gian cảnh quan, trục không gian lịch sử liên kết Hồ Tây - Cổ Loa.
Ông Phạm Quốc Tuyến - Phó GĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, ngày 25/3/2022, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5.000, đây là cơ sở quan trọng để nghiên cứu triển khai các quy hoạch khu vực ngoài bãi sông Hồng.
Theo nguyên tắc quản lý ngoài bãi sông Hồng, khu vực này phải tuân thủ hai quy hoạch quan trọng là Quy hoạch về đê điều, phòng chống lũ; thứ hai là điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1259.
Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng đã xác định phân khu chức năng của từng khu vực, đồng thời xác định việc phân giao nhiệm vụ cho giai đoạn triển khai tiếp theo. Theo đó, sẽ giao các quận, huyện liên quan tổ chức rà soát, nghiên cứu các khu vực dân cư hiện có trên cơ sở đó lập quy hoạch chi tiết trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để quản lý triển khai việc sử dụng đất tại khu vực này.
Hiện UBND các quận, huyện đang tổ chức đo đạc, lập bản đồ, quy hoạch. Tiếp đó, các địa phương liên hệ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm cơ sở lập trình duyệt quy hoạch.
Đối với công viên tại bãi giữa sông Hồng thuộc khu vực địa bàn 4 quận là Hoàn Kiếm, Long Biên, Tây Hồ, Ba Đình phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Khu vực này định hướng phát triển các công viên cây xanh chuyên đề, nông nghiệp, du lịch thu hút các hoạt động kinh tế phục vụ du lịch. Dựa trên nguyên tắc phục hồi công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng phục vụ dân cư.
Bãi bồi, bãi giữa sông Hồng là vùng đất được phù sa bồi đắp trong nhiều năm với tổng diện tích không nhỏ. Mấy chục năm nay không có nước ngập, hàng chục ha để hoang hóa cho cỏ dại mọc, một phần bị chiếm dụng trái phép để canh tác rau màu.
Do quỹ đất trên địa bàn TP Hà Nội hạn hẹp và vì thiếu chỗ vui chơi, thư giãn nên thời gian gần đây nhiều khu vực đất bãi đã trở thành điểm vui chơi tự phát, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và gây ô nhiễm môi trường.
Vì thế, việc lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn không chỉ thu hút người dân Thủ đô mà còn thu hút du khách từ các tỉnh khi đến với Thủ đô Hà Nội.
Với khu vực bãi giữa sông Hồng, quận Hoàn Kiếm dự tính tổ chức khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, có thể vẫn cho các hộ dân trồng cây ngắn ngày, song quy hoạch chuyển đổi cây ngắn ngày phù hợp.
Khu vực này cũng sẽ tổ chức khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, thảm cỏ xen kẽ với các cây lâu năm hiện có; khu chức năng không gian vui chơi, tập thể thao (như sân trượt cỏ) cơ bản theo địa hình tự nhiên; khu chức năng câu cá, bơi lặn, tham quan mặt nước sông Hồng…
Khu vực bãi bồi ven sông sẽ tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh (cơ bản giữ lại các cây lớn hiện có), khu chức năng trồng cây ngắn ngày, cây cảnh, cây hoa theo mùa, kết hợp phục vụ khách du lịch.
Tiềm năng rất rõ
Theo các kiến trúc sư, bãi giữa sông Hồng sẽ là một không gian tiềm năng để khai thác và triển khai thành không gian công cộng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính quyền các quận cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn đầy đủ ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và người dân để bảo đảm khai thác hiệu quả quỹ đất nhưng vẫn bảo đảm an toàn, chống xói lở, thoát lũ… tất cả phải phù hợp với các định hướng của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.
TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực bờ vở sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được xác định nằm trong khu vực hành lang xanh sông Hồng. Khu vực này nằm trong ranh giới Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng, là đất cây xanh, vui chơi giải trí. Cùng với sự phát triển chung của TP, quận Hoàn Kiếm là đô thị có mật độ dân số cao với khoảng 15 vạn người, khoảng 3,5 vạn người/km2.
Ngoài không gian mặt nước, cây xanh xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (có diện tích khoảng 13,5ha, với tính chất không gian công cộng, văn hóa, tâm linh), các không gian cây xanh tập trung trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chủ yếu nằm tại các nút giao thông, vừa mang tính chất của “đảo giao thông” vừa là các vườn hoa công cộng với quy mô nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng của dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm, tạo lập sự cân bằng trong hệ sinh thái đô thị của Thủ đô.
Tiềm năng thì rất rõ, nhưng vấn đề là phải triển khai được kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, chỉnh trang sắp xếp thành các khu công viên, vườn cây, vườn du lịch, không gian sáng tạo, các hoạt động dịch vụ du lịch, giao thông tĩnh… đảm bảo theo các quy định phòng chống lũ và đê điều. Nếu khai thác được lợi thể của sông Hồng sẽ tạo thành một điểm tham quan du lịch cho Nhân dân trong quận, TP và cả nước, bổ trợ không gian mở cho khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội.
Quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức khu dịch vụ, khu vực thể thao để làm nơi sinh hoạt cộng đồng gắn với không gian mặt nước; không gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo với trọng tâm nhấn mạnh nội dung giá trị lịch sử văn hóa sông Hồng.