Phục hồi du lịch sau giãn cách: Địa phương phải bỏ bớt rào cản

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm hồi phục ngành du lịch khi dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, các doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu tổ chức chương trình famtrip, tour du lịch liên tỉnh. Nhưng trong quá trình triển khai, doanh nghiệp đã gặp không ít trở ngại do nhiều địa phương chưa thực sự mở cửa thông qua việc ban hành những quy định phòng Covid-19 khá ngặt nghèo, chưa phù hợp thực tế.

Đồng loạt xây dựng tour liên tỉnh
Sau khi ngành du lịch được phép hoạt động trở lại, doanh nghiệp lữ hành đã đồng loạt tổ chức nhiều chương famtrip, tour liên tỉnh.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Du lịch năm sao (Fivestar Travel) Lương Duy Doanh cho biết, từ 5 - 7/11 đơn vị đã phối hợp với Công ty TNHH Trọng Tín tổ chức chương trình Famtrip - Caravan và Trekking - Festival ẩm thực “Lạng Sơn - Đi để nhớ”, qua đó kết nối doanh nghiệp du lịch Hà Nội với Lạng Sơn xây dựng tour du lịch mới.
 Khách du lịch tại hẻm Tu San trên sông Nho Quế (tỉnh Hà Giang).

Trước đó, cuối tháng 10/2021, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức famtrip Hà Giang khảo sát xây dựng sản phẩm mới từ đó đưa khách từ Hà Nội đến với Hà Giang. Cũng trong thời gian này nhiều doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đã tổ chức khảo sát tiềm năng du lịch tỉnh Hòa Bình, trong đó tập trung lòng hồ Sông Đà, du lịch cộng đồng từ đó xây dựng các sản phẩm tour liên tuyến Hà Nội - Hòa Bình.
Thực tế cho thấy, ngay sau khi tổ chức khảo sát tiềm năng du lịch của các địa phương, doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đã chức tour liên tỉnh. Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) Nhữ Thị Ngần chia sẻ, đơn vị vừa tổ chức đoàn khách 10 người đi “vùng xanh” Cao Bằng - Bắc Kạn.
“Từ nay đến hết tháng 11 Hanoi Tourism sẽ liên tục tổ chức các tour du lịch khởi hành từ Hà Nội đến các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai khởi hành thứ 6 hoặc thứ 7 hàng tuần” - bà Nhữ Thị Ngần thông tin.
Không chịu thua kém, ngay trong những ngày đầu tháng 11/2021, Công ty Dịch vụ du lịch & truyền thông Caravan Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Giang tổ chức tour caravan (xe du lịch tự lái) đưa du khách Hà Nội tham quan những điểm đến nổi tiếng của tỉnh Hà Giang như cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, sông Nho Quế…
Tương tự, Công ty lữ hành Hanoitourist cũng tổ chức đoàn khách 20 người tham gia tour liên tỉnh khép kín Hà Nội - Bắc Giang với chủ đề “Tây Yên Tử - theo dấu chân Phật hoàng”.
Thông tin từ các doanh nghiệp du lịch cho thấy, thời gian tiếp tục chào bán tour đi Đông - Tây Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Pù Luông (Thanh Hóa), Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên, Mù Cang Chải... hay Bình Liêu, Hạ Long (Quảng Ninh).
Quy định địa phương làm khó doanh nghiệp
Mặc dù các doanh nghiệp du lịch đang tích cực xây dựng, khai thác tour du lịch mới nhưng trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, khi đối mặt với sự khác biệt về chính sách phòng dịch Covid-19 giữa các địa phương.
Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái than phiền, sau thành công tour liên tỉnh Hà Nội - Bắc Giang, đơn vị dự kiến tiếp tục tổ chức tour du lịch này nhưng lại không thể thực hiện. Nguyên nhân là do ngày 27/10 UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định số 5658/UBND-KGVX về việc hướng dẫn tạm thời bổ sung các biện pháp xét nghiệm cách ly y tế PCR Covid-19.
Trong đó, yêu cầu với những người từ Hà Nội và những tỉnh có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng khi đến tỉnh Bắc Giang phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 72 giờ, và đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn phải cách ly 7 ngày. Tỉnh Phú Thọ cũng quy định phòng dịch Covid-19 tương tự tỉnh Bắc Giang, nên doanh nghiệp không thể tiếp tục tổ chức tour liên tỉnh” - ông Lê Hồng Thái nói.
 Khách du lịch tham gia tour Tây Yên Tử do Hanoitourist tổ chức cuối tháng 10/2021.
Nhiều doanh nghiệp du lịch phản ánh, không chỉ Bắc Giang mới có quy định này mà nhiều tỉnh thành khác như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Yên Bái… cũng có những quy định tương tự, nên việc triển khai các tour Đông Bắc, Tây Bắc trong thời gian tới không hề dễ dàng.
Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan thông tin, khách du lịch từ Hà Nội lên Hà Giang phải qua tỉnh Vĩnh Phúc nhưng địa phương này yêu cầu xét nghiệm PCR, trong khi theo quy định, test PCR chỉ có giá trị trong 72 giờ (3 ngày), trong khi tiến hành test đã mất 1 ngày, doanh nghiệp và khách chỉ còn 2 ngày để sử dụng kết quả này.
“Vậy khi từ Hà Giang về Hà Nội du khách có phải test PCR lại không, trong khi kinh phí 1 lần test PCR lên đến 700.000'' - ông Nguyễn Công Hoan đặt câu hỏi.
Tương tự Phó Tổng giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour Nguyễn Ngọc An than phiền, hiện Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa quy định, đối với xe du lịch loại 16 chỗ chỉ được chở 5 người, xe 29 chỗ chỉ được chở từ 10 - 15 người và xe 45 chỗ được chở 20 - 25 người. “Quy định này đã đẩy giá tour lên cao, khó có thể thu hút du khách từ các tỉnh, thành tới Nha Trang du lịch” - ông Nguyễn Ngọc An nêu rõ.
Phản ánh của các doanh nghiệp du lịch cho thấy, việc các địa phương chưa thống nhất quy định khi nào xét nghiệm PCR, khi nào chỉ test nhanh, khi nào không xét nghiệm đã khiến nhiều doanh nghiệp còn rụt rè khôi phục hoạt động du lịch. Vì vậy đòi hỏi các địa phương thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, không nên đặt ra những quy định ngặt nghèo bởi muốn khôi phục du lịch cần xác định “sống chung với dịch”.

Việt Nam bắt đầu mở cửa thị trường quốc tế, mà du lịch quốc tế chỉ có thể thành hiện thực khi du lịch nội địa hoạt động trơn tru. Vì vậy doanh nghiệp du lịch rất mong có được thông tin xác nhận của địa phương trong việc mở đón khách ngoại tỉnh, các điều kiện và tiêu chí an toàn kèm theo, từ đó doanh nghiệp lên kế hoạch tổ chức tour du lịch phù hợp. Để thích nghi với trạng thái “bình thường mới” các địa phương cần tích cực kết nối, cập nhật bản đồ dịch tễ từ đó đưa ra những quy định phù hợp thực tế giảm thiểu tối đa khó khăn cho du khách và doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Phùng Quang Thắng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần