Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phục hồi ít nhất 10% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng vào năm 2025

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đang lấy ý kiến rộng rãi về một trong những nội dung của dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2020 - 2030.

Theo Bộ TN&MT, dự thảo đề xuất mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi ít nhất 10% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu suy thoái; thành lập được 5 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công 3 khu Ramsar…
Trong năm 2025, dự thảo đặt ra mục tiêu kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý và cơ chế phối hợp liên ngành cấp trung ương và địa phương về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Tăng cường năng lực quản lý đất ngập nước ở cấp trung ương và địa phương về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam; Hoàn thành việc kiểm kê, phân loại đất ngập nước Việt Nam và lồng ghép cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học, dữ liệu kiểm kê đất đai.
 Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Nam Định (Ảnh minh họa)

Để triển khai Kế hoạch này, Bộ TN&MT đề xuất 8 chương trình hành động, từ hoàn thiện pháp luật đến triển khai cụ thể các mô hình. Đó là: Kiện toàn hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về quản lý đất ngập nước; Thống kê, kiểm kê; điều tra, đánh giá, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước; quan trắc, theo dõi diễn biến các vùng đất ngập nước quan trọng; Thành lập mới các khu bảo tồn đất ngập nước và mở rộng Mạng lưới các khu Ramsar ở Việt Nam.
Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý và khuyến khích sử dụng bền vững tài nguyên vùng đất ngập nước quan trọng; Phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; Tăng cường thực hiện Công ước Ramsar và thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ về đất ngập nước.
Đặc biệt, đến năm 2030 phục hồi 25% và đảm bảo tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức quản lý, bảo tồn và sử dụng khôn khéo; Các mô hình phối hợp quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên và dịch vụ môi trường được áp dụng ở các khu bảo tồn đất ngập nước; đảm bảo nguồn tài chính cho quản lý các vùng đất ngập nước.