Phục hồi nền kinh tế không có nghĩa là quay trở lại trạng thái của ngày hôm qua

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phục hồi nền kinh tế không có nghĩa là quay trở lại trạng thái của ngày hôm qua mà phải sáng tạo nên một trạng thái mới, một diện mạo mới cho các DN Việt Nam.

Thưa ông, suốt từ năm 2020 đến nay, đặc biệt là thời điểm đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng đến nn kinh tế, đặc biệt là khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãyTrong bối cảnh đó, một loạt các giải pháp kết nối cung cầu, phân phối hàng hóa… đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai. Ông đánh giá ra sao về hiệu quả của những hoạt động này?

- Thời gian qua, dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất của DN gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, kể cả vật tư, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cho thị trường trong nước và thế giới đều khó khăn.

Bỏ qua những bối rối ban đầu của một số tỉnh, thành trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa, tìm đầu ra cho hàng hóa khó tiêu thụ.

Đơn cử, đối với hoạt động xuất khẩu, ngay trong bối cảnh khó khăn, đen tối của giai đoạn dịch bệnh bùng phát, ngành Công Thương đã nỗ lực đưa ra các sáng kiến để hỗ trợ cho các DN có thể đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn, vải thiều Thanh Hà, thanh long Bình Thuận… ra thị trường thế giới, thậm chí là lần đầu tiên đến với những thị trường hàng đầu thế giới.

Thực tế, nông sản của Việt Nam còn có rất nhiều triển vọng, rất nhiều tiềm năng để chinh phục thị trường quốc tế. Hy vọng ngành Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trong bối cảnh khó khăn để có thể tiếp tục thúc đẩy cho không phải chỉ một vài mặt hàng cụ thể mà rất nhiều loại nông sản của chúng ta ra nước ngoài trong thời gian tới.

 TS Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải

Cùng với việc kết nối cung cầu, DN cũng gặp rất nhiều khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hoá. Ông đánh giá thế nào về nỗ lực gỡ khó của các cơ quan liên quan về vấn đề này?

- Thực tế, thời gian qua, các Bộ, ngành đã có những đề xuất, chủ trương can thiệp kịp thời trong việc thúc đẩy cho sản xuất, đề ra những đề xuất đúng đắn như ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ở các DN sản xuất, DN phân phối, DN vận tải và logistics. Đó là những ngành đó chính là những huyết mạch của nền kinh tế, cho nên gỡ được những ách tắc thông qua việc “phủ” tiêm chủng vaccine, tạo điều kiện cho người lao động và các phương tiện trong lĩnh vực đó có thể di chuyển được thì đó chính là những yếu tố rất then chốt để đảm bảo cho nền kinh tế có thể hoạt động được trong bối cảnh khó khăn.

Tôi rất ấn tượng khi lãnh đạo Bộ Công Thương đã có sự can thiệp và một quan điểm dứt khoát rằng, không chỉ hàng hóa thiết yếu mới được lưu thông mà tất cả những hàng hóa không phải hàng cấm cần phải được lưu thông. Điều này xuất phát từ một triết lý rất đơn giản và thực tế. Bởi, trong bối cảnh Covid-19 với rất nhiều khó khăn, các DN đang không tiêu thụ được hàng hóa hoặc đứt đoạn nguồn cung ứng đầu vào thì mọi nỗ lực để có thể kết nối lại các chuỗi cung ứng đều góp phần vào tạo công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng GDP và tạo ra nguồn thu ngân sách.

Cùng với những nỗ lực từ cơ quan quản lý nhà nước, ông có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội, đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong những tháng cuối cùng của năm 2021?

- Về phía các DN thì phải nói rằng, dịch bệnh trong những ngày qua đã cho thấy một điều là sức chống chịu của DN Việt Nam rất hạn chế. Bởi DN Việt Nam sức cạnh tranh yếu, quản trị rủi ro còn kém, xử lý tranh chấp cũng chưa có nhiều kinh nghiệm.

Chúng ta đang nói đến một kế hoạch tái khởi động nền kinh tế, phục hồi nền kinh tế không có nghĩa là quay trở lại trạng thái của ngày hôm qua mà phải sáng tạo nên một trạng thái mới, một diện mạo mới cho các DN Việt Nam. Các DN Việt Nam phải có năng lực cạnh tranh cao hơn. Muốn vậy thì phải tập trung nâng cao trình độ quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Và đặc biệt là phải đặt vào trong mọi chiến lược và kế hoạch phát triển DN một kế hoạch về quản trị, phòng ngừa rủi ro và có phương án để xử lý. Đây sẽ là một yêu cầu rất quan trọng cho DN không chỉ trong quá trình tái khởi động phục hồi kinh tế mà trong cả bối cảnh thế giới sẽ ngày càng biến đổi khó lường. Có thể khi Covid-19 đi qua, chúng ta sẽ phải đối diện với một biến chủng khác; hoặc đối diện với biến đổi khí hậu, thiên tai, chiến tranh thương mại… Hay mặt trái của cuộc cách mạng 4.0 sẽ đẩy chúng ta đến một tương lai mặc dù có nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều rủi ro. Cho nên sự thay đổi, một chiến lược quản lý rủi ro sẽ là yêu cầu cốt lõi của các DN và nền kinh tế Việt Nam. Các DN phải được trang bị những kiến thức này.

Tôi rất hy vọng Bộ Công thương với tư cách là bộ quản lý sẽ mang lại rất nhiều những cách thức để hỗ trợ DN có thể kinh doanh trong một thời kỳ biến đổi và đặc biệt là hỗ trợ cho các DN Việt Nam vươn tới những chuẩn mực thế giới trong hành xử, trong kinh doanh và trong cái cách thức để bảo vệ mình.

Xin cảm ơn ông!

Các doanh DN Việt Nam phải có năng lực cạnh tranh cao hơn. Muốn vậy thì phải tập trung nâng cao trình độ quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn.

TS Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)