Phục hồi nền kinh tế thông qua khôi phục tổng cầu

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cầu tăng sẽ kích tổng cung, các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng thì sản xuất sẽ được kích hoạt, kinh tế mới có thể phục hồi và tăng trưởng.

Sáng 11/7, trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”. Lạm phát năm 2023 dự kiến được kiểm soát dưới 4,5%, nhưng tăng trưởng GDP cả năm khó đạt mức 6-6,5% đây là lý do các chuyên gia tại Tọa đàm đề xuất chính sách kích cầu cho nền kinh tế.

Quang cảnh buổi Toạ đàm
Quang cảnh buổi Toạ đàm

Kích tổng cầu, khơi thông điểm nghẽn đầu ra cho doanh nghiệp

Đánh giá tổng quan kinh tế 6 tháng đầu năm của trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, tăng trưởng GDP chỉ 3,72%, có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%; 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.

“Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại. Bên cạnh đó, tình trạng hàng tồn kho cũng tăng lên đáng kể là dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt tổng cầu”- PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

6 tháng đầu năm nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) Nguyễn Tiến Trường cho biết, thống kê năm 2022, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 760 tỷ USD, sụt giảm so với mức 805 tỷ USD của năm 2021. Đến năm 2023, dự báo khả quan, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 710 tỷ USD, thấp hơn cả năm 2019, thời điểm trước dịch.

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), sự thiếu hụt tổng cầu (bao gồm các cấu phần tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của Chính phủ, xuất khẩu ròng) nếu kéo dài sẽ hạn chế tổng cung làm cho tăng trưởng kinh tế thấp. Tổng cầu tăng sẽ kích tổng cung, các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng thì sản xuất sẽ được kích hoạt, kinh tế mới có thể phục hồi và tăng trưởng.

“Chính phủ Việt Nam cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới” - đại diện WB khuyến nghị.

Thời điểm hiện tại, thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế. Về đầu tư, WB nhận định, thúc đẩy đầu tư là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay và những năm tiếp theo. Các dự án đầu tư công không chỉ có thể tạo thêm nhiều việc làm, bù đắp cho sự sụt giảm ở khu vực tư nhân và nước ngoài, mà với mức độ lan tỏa cao cũng sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp “ăn theo” các dự án này và phục hồi dần hoạt động kinh doanh của mình, từ đó cũng thúc đẩy cầu tiêu dùng tăng trở lại.

Phối hợp chính sách tài khoá, tiền tệ

Để thúc đẩy tổng cầu, Chính phủ đã sử dụng đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu, kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Từ ngày 4/7, việc kích tổng cầu được thực hiện thông qua giảm thuế VAT 2%. Bên cạnh chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, chính sách giảm 36 loại phí, lệ phí từ 10 – 50% cũng đã chính thức được áp dụng từ 1/7. DN có cơ hội để giảm chí phí, tăng đầu tư mới, chặn đà giảm thành lập lập mới DN.

 

Dù đã giảm thuế VAT và một số loại phí, tuy nhiên tôi chỉ thấy ở các siêu thị lớn giá một số mặt hàng đã điều chỉnh giảm nhưng một số cửa hàng, dịch vụ ở bên ngoài giá vẫn neo cao. Mong sao Chính sách sẽ phủ rộng hơn nữa để cuộc sống người dân và nền kinh tế được cải thiện. (Bà Đặng Thị Nga- Hoàn Kiếm- Hà Nội)

Lãi suất huy động cũng được NHNN giảm mạnh để thúc đẩy dòng tiền từ ngân hàng đưa vào sản xuất - kinh doanh, tuy nhiên vốn vay bình quân của doanh nghiệp vào khoảng 9,3%. 6 tháng 2023, tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua cho thấy khả năng hấp thụ vốn còn rất yếu.

Trong khi đó, việc thực thi Chương trình phục hồi kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn còn chưa kịp thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất.

Giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 trong tháng 6 bứt tốc, kéo tỷ lệ giải ngân 6 tháng đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân ở nhiều cơ quan trung ương rất thấp... Thủ tướng Chính phủ gần đây đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, với quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu có giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước; khẩn trương ban hành Nghị định của Chính phủ về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

 

Hiện nay, EU đang đưa ra những tiêu chuẩn rất khắt khe và những quy định mới hướng đến mục tiêu phát triển bền vững có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như hoạt động xuất khẩu từ những quốc gia như Việt Nam. Chẳng hạn, quy định về cacbon sẽ ảnh hưởng đến các ngành nghề của Việt Nam, từ dệt may, da giày, thủy sản và những ngành hàng thế mạnh khác. Hoặc doanh nghiệp Việt tham gia trong chuỗi cung ứng cũng sẽ phải sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất, khi đó, mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần ban hành khung chính sách hoặc những chương trình để hỗ trợ nâng cao năng lực và hiểu biết cho các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam, nhằm bắt kịp xu thế này. - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nguyễn Hải Minh.