Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Phục hồi sản xuất ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ] Bài 2: Cần vận dụng linh hoạt các chính sách

Duy Chí - Việt Hùng - Trương Hiệu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển sản xuất, giảm bớt khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm thu hút đủ nguồn lực lao động trở lại doanh nghiệp, ưu đãi tín dụng với lãi suất thấp để bù vào gánh nặng chi phí; giãn hoặc hoãn nợ, lãi vay… cho các doanh nghiệp.

Thu hút nguồn lực lao động trở lại sản xuất
Cuối tháng 8/2021, xuất hiện làn sóng người lao động từ Đồng Nai trở về quê ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng… để phòng dịch. Do đó khi sang tháng 10/2021, các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, lực lượng lao động tại địa phương này rất mỏng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp hỗ trợ đón người lao động từ các tỉnh, TP có nhu cầu trở lại Đồng Nai làm việc.
[Phục hồi sản xuất ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ] Bài 2: Cần vận dụng linh hoạt các chính sách - Ảnh 1
 Hiện nay, công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đã trở lại các doanh nghiệp làm việc, tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp thiếu lao động để phục vụ sản xuất.
Chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, tạo thuận lợi cho người lao động các tỉnh, TP có nhu cầu trở lại Đồng Nai làm việc. Từ đó, giúp các doanh nghiệp thực hiện khôi phục kinh tế, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.      
Ông Lê Văn Danh - Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên 90% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong quá trình khôi phục sản xuất, các doanh nghiệp đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn lực lao động. Vấn đề này gây ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch, tiến độ sản xuất các đơn hàng cuối năm của doanh nghiệp.
Để thu hút người lao động quay trở lại Đồng Nai làm việc, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách như hỗ trợ đưa rước, tìm nhà trọ, tặng tiền cho người lao động khi quay trở lại làm việc.
Công ty TNHH Fashion Garments (chi nhánh tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện công ty đang đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút công nhân vào làm việc, gắn bó với công ty. Theo đó, đối với công nhân mới vào làm việc được công ty hỗ trợ tiền từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, công ty chuẩn bị 500 phần quà nhu yếu phẩm để chào đón công nhân mới.
Nhằm nhanh chóng có đủ nguồn lực lao động đáp ứng sản xuất, ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, công ty đã thực hiện tặng 2,3 triệu đồng trong suốt 12 tháng đối với những công nhân quê ở Đắk Lắk trở lại công ty làm việc. Bên cạnh công ty còn hỗ trợ chi phí đưa đón, đi lại cho người lao động vào Đồng Nai làm việc, tìm nhà trọ cho công nhân.
Ngoài ra, để chăm lo cho đoàn viên, người lao động yên tâm lao động phục hồi sản xuất trong tình hình mới, những trường hợp công nhân phát sinh F1 và F0 được công ty tặng “túi an sinh Công đoàn”. Túi bao gồm lương thực, thực phẩm hỗ trợ, các loại thuốc, bình nước siêu tốc, nước súc miệng, khẩu trang... để công nhân đi cách ly, điều trị.
Cần tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, về chi phí vận chuyển, xuất khẩu hiện nay rất lớn, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm. Thực tế tại tỉnh Bình Dương, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hãng tàu, công ty vận tải quốc tế giảm tần suất hoạt động. Trong khi đó, đơn hàng mà khách hàng đã ký kết với doanh nghiệp Việt Nam trước đó lại không có nhà cung cấp thay thế.
Để đảm bảo yêu cầu phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, cung cấp hàng hóa cho khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận giao hàng bằng đường hàng không thay vì đường tàu biển như trước đây, khiến chi phí vận chuyển tăng lên gấp 3 đến 4 lần.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hướng đến vận dụng các chính sách linh hoạt để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tỉnh Bình Dương đã ra văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Đặc biệt, thực hiện các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương với kế hoạch gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
[Phục hồi sản xuất ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ] Bài 2: Cần vận dụng linh hoạt các chính sách - Ảnh 2
 Hiện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cơ quan thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Trong ảnh: Công nhân lao động tỉnh Bình Dương làm việc tại khu công nghiệp.
“Hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ngành Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm các thủ tục để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất sau giãn cách. Tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục cải cách hành chính, giải quyết nhanh, thống nhất, hiệu quả các thủ tục cho doanh nghiệp, vì thời gian cũng là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Võ Văn Minh cho biết.
Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Nai, ông Lê Văn Danh - Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, khi phục hồi sản xuất trở lại, các doanh nghiệp có đơn hàng rất dồi dào. Các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng lao động và sẵn sàng bỏ chi phí đón lao động trở lại làm việc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang cần tính đến chính sách phúc lợi lâu dài để thu hút và giữ chân người lao động trước và sau Tết Nguyên đán 2022.
Ông Nguyễn Anh Kiệt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Rohm and Hass Việt Nam (đóng tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Sau mấy tháng thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, công ty chúng tôi gặp rất nhiều vướng mắc nên rất khó duy trì mô hình này lâu dài. Đơn cử như máy móc của công ty phải bảo trì 2 tuần/lần và phải thuê đơn vị dịch vụ bên ngoài, khiến công ty rất khó xoay xở”.
Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial chia sẻ: “Đợt dịch lần thứ tư lây lan nhanh khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Gần hai tháng qua, công ty gần như không có doanh thu nhưng vẫn gồng mình hỗ trợ hơn 40.000 người lao động. Nếu Chính phủ không kịp thời có những hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp sẽ khó đảm bảo đời sống cho người lao động”.
Ông Phan Thành Đức - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Bình Dương cho biết, khi bùng phát dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất về nhưng để nằm yên trong kho. Vì vậy, khi mở cửa sản xuất trở lại, doanh nghiệp cần phải phục hồi nhanh, giải quyết nguyên liệu sản xuất đáp ứng cho khách hàng.
Cũng theo ông Phan Thành Đức, hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương cũng đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí vận tải hàng không quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung đẩy mạnh phát triển sản xuất, xuất khẩu.
“Để giảm bớt khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp cũng đã kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành vận dụng linh hoạt các chính sách để ưu đãi tín dụng với lãi suất thấp để bù vào chi phí, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; giãn hoặc hoãn nợ, lãi vay cho doanh nghiệp” - ông Phan Thành Đức đề nghị.