Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phúc thẩm vụ án tại PVN, PVC: Ông Đinh La Thăng đề nghị tòa xem xét chuyển tội danh

Tuấn Kiệt - Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/5, trong phần tranh tụng, ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn dầu khí - PVN) không đồng tình với quan điểm đề nghị giữ nguyên các nội dung tại bản án sơ thẩm của đại diện VKSND.

Luận tội theo thẩm quyền bị cáo
Theo ông Thăng, tại phiên tòa phúc thẩm lần này, nhiều diễn biến mới không được đại diện VKSND cập nhật vào bản luận tội để làm cơ sở đánh giá. Phần buộc tội của đại diện VKSND gần như nguyên văn với nội dung của bản án sơ thẩm.

Ông Thăng đề nghị tòa xem xét, những gì thuộc thẩm quyền của bản thân, nếu có sai phạm thì mới quy kết trách nhiệm cho mình. Theo ông Thăng, người đứng đầu thì không có nghĩa là mọi việc từ lớn đến bé cũng đều phải biết, phải chịu trách nhiệm.
Tiếp tục trình bày, ông Thăng cho rằng, việc ký Hợp đồng EPC số 33 là tự nguyện giữa 2 đơn vị, chứng từ tài liệu đưa ra hoàn toàn là sự bàn bạc của PVPower vậy mà vẫn gắn ông chỉ đạo ký. Các bị cáo, nhân chứng cũng khai ông Thăng không chỉ đạo. Điều nữa, đại diện VKSND không nêu việc ông Thăng có yêu cầu tiền tạm ứng chỉ được sử dụng cho Dự án Thái Bình 2. Ông Thăng khẳng định, không có chỉ đạo cụ thể nào về vấn đề tạm ứng tiền và cũng không thuộc thẩm quyền của mình.
Ông Đinh La Thăng tại phiên toà phúc thẩm. Ảnh: TTXVN 
Về cách tính thiệt hại, ông Thăng cho rằng, việc giám định viên nêu tài sản của doanh nghiệp hình thành trên nhiều nguồn khác nhau, tương ứng là tiền thu về để ở 1 số tài khoản: Tài khoản thanh toán, tài khoản gửi tiết kiệm…, cần bù trừ để ra kết quả cuối cùng. Vì vậy, ông Thăng không đồng tình quy kết phải bồi thường 30 tỷ đồng. Ông Thăng đề nghị toà xem xét lại toàn bộ những vấn đề đã nêu.
Nói lời sau cùng, ông Đinh La Thăng tha thiết đề nghị HĐXX trên cơ sở chứng cứ, quan điểm bào chữa của luật sư, xem xét công tâm, công bằng đối với mình. Ông Đinh La Thăng mong muốn được HĐXX chuyển đổi tội danh thành thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nhiêm trọng.
Bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVC) khi được tự bào chữa bổ sung đã đề nghị HĐXX xem xét lại quy kết mình đã tạm ứng sai quy định. Ông Thực khẳng định, trong hồ sơ chứng cứ chứng minh ông không chỉ đạo PVC và PVPower ký Hợp đồng số 33. Đối với việc cấp tiền cho ban quản lý, tất cả những quyết định cấp vốn, phiếu chi ông không ký mà phó tổng giám đốc phụ trách tài chính thực hiện. Ngoài ra, trong phân công lãnh đạo ông không được phân công trực tiếp Dự án Thái Bình 2.
VKSND giữ quan điểm luận tội
Tại phiên tòa, đại diện VKSND tổng hợp các ý kiến và đưa ra quan điểm phản biện đối với các bị cáo và luật sư biện hộ. Theo đó, thời điểm hiện tại không có bị cáo nào kêu oan. Chỉ có ông Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực nhận mình phạm tội khác. Đại diện VKSND khẳng định, kết luận giám định của Bộ Tài chính hoàn toàn chính xác. Về trách nhiệm dân sự, việc quy kết 119 tỷ đồng là chính xác.
Tiếp đến, đại diện VKSND đã nêu quan điểm đối với luật sư bào chữa của từng bị cáo. Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng bị quy kết trong quá trình thực hiện Dự án Thái Bình 2, bị cáo nguyên là chủ tịch, có vai trò chính chỉ đạo ký Hợp đồng số 33 trái quy định. Sau đó, chỉ đạo cấp dưới căn cứ chi tiền trái mục đích để Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác sử dụng trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước. Tại phiên toà phúc thẩm, VKSND xác định hành vi đã quy kết của bản án sơ thẩm đối với bị cáo. Sau đó, đối chiếu chức năng nhiệm vụ đến hành vi của bị cáo, các nhân chứng, quá trình phiên tòa phúc thẩm để xem xét tình tiết mới.
Bị cáo Phùng Đình Thực có trình bày 1 số văn bản liên quan báo cáo đề xuất, bị cáo cho rằng không nhận được. Những văn bản này đều có nội dung gửi tới bị cáo Thực, người xử lý nội dung này là bị cáo Khánh. Đại diện VKSND khẳng định, quá trình điều tra bị cáo Khánh không bị ép buộc. Đại diện VKSND cho rằng, không đủ căn cứ để khẳng định bị cáo Thực không nhận được văn bản. Tuy nhiên, đại diện VKSND thấy bị cáo Thực có nhiều tình tiết giảm nhẹ, để có thể xem xét giảm nhẹ. VKSND đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo ở mức độ tối đa.
Từ những quan điểm trên, VKSND khẳng định bị cáo Phùng Đình Thực và Đinh La Thăng phạm tội theo điều 165 BLHS năm 1999.