Tuy nhiên, vẫn có nhiều HTX, nhất là các HTX nông nghiệp với quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả rất khó khăn trong việc tổ chức lại hoạt động.
Bước đầu phát huy hiệu quả
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có 36 HTX, thu hút trên 75.000 xã viên, chiếm trên 40% dân số toàn huyện. Trong đó, có 33 HTX nông nghiệp và 3 HTX dịch vụ chuyên ngành nông nghiệp mới được thành lập. Vượt lên những khó khăn, các HTX đã phát huy tốt vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới. Điều này thể hiện qua các hoạt động đóng góp tích cực vào phát triển, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, tham gia chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Tiêu biểu trong số đó là HTX Nông nghiệp Hát Môn đã xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 50ha, năng suất đạt trên 60 tạ/ha. Có thuận lợi về trồng lúa, hàng năm, HTX hỗ trợ nông dân đưa các giống mới cho năng suất cao như Nàng Xuân, Sơn Lâm... vào sản xuất rất hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều HTX đã đầu tư mua máy móc nông nghiệp để làm dịch vụ các khâu làm đất, gieo, cấy, thu hoạch. Điển hình như HTX Nông nghiệp Xuân Phú, HTX Nông nghiệp Phụng Thượng. Bên cạnh các HTX cũ, một số HTX mới được thành lập cũng đi vào hoạt động hiệu quả như HTX Bảo Khánh sản xuất măng tây xanh, HTX Xanh Nhất Tâm sản xuất rau mầm (xã Hiệp Thuận), cung cấp nguồn sản phẩm phong phú cho thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Phải quan tâm đến nhu cầu thị trường
Theo xu hướng mới, HTX không chỉ đơn thuần làm những dịch vụ công ích mà phải đem lại lợi nhuận thực sự cho các thành viên. Để các mô hình HTX kiểu mới hoạt động theo cơ chế thị trường đòi hỏi mỗi HTX phải chủ động được nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, phần lớn các HTX trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện chưa thiết lập được mối quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại do không đủ điều kiện thế chấp tài sản. Bởi vậy, đại bộ phận HTX không đủ vốn hoạt động và mở mang sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hỗ trợ kinh tế cho xã viên. Đối với 15 HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012, hiện đang gặp khó khăn trong việc xác định xã viên cũ, tài sản, vốn, quỹ và công nợ. Hiện tại, vẫn còn tình trạng nợ đọng kéo dài từ những năm 1995 trở về trước. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân, các xã viên còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế cũng như sản xuất...
Một vấn đề nữa là hiện nay, đa số hoạt động dịch vụ của các HTX mới chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp thuần túy, không có tính cạnh tranh. Ngoài ra, các HTX chưa mở rộng được các dịch vụ mới để tăng thu nhập cho các thành viên HTX. Theo đánh giá của UBND huyện Phúc Thọ, một trong những vướng mắc chính là do nhận thức của các cấp chính quyền xã và người dân còn hạn chế. Cụ thể, nhiều người dân chưa hiểu rõ những tiến bộ và lợi ích của HTX kiểu mới so với kiểu cũ. Cùng với yếu tố chủ quan là trình độ năng lực yếu kém, đa phần các cán bộ HTX nông nghiệp đều thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch chuyển đổi. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Đạc - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, các xã và Ban Giám đốc HTX cần quan tâm tới nhu cầu của thị trường tại địa phương để đưa ra những dịch vụ phù hợp. Ngoài những dịch vụ nông nghiệp như cày bừa, cấy, gặt, làm mương, HTX cần phát huy tối đa vai trò là cầu nối giữa người dân với các DN trong việc tiêu thụ sản phẩm…
Sử dụng máy cấy vào gieo trồng trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Ảnh Khuất Thảo.
|
Trong khi người dân còn chưa nhận thức đầy đủ về Luật HTX 2012 thì sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã trong việc chuyển đổi các HTX là hết sức quan trọng. Ông Nguyễn Quốc Bảo - Trưởng phòng Chính sách pháp luật, Liên minh HTX Hà Nội |