Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phương án tăng tuổi nghỉ hưu: Vẫn tranh luận gay gắt

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ lên 60, nam 62 của Bộ LĐTB&XH tiếp tục nhận được nhiều tranh luận. Nhiều người đồng tình với lộ trình tăng tuổi làm việc mỗi năm 3 - 4 tháng, nhưng lại có ý kiến đề nghị tăng nhanh để theo kịp các nước.

 Người lao động làm việc tại Công ty Cơ khí Tâm Hợp, Khu công nghiệp Nội Bài. Ảnh: Thanh Hải
Bộ LĐTB&XH chọn phương án 1

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu luôn được dư luận quan tâm và từng đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2017, Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014. Lần sửa đổi BLLĐ này, tiếp tục có những ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, Ban Chấp hành T.Ư đã xác định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, thu hẹp dần khoảng cách về giới… Từ những cơ sở thực tiễn này, Bộ LĐTB&XH đưa ra hai phương án (PA) tuổi nghỉ hưu. PA1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. PA 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ tăng mỗi năm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi. NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi so với quy định.

Theo Bộ LĐTB&XH, sở dĩ đưa ra đề xuất này nhằm hướng tới đảm bảo cho tất cả NLĐ đều có cơ hội và quyền lựa chọn việc làm. Lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu mỗi năm để đảm bảo không gây sốc hay làm đảo lộn các quy định khác. Ngoài ra, tăng tuổi nghỉ hưu còn liên quan đến hệ thống pháp luật, BHXH, tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ… Các DN cũng phải có thời gian để bố trí nhân sự, cá nhân NLĐ cũng có quyền lựa chọn và sắp xếp công việc của mình nên không thể tăng đột ngột. "Ban soạn thảo sẽ phải lựa chọn PA tăng tuổi nghỉ hưu đảm bảo an toàn nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, nhất là phù hợp với quy định trong Luật BHXH, bảo hiểm y tế, các văn bản khác và nguồn lực quốc gia. Đồng thời đảm bảo sắp xếp bộ máy nói chung cũng như đảm bảo nguồn nhân lực cho cơ quan tổ chức. Vì thế, chúng tôi lựa chọn PA1” - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) Hà Đình Bốn chia sẻ.

Tăng tuổi nghỉ hưu quá nhanh sẽ gây sốc

Trước thực tế tuổi nghỉ hưu của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia đều là 60 với nam và nữ; Singapore quy định 62 tuổi nghỉ hưu cho nam và nữ; tuổi nghỉ hưu của Nhật Bản 67 với nữ và 69 với nam… nhiều người đề xuất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của Việt Nam mỗi năm 6 tháng để nhanh đạt đến 60 với nữ và 62 với nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lao động, nên tăng ở mức độ chậm (3 tháng với nữ, 4 tháng với nam). Lý do bởi, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong những năm qua luôn cao hơn khoảng 3 lần so với tỷ lệ NLĐ không có việc làm chung toàn quốc. Nước ta đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” nhưng chỉ kéo dài trên 1 thập kỷ nữa... Những yếu tố này làm cho vấn đề giải quyết việc làm đối với lao động trẻ đang là áp lực lớn trong những năm tới.

PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng tình với tuổi làm việc của lao động nữ lên 60, nam 62. Theo ông Sao, lộ trình tăng theo PA1 là phù hợp bởi chúng ta đang dư thừa rất nhiều lao động. Tuy nhiên, PGS Dương Văn Sao đề nghị vẫn phải xem xét một số ngành nghề cụ thể bởi khả năng suy giảm sức khỏe của phụ nữ nhanh hơn nam giới. Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động chỉ ra, ở tuổi 30, sức bền cơ bắp của lao động nam và nữ là 100%. Nhưng đến năm 40 tuổi, sức bền cơ bắp của nữ giảm còn 91,6%, trong khi nam 96,8%. Tương tự, đến 50 tuổi, nữ chỉ còn 76,9%, nam 88,1%; 60 tuổi, nữ giảm xuống 57,5%, trong khi nam 75,9%. Không chỉ thế, lao động nữ ngoài làm việc ở cơ quan, DN giống như nam giới, họ còn phải đảm nhiệm chủ yếu các công việc gia đình nên bị ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động, học hành. Vì thế, Nhà nước nên ưu tiên lao động nữ về thời gian làm việc.