Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phương Tây khó cấm cửa TikTok

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức độ phổ biến của ứng dụng chia sẻ video TikTok là không cần bàn cãi, nhưng chính bởi mối liên hệ của nền tảng này với Trung Quốc, sẽ khó có lời giải cho lo ngại bảo mật ở nhiều quốc gia phương Tây.

Khi TikTok không chỉ là công cụ giải trí

Để ghi dấu mốc khởi nghiệp, Lucy Hitchcock quyết định đăng một video chúc mừng trên TikTok. Doanh nhân người Anh này đã thành lập công ty Partner in Wine chuyên bán những chai rượu và cốc cách nhiệt. Và trái với kỳ vọng của Hitchcock, lượt xem và tương tác của video khởi đầu đó cao không tưởng, dẫn đến doanh số bán hàng tăng vọt 1.700% chỉ sau một đêm.

Ứng dụng TikTok hiển thị trên một màn hình điện thoại iPhone. Ảnh: Sutterstock
Ứng dụng TikTok hiển thị trên một màn hình điện thoại iPhone. Ảnh: Sutterstock

Hitchcock nhớ lại: “Tôi đã bán được hàng nghìn bảng Anh và lúc đó mới chỉ 7 giờ sáng. Mỗi lần kiểm tra video TikTok, nó lại tăng thêm 20.000 lượt xem. Tôi ngồi trong văn phòng cả ngày, vừa run vừa nghĩ không hiểu chuyện gì đang diễn ra”.

Người phụ nữ 31 tuổi sau đó đã thu về loạt bài đăng “viral” (có độ lan tỏa) khác trên TikTok, góp phần dẫn mối cho những tập đoàn tên tuổi như Selfridges, Liberty London hay Oliver Bonas đến gõ cửa nhà cô, đóng góp tới một nửa doanh thu hằng năm của Partner in Wine.

Ngày nay, mạng xã hội là đòn bẩy cho công việc kinh doanh của không ít người như Lucy Hitchcock. Hitchcock hiện nằm trong nhóm “bizfluencers” đang phát triển, tập hợp những người nói chuyện trực tiếp với khách hàng thông qua ứng dụng TikTok có hơn một tỷ người dùng trên thế giới mỗi tháng.

Theo dữ liệu của cơ quan nghiên cứu thị trường Apptopia, TikTok đứng đầu trong danh sách 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu năm 2022, với 672 triệu lượt.

Tuy nhiên, bất chấp sự phổ biến rộng rãi của ứng dụng, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi đôi mươi ở nhiều quốc gia, TikTok đang phải đối mặt với sự cân nhắc bị cấm hoàn toàn, khi các chính trị gia phương Tây lo ngại về mối liên hệ của nền tảng với nhà điều hành Trung Quốc Bytedance.

Ủy ban châu Âu (EC), Mỹ và Canada tuần này đồng loạt ra lệnh cấm các quan chức Chính phủ của họ sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của Nhà nước, sau các lệnh cấm tương tự bởi Ấn Độ (2020), Đài Loan (Trung Quốc, 2022)... Hôm 28/2, các đảng viên Cộng hòa tại
Hạ viện Mỹ thậm chí đã thảo luận về một lệnh cấm mở rộng đối với cả công chúng - một động thái có thể đánh bay khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ của TikTok.

Josh Hawley, một Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và là nhà phê bình gắt gao đối với Trung Quốc, đã cảnh báo rằng TikTok có nguy cơ tạo cho Bắc Kinh một “cửa hậu thâm nhập cuộc sống của người Mỹ” nếu nền tảng tiếp tục hoạt động mà không có sự kiểm soát.

Tại Vương quốc Anh, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền Iain Duncan Smith thì nói rằng ứng dụng TikTok là “công cụ thu thập dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc”, trong khi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Alicia Kearns cảnh báo rằng nó có thể giúp Bắc Kinh “khai thác các lỗ hổng của chúng ta”.

Ông Iain Duncan nói thêm: “Chính phủ London lại một lần nữa hành động chậm chạp. Vương quốc Anh nên nhận ra mối đe dọa và có biện pháp ngay từ bây giờ”.

Chính phủ Anh đến nay đã phản đối mọi lời kêu gọi cấm TikTok. Hôm 28/2, Bộ trưởng Khoa học, Đổi mới và Công nghệ Michelle Donelan cho biết, Chính phủ London sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế nào, lập luận rằng việc sử dụng TikTok vẫn là vấn đề “lựa chọn cá nhân” của công dân.

Và khi các tranh cãi vẫn đang tiếp diễn, hàng triệu KOLs (người có ảnh hưởng) và các doanh nhân như Hitchcock có nguy cơ bị cuốn vào cuộc chiến chính trị. “TikTok là một cộng đồng kinh doanh tuyệt vời” - cô chia sẻ, khẳng định sẽ “vô cùng lấy làm tiếc” nếu một lệnh cấm TikTok được thi hành.

Thách thức với lệnh cấm TikTok

Nhìn bề ngoài, TikTok giống như bất kỳ ứng dụng mạng xã hội nào khác: Nền tảng giải trí và kết nối mọi người trên khắp thế giới với nội dung sáng tạo do người dùng tạo ra.

TikTok thu thập một lượng lớn dữ liệu của người dùng, nhưng các đối thủ cạnh tranh như Facebook, Twitter và Instagram cũng vậy. “Sự khác biệt chỉ là ai có thể hưởng lợi từ dữ liệu” - Alan Woodward, Giáo sư An ninh mạng tại Đại học Surrey (Anh), nói với tờ Telegraph.

Dữ liệu được ứng dụng thu thập bao gồm vị trí sơ bộ của người dùng và thông tin cá nhân như ngày sinh, địa chỉ email và số điện thoại. TikTok cũng yêu cầu theo dõi những gì người dùng đang làm trên điện thoại của họ và truy cập danh bạ.

“Tôi không nghĩ TikTok kém hơn những ứng dụng khác về lượng thông tin mà họ thu thập được. Nhưng chẳng hạn với Facebook, họ làm vậy vì họ sẽ bán dữ liệu đó để kiếm lời từ quảng cáo” - ông Woodward nêu vấn đề - “Vậy câu hỏi là người Trung Quốc thu thập dữ liệu (thông qua TikTok) để làm gì? Rõ ràng, luật hiện hành đang tạo ra khả năng là họ thu thập vì mục đích gì đó ngoài lý do thương mại”.

Bytedance, cũng như TikTok, đã nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ giao nộp dữ liệu người dùng cho bên thứ ba, ngay cả khi được Chính phủ Bắc Kinh yêu cầu.

Dự án Quản trị Internet (IGP) từng báo cáo, các dữ liệu do TikTok thu thập có thể được Chính phủ Trung Quốc dễ dàng lấy ở nhiều nơi khác trên một thị trường mở nếu muốn, từ đó kết luận rằng TikTok nhiều khả năng là “một DN có động cơ thương mại”, thay vì là “gián điệp” hay “con ngựa thành Troy” của chính quyền Bắc Kinh như báo chí và chính khách phương Tây lâu nay vẫn cáo buộc.

Tuy nhiên, IGP cũng thừa nhận rằng đội ngũ nhân viên Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu về khách hàng ở Mỹ và châu Âu từ xa, gây lo ngại trong một số trường hợp nhất định.

Chẳng hạn như vụ việc của Cristina Criddle - một nhà báo người Anh, được cho đã bị nhân viên của TikTok cố gắng theo dõi bằng cách sử dụng dữ liệu nội bộ của công ty. Criddle đã bị nhắm mục tiêu sau khi cô viết loạt bài về TikTok cho tờ Financial Times mà nhân viên công ty này nghi rằng đã dựa trên nguồn tin nội bộ rò rỉ.

Những vụ việc như vậy khiến các quan chức phương Tây không khỏi lo ngại, đặt câu hỏi liệu điều gì có thể ngăn Bắc Kinh không thu thập dữ liệu của họ để theo dõi người dân, hoặc thao túng thuật toán của TikTok để định hướng thông tin can thiệp các cuộc bầu cử? Tuy nhiên, các lời kêu gọi cấm cửa ứng dụng này vẫn được coi là một lựa chọn cực đoan, và thậm chí là không khả thi.

Theo giáo sư Woodward, việc yêu cầu các nhà cung cấp internet ở Mỹ hoặc châu Âu chặn TikTok có thể dễ dàng bị qua mặt bởi những người dùng am hiểu công nghệ.

Họ hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống “proxy” (vượt tường lửa) để che giấu quốc gia xuất xứ của tài khoản người dùng. Do đó, một khả năng đến cùng là các Chính phủ có thể phải tìm cách buộc các công ty Apple và Google chặn ứng dụng TikTok trên hệ thống của họ. Với sự thống trị của iPhone và hệ điều hành Android, động thái này có thể sẽ ngăn cản hầu hết người dùng thông thường.

Nhưng ngay cả như vậy, những người quyết tâm dùng TikTok được cho vẫn có thể tìm ra cách “bẻ khóa”, và nền tảng bị đẩy ra lề đường lúc đó có thể sẽ biến thành mảnh đất màu mỡ cho thông tin sai lệch. “Điều đó sẽ không ngăn được việc sử dụng TikTok. Nó chỉ làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn” - ông Woodward nêu quan điểm.

Ngoài các khía cạnh kỹ thuật, một vấn đề đau đầu khác với phương Tây trong việc cấm TikTok là tự do ngôn luận. Các Chính phủ ở đó có thực sự có quyền ngăn mọi người sử một dụng ứng dụng chia sẻ video hay không? Liên minh Quyền tự do Dân sự Mỹ viết trong một bức thư gửi các nhà lập pháp Mỹ: “Người Mỹ có quyền sử dụng TikTok và các nền tảng khác để trao đổi suy nghĩ, ý tưởng và quan điểm của họ”.

Khi được hỏi về lệnh cấm được đề xuất ở Mỹ trong tuần này, TikTok khẳng định họ đã nỗ lực hành động để cho các quan chức Mỹ thấy rằng nền tảng của họ là vô hại. Công ty đã đệ trình để cho phép “gã khổng lồ” công nghệ Oracle của Mỹ kiểm tra các bản cập nhật ứng dụng của mình trước khi chúng được công bố, đồng thời công ty cũng đã chuyển dữ liệu người dùng Mỹ sang các máy chủ đặt tại quốc gia này. Các bước tương tự cũng đang được thực hiện ở châu Âu.