Phường “xin”, quận “châm chước” cho lò mổ không phép hoạt động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị số 122 (ngày 3/6) có bài phản ánh tình trạng các lò mổ lợn nhỏ lẻ tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn ảnh hưởng đến người dân.

Sau khi báo phát hành, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin về việc 4 lò mổ lợn không phép vẫn ngang nhiên hoạt động trong khu dân cư thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Lò mổ không phép vẫn hoạt động

Qua tìm hiểu, được biết, tại thời điểm năm 2009, ở phường Dương Nội có 4 hộ tự ý xây dựng lò mổ lợn thủ công rồi hoạt động không phép và gây ô nhiễm môi trường từ đó đến nay. Chiều 5/6, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cùng cán bộ phường Dương Nội kiểm tra hoạt động lò mổ lợn của 4 hộ, gồm: Bà Đặng Thị Hồng, bà Đặng Thị Tình, ông Nguyễn Trung Tứ và ông Dương Văn Minh (tổ dân phố Thắng Lợi và Hoàng Hanh) mới thấy rõ cảnh mất vệ sinh và ô nhiễm của các lò mổ. Cả 4 lò mổ được xây dựng sơ sài với gần 100m2/lò và khu giết mổ, khu nhốt lợn chỉ được ngăn bằng những song sắt đã hoen gỉ. Các công đoạn giết mổ lợn được thao tác hoàn toàn thủ công với các phương tiện thô sơ.

Lò mổ lợn của ông Nguyễn Trung Tứ tại phường Dương Nội đã hoạt động trái phép suốt hơn 5 năm qua. 	Ảnh: Trường Nguyễn
Lò mổ lợn của ông Nguyễn Trung Tứ tại phường Dương Nội đã hoạt động trái phép suốt hơn 5 năm qua. Ảnh: Trường Nguyễn

Nhiều năm qua, các chủ lò sử dụng nước giếng khoan để giết mổ rồi xả thẳng nước thải ra kênh La Khê khiến nguồn nước ở đây ô nhiễm. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, cả 4 lò mổ đều không có cán bộ thú y phường, quận trực kiểm tra nguồn gốc lợn ra, vào lò. Tuy sự việc đã được người dân phản ánh đến các cấp, ngành của quận Hà Đông, nhưng không hiểu lý do gì các lò mổ này vẫn ngang nhiên tồn tại thách thức công luận.

Quận đồng ý cho lò mổ hoạt động

Thừa nhận các lò mổ trên địa bàn phường nhiều năm qua hoạt động không phép và giết mổ lợn thủ công gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là đúng, nhưng Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội Bùi Huy Quang lại đổ lỗi: "Do UBND quận không quy hoạch khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nên các lò mổ trên địa bàn phường hoạt động trái phép là khó tránh khỏi. Thời gian qua, các cấp ngành của phường, quận đã nhiều lần tuyên truyền, vận động di dời lò mổ đi nơi khác, nhưng chủ lò xin được tiếp tục hoạt động để giải quyết việc làm cho lao động và cung cấp nguồn thực phẩm “sạch” cho người tiêu dùng trong quận. Bên cạnh đó, các chủ lò cam kết đầu tư, nâng cấp lò mổ và thực hiện quy trình giết mổ lợn đảm bảo vệ sinh môi trường. Qua đó, UBND phường đề nghị UBND quận cho các lò mổ lợn này được tồn tại và quận đã chấp thuận".

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Phòng Kinh tế quận Hà Đông cho biết, trên địa bàn quận hiện còn 8 lò giết mổ lợn, trong đó có 4 lò ở phường Dương Nội hoạt động không phép và ở gần khu dân cư. Do UBND phường Dương Nội xin để các lò mổ này được tồn tại tạm thời nên UBND quận mới châm chước. Qua đó, ngày 12/9/2013, UBND quận có Văn bản số 202/KH-UBND gửi Sở NN&PTNT đề xuất đến cuối năm 2016 mới di dời các lò mổ  trái phép về khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở huyện Thanh Oai. Ông Tùng khẳng định: "Thời gian tới, UBND quận sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát việc giết mổ lợn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, tránh ảnh hưởng đến người dân. Trường hợp chủ lò cố tình vi phạm, UBND quận sẽ di dời sớm hơn dự kiến đề xuất".

Việc xin 4 lò mổ lợn không phép gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư được tồn tại đến cuối năm 2016 đang đi ngược với chủ trương của TP. Dư luận đặt câu hỏi, quận Hà Đông dựa vào cơ chế nào mà tự mình có quyền cho phép lò mổ lợn hoạt động không phép như vậy? Đề nghị UBND quận Hà Đông xử lý dứt điểm những lò mổ lợn không phép tại phường Dương Nội theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP.

 
Ngày 17/4/2009, UBND TP Hà Nội có Quyết định số  61/2009/QĐ-UBND yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hoạt động giết mổ phải đăng ký kinh doanh hoặc xin cấp chứng chỉ hành nghề mới được hoạt động.