Người mẹ trẻ ấy tên là Đỗ Ngọc Kiều, năm nay 34 tuổi. Chị là con cả trong một gia đình có 4 anh chị em, bố làm cán bộ công an, mẹ kinh doanh nhỏ tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Mặc dù kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn, song do tính thích ăn diện lại có chút nhan sắc nên ngay từ năm học lớp 11, Kiều đã xin làm tiếp viên cho một nhà hàng bia ôm để có tiền đua đòi với bè bạn. Ban đầu chỉ phụ trách bưng bê, dọn dẹp bàn ghế ở nhà hàng ấy, nhưng về sau để có nhiều tiền tiêu xài, Kiều dần chuyển sang "đi" khách. Ở thời điểm đó chị được xếp vào hạng "chân dài" có giá nhất ở nhà hàng nên luôn được cả ông chủ lẫn khách hàng ưu ái và "bo" cho khá nhiều tiền.
"Lúc đó còn trẻ nên cũng chỉ nghĩ mình có sắc còn họ có tiền thì trao đổi. Với lại không phải khách nào cũng chiều, mình chỉ gật đầu với đại gia vì họ chịu chơi chịu chi", người phụ nữ nhớ lại thời điểm cách đây 17-18 năm. Sau hai năm làm việc tại nhà hàng này, Kiều đã có trong tay tiền vàng rủng rỉnh. Rồi cũng chỉ vì muốn chứng tỏ mình sành điệu nên khi nghe bạn bè rủ hút ma túy để được "cảm giác lên tiên", Kiều cũng không ngại thử. Một lần, hai lần, ba lần... rồi cứ thế bản thân nghiện lúc nào cô gái cũng không hay. "Đến lúc này nhan sắc không còn như trước, do hút thuốc nhiều mà mình ngày càng tiều tụy ốm yếu nên không còn được ưu ái. Thế là để có tiền, tôi đành phải chuyển sang đi khách thường xuyên. Ai cũng chiều, giá bao nhiêu cũng được, miễn là có tiền ...", chị trầm tư bộc bạch. Song cũng chỉ cầm cự được một thời gian, khi không còn tiền để tiếp tục hút chích, Kiều đành quay về thú nhận với gia đình và xin cha mẹ cho đi cai nghiện. Nhưng rồi sau khi từ trại cai nghiện trở chị lại tiếp tục quen đường cũ, trở lại hành nghề mại dâm và lún sâu vào nghiện ngập. "Không ngờ trong thời gian này tôi lại đổ bệnh. Đi khám thì bác sĩ cho biết tôi đã nhiễm HIV. Một phần vì bất cần đời, một phần để có tiền tiếp tục chích ma túy, tôi lại đi khách nhiều hơn", câu chuyện đời nghiệt ngã được chủ nhân kể tiếp. Cũng trong thời gian này, Kiều quen được một người đàn ông trùm buôn bán ma túy. Cô đã sống với anh ta như vợ chồng để được thuốc phiện dùng hàng ngày. Sau đó Kiều đã có thai với anh này và sinh ra một bé trai bụm bẫm, trắng trẻo. Mang con đi xét nghiệm, Kiều ngỡ ngàng khi bác sĩ cho biết kết quả âm tính. "Lúc đó tôi ôm con trong tay mà mừng muốn khóc. Tôi nghĩ đến quá khứ tội lỗi của mình tại sao lại dại dột chỉ vì một phút nông nổi mà dấn thân vào ma túy. Tôi nghĩ nếu con tôi lớn lên mà biết mẹ nó từng nghiện hút, từng làm gái mại dâm thì tương lai nó sẽ như thế nào. Thế là tôi quyết tâm làm lại từ đầu và đi cai nghiện". Trong thời gian này, người chồng của Kiều qua đời cũng vì căn bệnh HIV, Kiều đành nhờ bà ngoại trông con giúp để chuyên tâm cai thuốc. Nhờ sự động viên của gia đình và giúp đỡ của hội phụ nữ địa phương mà vài năm sau Kiều đã cai thành công và trở về nhà. Từ đó chị chuyển sang làm nghề bán dạo để kiếm tiền nuôi con ăn học. Đến nay đứa con trai đã học xong cấp 2 và năm nào cũng xếp loại giỏi khiến chị hết mực tự hào. Hàng ngày ngoài thời gian đi học, cậu bé biết phụ mẹ công việc nhà và chưa bao giờ làm phiền lòng mẹ. Nhìn đứa con càng lớn càng ngoan ngoãn, thông minh và điển trai, chị Kiều hãnh diện kể: "Mỗi lúc cơn đau bệnh hành hạ, nhìn thấy con là tôi như được tiếp thêm động lực sống lạc quan hơn. Tôi luôn tâm niệm mình phải sống sao cho có ích để con được tự hào về mình". Nghĩ thế nên chị xin làm cộng tác viên cho một trung tâm tuyên truyền phòng chống HIV thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bằng những trải nghiệm đau thương đã qua, hàng ngày chị đi khắp nơi để tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh cho các chị em trong quận, đặc biệt là các gái làng chơi là đối tượng dễ mắc phải nhất. Trung bình mỗi tuần tiếp xúc và nói chuyện với 120 người về kiến thức phòng bệnh. Sau 6 năm làm việc tại đây, chị Kiều đã giúp cho ít nhất 20 cô gái mại dâm hoàn lương và tìm được nghề nghiệp đàng hoàng. Chị kể: "Thường khi biết bị nhiễm HIV, các chị em sẽ buông xuôi và đi khách bừa bãi để 'trả thù đời'. Nhưng tôi nói với họ rằng làm như thế họ sẽ bị bội nhiễm và bệnh sẽ nặng hơn. Ban đầu họ không tin nhưng khi tôi lấy câu chuyện cuộc đời mình kể cho họ nghe thì họ bắt đầu tin tưởng". Nhờ làm công việc này nên chị Kiều cũng biết cách làm thế nào để bảo vệ con tránh lây bệnh từ mẹ. Song điều chị lo lắng nhất bây giờ là những căn bệnh cơ hội tấn công, mặc dù tốn khá nhiều tiền uống thuốc nhưng bệnh tình không giảm mà ngày càng làm cơ thể chị kiệt quệ, gầy gò. Chị sợ mình ra đi khi con còn quá nhỏ không có ai chăm sóc. Khi được hỏi nếu có một điều ước chị sẽ mong muốn điều gì, người mẹ bệnh tật không chần chừ mà trả lời ngay: "Ước gì có thuốc chữa được HIV để tôi được khỏe mạnh chăm sóc và lo cho con ăn học thành tài. Nghĩ nhiều lúc thấy thương con sống trong cảnh khổ cực từ nhỏ lại bị bạn bè kỳ thị xa lãnh vì là con của một người nhiễm bệnh thế kỷ". Trao đổi với PV, bà Huỳnh Ngọc Phương Thanh, Ủy viên thường vụ, Điều phối viên phụ trách tuyên truyền giáo dục sức khỏe quận Bình Thạnh cho biết, trong quá trình làm cộng tác viên chương trình phòng chống ma túy và HIV tại Hội phụ nữ địa phương, Kiều luôn là người đi đầu, làm việc có trách nhiệm và nhiệt huyết. Nhờ vậy mà Kiều liên tục nhận được bằng khen xuất sắc trong công tác tuyên truyền phòng chống HIV cấp phường, quận, thành phố. "Nếu như lúc trước địa bàn quận là một trong những tụ điểm nóng về tệ nạn xã hội và HIV thì bây giờ nạn này đã giảm đi rất nhiều. Để được như ngày nay cũng nhờ một phần góp công góp sức của các chị em hội phụ nữ trong công tác tuyên truyền, giáo dục mọi người", bà Thanh nói.