“Sau 35 năm, 6 tháng công tác, vài ngày nữa tôi sẽ rời nhiệm sở, lúc này trong tôi nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Với tôi, đường sắt như là ngôi nhà thứ hai của mình, các đồng nghiệp là những người anh em thân thiết” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HARACO) Nguyễn Viết Hiệp chia sẻ.
Tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với Tổng giám đốc Nguyễn Viết Hiệp khi ông đang chỉ đạo chuyển tải do sự cố sụt lở tại Hầm Bãi Gió tại Km 1231+100 (khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh) thuộc tỉnh Khánh Hòa, phút 89 vẫn “thi đấu”. Đúng như tinh thần ông đã phát biểu tại cuộc họp của Tổng công ty cách đây 6 tháng, “tôi sẽ làm việc nghiêm túc đến ngày cuối cùng”, người đường sắt là thế.
Phút 89 của một CEO
Chào ông! Sự cố sụt lở hẳn phải chuyển tải khá lâu?
CEO Nguyễn Viết Hiệp: Hầm Bãi Gió được xây dựng từ thời Pháp với tuổi thọ hơn 100 năm, việc có nguy cơ xảy ra sạt lở hầm đã được nhận định, dự báo, đánh giá từ trước. Vào lúc 12h45 ngày 12/4/2024 trong quá trình thi công hầm Bãi Gió xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá từ đỉnh hầm làm ách tắc vận tải đường sắt.
Thủ tướng đã có văn bản Chỉ đạo Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên hỗ trợ đường sắt nhanh chóng khắc phục sự cố. Hiện hơn 200 lao động đường sắt làm việc 3 ca liên tục 24/24, còn tôi đang chỉ đạo anh em chuyển tải hành khách đi tàu bằng ô tô, khoảng 40km.
Dù ông không muốn nhắc lại, nhưng hết tháng này, ông sẽ nghỉ hưu. Tôi muốn ông trải lòng về sự cố “164 toa xe cũ”?
CEO Nguyễn Viết Hiệp: (im lặng hồi lâu) Thực tình thì tôi không muốn nhắc lại một kỷ niệm buồn. Sự thực, lúc đó tôi chỉ ký văn bản hỏi Bộ Khoa học & Công nghệ, cùng Bộ Giao thông Vận tải về quy định áp dụng niên hạn toa xe cũ nhập về việc Việt Nam xuất phát từ nhiệm vụ do Tổng công ty giao, mọi việc chỉ mới đơn giản như thế.
Khi đó, HARACO quản lý theo mô hình công ty TNHH MTV, thủ tục đầu tư như thế nào thì chắc mọi người đã biết, nếu đã tiến hành đàm phán mua bán toa tàu cũ của Trung Quốc phải có hồ sơ lưu trữ.
Tháng 6 năm 2016, tôi từ Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội lên làm Trưởng ban Kế hoạch - Kinh doanh Tổng công ty (18 tháng, rồi quay trở lại) không phải là hình thức kỷ luật. Về chuyên môn, đến nay các nhà làm luật đang đề nghị bỏ niên hạn toa xe trong Luật Đường sắt, điều này cho thấy với niên hạn toa xe không như người ngoài ngành nghĩ. Trong đường sắt, người ta quan tâm nhiều đến km sử dụng toa xe hơn là khái niệm toa xe “cũ” hay “mới”.
Trải lòng với nghề
CEO Nguyễn Viết Hiệp: Đầu tiên là tôi thấy vui khi kinh doanh vận tải đã được khởi sắc cả về số liệu kinh doanh, chất lượng phục vụ lẫn vị thế xã hội, tôi nhớ không nhầm sau 21 năm Thủ tướng Chính phủ mới có dịp quay lại thăm, làm việc với đường sắt.
Tiếp theo, gần đây định hướng kinh doanh vận tải đường sắt được rõ ràng hơn, chi phí được quản lý chặt hơn. Thay vì vận chuyển hành khách từ điểm ga A đến ga B, chúng ta đang bán hành trình trải nghiệm AB, điều này làm tăng lợi nhuận, phù hợp với xu thế đường sắt thế giới.
Hiện có rất nhiều tập đoàn du lịch đường sắt lớn trên thế giới tìm đến mong muốn hợp tác kinh doanh, chúng tôi sắp tổ chức 3 tour nguyên chuyến 10 ngày (Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Hà Nội).
Đến nay, thu nhập của người lao động đường sắt được nâng lên rõ rệt, họ thêm yêu ngành, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp trên. Vẫn còn khó khăn, nhưng với thế và lực đường sắt như thế này, kiên trì và nỗ lực, tôi in đường sắt sẽ phát triển.
Vì sao ông lại coi đường sắt như ngôi nhà thứ 2 của mình?
CEO Nguyễn Viết Hiệp: Tốt nghiệp đại học, từ tháng 11 năm 1988 đến nay, tôi luôn gắn bó với đường sắt, vợ tôi cũng làm đường sắt, có thể nói 24/7 tôi gắn bó với đường sắt (cười). Đường sắt đã cho tôi rất nhiều vì thế đây chính là ngôi nhà lớn mà tôi là một thành viên.
Nhân đây xin cám ơn Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Hoan, các thành viên Ban Tổng giám đốc, các anh em phòng, ban, chi nhánh tại Công ty bấy lâu nay đã hỗ trợ tôi hoàn thành nhiệm vụ được. Tôi sẽ mãi nhớ cung đường đèo Khe Nét, nhớ các ga Nghệ-Tĩnh, nhớ tổ tàu VĐ, nhớ các đồng nghiệp HARACO thân yêu, nhớ tiếng còi tàu quen thuộc.
Vĩ thanh
Là người có hơn 12 năm làm công tác quản lý cấp công ty, theo anh muốn phát triển kinh doanh vận tải, cần phải làm gì?
CEO Nguyễn Viết Hiệp: (trầm ngâm) Nhiều năm không được đầu tư hạ tầng, kinh doanh vận tải đường sắt gặp nhiều khó khăn, giờ đây đã được nhà nước quan tâm, đây là cơ hội. Muốn tăng hiệu quả kinh doanh, có lẽ cần phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, điều hành, thường xuyên tung ra các sản phẩm mới.
Nhờ phần mềm bán vé tiện ích, 70% hành khách đã mua vé trực tuyến, chúng ta giảm bớt cửa vé. Nhưng làm thế nào chỉ nhúng CCCD, là đủ thông tin khách đi tàu, có thể thay đổi phí đại lý bằng phí xuất vé để đẩy tỷ lệ mua vé online hay không? Liệu có thể thay đổi kết cấu giá thành vé tàu, cước vận tải hàng hóa để có thể linh hoạt thay đổi theo thị trường không?...Tôi cho rằng còn rất nhiều việc sẽ làm, phải làm…
Và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục làm tiếp….?
CEO Nguyễn Viết Hiệp: Tôi tin thế, các anh Phó Tổng giám đốc Trần Văn Nam, Nguyễn Hồng Linh…đều là những người đi lên từ cơ cở, có nhiều năm công tác, các giám đốc chi nhánh của HARACO như anh Hùng, anh Tuấn, anh Bình, anh Hạnh, anh Quý, các trưởng phòng Dân, Chiến, Hà, Tuấn và nhiều, rất anh chị em khác, đều am hiểu thị trường, giỏi nghiệp vụ sẽ tiếp tục công việc.
Tôi tin, HARACO nói riêng và đường sắt nói chung sẽ tiếp tục phát triển. Thực tế với tất cả quốc gia muốn phát triển kinh tế, đều phải phát triển vận tải đường sắt để giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Việt Nam chúng ta cũng không thể đứng ngoài quy luật này!
Câu hỏi cuối cùng, mới đây, Đại sứ Pháp Olivier Brochet công du từ Hà Nội bằng tàu và có bài viết khá hay. “Lần đầu tiên, tôi đi tàu đêm Hà Nội - Đà Nẵng. Một trải nghiệm rất tốt mà tôi khuyên bạn nên sử dụng. Nhưng bạn nên nhớ mang theo áo len (máy lạnh rất lạnh) và nút bịt tai. Tất cả những gì bạn phải làm là để mình được ru ngủ trong tiếng lắc lư và chiêm ngưỡng cảnh quan đặc biệt giữa Huế và Đà Nẵng vào buổi sáng”. Ông bình luận gì về status này?
CEO Nguyễn Viết Hiệp: (phấn khởi) Có 3 thông điệp, đầu tiên đường sắt đã được các chính khách ngoại giao nước ngoài quan tâm, lựa chọn; tiếp đến là chúng ta cần phải tiếp tục đầu tư hạ tầng, phương tiện đường sắt và cuối cùng là du lịch đường sắt sẽ phát triển vì chúng ta có nhiều “cảnh quan đặc biệt”.
Nhân đây, cho tôi gửi lời cám ơn tới tất cả đối tác, khách hàng trong và ngoài nước đã yêu quý và sử dụng dịch vụ đường sắt, cám ơn những người bạn đã đồng hành với tôi hơn 35 năm qua. Chào tạm biệt mọi người!
Xin cám ơn ông và chúc ông có nhiều niềm vui mới!