70 năm giải phóng Thủ đô

“Pin cúc áo” làm hoại tử mũi bé gái 2 tuổi

Công Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bé gái 2 tuổi trong quá trình chơi đùa đã không may để viên “pin cúc áo” lọt vào trong mũi gây đau. Bố mẹ bé đưa đi khám thì phát hiện viên pin đã rỉ sét, hoại tử niêm mạc mũi của bé...

“Pin cúc áo” làm hoại tử mũi bé gái 2 tuổi - Ảnh 1
Viên pin nằm trong mũi của bé gái 2 tuổi. Ảnh: BVCC

Ngày 18/7, BSCKI Phí Vĩnh Hà - Phó khoa Liên Chuyên Khoa, Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất cho biết, ông đã phẫu thuật lấy viên pin cúc áo ra khỏi mũi của bé gái 2 tuổi.

Theo đó, bé gái 2 tuổi trú tại xã Yên Trung, hàng ngày khi bố mẹ đi làm, cháu ở nhà với bà nội. Khi bố mẹ thấy con có biểu hiện quấy khóc, chảy mũi nhiều và đau nên đã đưa đến Bệnh viện đa khoa Thạch Thất khám.

Sau khi thăm khám bác sĩ Phí Vĩnh Hà thấy cháu có dị vật bất thường tại mũi cần phải được nhập viện phẫu thuật cấp cứu. Ngay lập tức liên hệ với phòng mổ chuẩn bị, ê kíp phẫu thuật đã gắp ra được 1 viên pin cúc áo ở sâu bên trong mũi phải đã gỉ sét. Sau đó, các bác sĩ tiếp tục làm sạch và tiến hành kiểm tra.

“Tại vị trí viên pin bị mắc kẹt niêm mạc mũi bị hoại tử hoàn toàn, may mắn vách ngăn mũi chưa bị thủng, tuy nhiên cần phải tiếp tục theo dõi” - bác sĩ Hà chia sẻ.

Theo bác sĩ Phí Vĩnh Hà, dị vật mũi hay gặp ở trẻ 2 - 5 tuổi, do trẻ nghịch ngợm nhét những đồ chơi nhỏ, hạt thức ăn, pin điện tử... Các bậc cha mẹ chú ý cần đưa trẻ đi khám ngay khi nghi ngờ có dị vật mũi với các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy máu mũi, chảy mũi hôi một bên. Nếu phát hiện bé nhét dị vật, phụ huynh không cố lấy vì dễ làm trôi ngược vào trong gây nguy hiểm. Cần bình tĩnh, không làm bệnh nhi hốt hoảng vì có thể tăng lực hô hấp, gây thở dồn dập, hít sâu vô tình đưa dị vật vào bên trong.

“Pin cúc áo” làm hoại tử mũi bé gái 2 tuổi - Ảnh 2
Hình ảnh viên pin được gắp ra. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Phí Vĩnh Hà cho biết thêm, dị vật là pin tác động rất nhanh và ảnh hưởng lâu dài. Từ 3 - 6 giờ có thể gây hoại tử niêm mạc và loét vách ngăn. Dị vật pin điện tử dù phát hiện gắp ra sớm, chưa thấy rõ tổn thương thì vẫn cần nhập viện theo dõi, rửa mũi, vì nguy cơ hoại tử mũi sau đó rất cao. Bởi pin điện tử phóng thích hóa chất gây ăn mòn, gây hoại tử mô tại chỗ. Bên cạnh đó, còn tạo ra dòng điện cục bộ gây bỏng niêm mạc mũi; thiếu máu cục bộ do pin chèn ép dẫn đến hoại tử mô xung quanh.

Vì vậy, nếu không can thiệp kịp thời sẽ gây loét cuống mũi dưới, biến dạng mũi, viêm mũi teo, thủng vách ngăn và sẹo hẹp mũi. Qua sự việc trên, bác sĩ Hà khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm con hơn nữa để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

“Pin cúc áo” làm hoại tử mũi bé gái 2 tuổi - Ảnh 3
Tự mua thuốc điều trị viêm họng, thiếu niên lở loét toàn thân do hội chứng Lyell

Mới đây, Khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận và điều trị thành công cho trường hợp bệnh nhân L.A.V (SN ...