Podcast Truyện ngắn: Hư ảo

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "- Hỡi Thần, Phật, Chúa cùng các đấng tối cao, tại sao cái ngài không chừa cho tôi một con đường sống. Trong ánh trăng máu bỗng hiện ra cây thánh giá, ông Thuật nghe rõ tiếng của Viên Nguyệt:- Đến lúc mình theo em đến nơi không có khổ đau phiền não rồi."

 

Ánh trăng chênh chếch soi bóng ông Thuật đi từ trong làng ra ao cá, con đường nhỏ phải đi qua nghĩa trang nên buổi tối hiếm người qua lại. Người ta đồn ngay gốc cây gạo có nhiều hồn ma vất vưởng, vì thế lúc trời chạng vạng tối chẳng ai dám lai vãng, kể cả mấy người đi soi ếch đều tránh cho lành. Con chó mực đánh hơi thấy chủ từ xa đã sủa ầm ĩ thay lời chào mừng, nó kiễng hai chân sau và bám hai chân trước lên thanh tre ở cổng rồi thò cổ hóng về phía trước, mỗi bước chân của chủ tiến lại gần càng khiến nó phấn khích. Ông Thuật nuôi con mực từ hồi bé tí, do vậy nó gắn bó như người trong nhà, đúng như câu “khuyển mã chi tình” . Đẩy cổng bước vào, trong túp lều nhỏ một thiếu nữ đang cặm cụi vá áo, vừa nhìn thấy ông Thuật lom khom bước vào, cô hỏi;

-Mình ăn tối chưa, em phần cơm canh trong nồi.

Nghe ông Thuật nói đã ăn tối cùng vợ chồng người con trai, cô gái nhẹ nhàng nói;

-Khuya rồi em dọn chỗ cho mình ngả lưng.

 Túp lều nhỏ vừa chỗ cho hai người nằm, con mực dù được gọi nhưng nhất quyết nằm canh ngay cửa lều. Vốn là giống chó khôn nên nó hiểu nỗi lo nỗi lo của chủ. Ao cá sắp đến ngày thu hoạch nên lũ trộm thường xuyên tình rập, bởi vậy nó không dám lơ là kẻo thành công cốc. Nằm cạnh người tình trẻ, sự ham muốn trỗi dậy khiến ông Thuật đưa tay vuốt ve bầu vú căng tròn của Viên Nguyệt. Vốn lâu ngày không có sự đụng chạm xác thịt, ông nghĩ mọi ham muốn như ngọn đèn dầu leo lét, tuy nhiên từ ngày có Viên Nguyệt về chung sống, dòng máu nóng lại chảy khắp cơ thể khiến ông căng cứng. Ông Thuật nhớ rõ ngày cậu con trai vừa tròn hai tuổi, người vợ đã nhẫn tâm bỏ con để chạy theo một gã thợ may nơi phố huyện. Đôi gian phu dâm phụ dắt díu nhau vào Nam rồi bặt tin, nguyên do bởi cuộc sống ngày đó quá đói khổ, cái nghèo khiến mọi thứ tăm tối. Kể từ ngày vợ bỏ đi, ông Thuật chấp nhận cảnh gà trống nuôi con cho đến khi con trai trưởng thành. Khi tuổi đã ngoài 60, những tưởng ông sẽ vui thú điền viên cùng gia đình người con trai và đứa cháu nội, ai ngờ lúc nhận thầu ao cá, ông gặp được tình yêu của đời mình dù đến muộn. Do sắp bước sang bên kia con dốc cuộc đời, vì thế hạnh phúc được chắt chiu từ những giọt mật kết tinh của một đời thăng trầm, ông Thuật biết Viên Nguyệt là món quà của thượng đế dành tặng riêng mình, mọi bàn tán thị phi chẳng khiến ông bận lòng. Ánh trăng chiếu vào túp lều khiến toàn thân của Viên Nguyệt như tráng một lớp bạc, mặc cho bên ngoài gió thổi từng cơn khiến hàng tre xào xạc, tiếng chim lợn kêu rợn người lúc bay ngang túp lều, ông Thuật cùng người tình trẻ ngụp lặn trong khoái lạc không cần biết đến ngày mai. Đã nhiều lần tỉnh giấc giữa đêm khuya, ông chẳng thể lý giải được vì sao mình có sự dẻo dai đến kì lạ, ông cùng Viên Nguyệt làm tình hàng đêm, việc này đều như vắt tranh không hề có sự gián đoạn, tuy nhiên ông chẳng thấy thấy dấu hiệu mệt nhọc do tuổi tác đem lại. Cuộc tình giữa một già một trẻ, âu cũng là món quà lúc hoàng hôn cuộc đời, ông cảm thấy như vậy cũng đáng để sống.

Khi bình minh ló dạng, sau khi súc miệng bằng điếu thuốc lào, ông Thuật cầm hai ống tre ra ngoài bờ ao gõ vào nhau, vừa nghe hiệu lệnh, lập tức đàn cá tranh nhau ngoi lên mặt nước, chúng quẫy đạp khiến mặt ao như có sóng. Mở bao tải dứa múc thức ăn vãi xuống, đã thành lệ, mỗi ngày ông cho cá ăn ba lần vào sáng, trưa và chiều tối. Khác với những người trước đây, họ chỉ nuôi kiểu được chăng hay chớ, mua cá giống về thả coi như xong việc, dăm bảy tháng sau quăng lưới hoặc tát ao bắt cá. Cách nuôi quảng canh như vậy, số cá thu hoạch chưa đến một yến, trừ mọi chi phí nhiều khi còn lỗ. Nhận khoán ao từ hợp tác xã, ông bắt tay vào tát cạn ao rồi tiến hành nạo vét bùn, sau đó mua tre cắm xuống làm hàng rào nhằm chống bọn câu trộm. Dù con trai ngăn cản, ông vẫn dựng túp lều để ngày đêm trông đàn cá và làm bạn với ông có con chó mực trung thành với chủ. Cho cá ăn xong, tranh thủ còn vạt đất bỏ không, ông trồng ít rau ngắn ngày coi như đỡ tiền chợ. Ở làng không ai có thói quen đi chợ mua rau, bởi vườn nhà quanh năm mùa nào thức đó, người ta đi chợ mua thịt cá hoặc các nhu yếu phẩm khác, những gánh rau thu hoạch tại ruộng, tất cả được những người phụ nữ chở về Hà Nội bán từ khi trời còn chưa sáng rõ mặt người.

Trộn bát cơm nguội cùng chút thịt vào bát cho con mực, trong lúc chú chó trung thành ăn một cách ngon lành, ông Thuật lấy miếng lương khô ăn tạm, nhìn trên mái lều còn mấy que hương, ông rút một nén đi ra gốc cây xoài châm lửa thắp hương rồi cắm lên ngôi mộ. Thật ra ngôi mộ đơn sơ không được xây cất, nó chỉ được đánh dấu bởi mấy viên gạch xếp chồng lên nhau. Ngày mới nhận thầu, lúc tát ao để nạo vét, vô tình nhặt được một ống xương cẳng chân trong đống bùn nhão nhoẹt, là người cứng bóng vía nên ông cẩn thận xúc từng rổ bùn để sàng lọc. Công việc mang tính tâm linh được làm tỉ mẩn mỗi ngày một chút, cuối cùng ông gom đủ một bộ hài cốt hoàn chỉnh, nhìn hàm răng đều tăm tắp, ông đoán người này chết khi còn rất trẻ. Thay vì mang ra ngoài nghĩa trang của làng chôn cất, ông Thuật mua chiếc tiểu sành rồi nấu nồi nước lá thơm và tự tay rửa sạch bộ hài cốt bọc vào vuông lụa đỏ đặt vào trong chiếc tiểu sành sau đó chôn ngay dưới gốc xoài. Khi thu lượm từng mẩu xương dưới đáy ao, ông mò được một sợi dây chuyền bằng bạc có gắn cây thánh giá, đoán người xấu số là kẻ có đạo, không biết tên người mất nên ông tự tay đóng hai thanh gỗ thành hình cây thánh giá rồi cắm thay cho bia mộ. Biết tin ông xây mộ ngay gần túp lều, cậu con trai cùng mấy người trong làng đều lắc đầu lè lưỡi, họ nói ông gàn dở khi sống cạnh một ngôi mộ vô chủ. Hồi đó con trai chạy xe máy ra tận ao nhằm thuyết phục ông chuyển tiểu sành vào nghĩa trang, cậu không quên kể lại việc dân làng thêu dệt đủ thứ chuyện. Đáp lại những lời thị phi đó, ông Thuật nói đúng một câu:

- Bố sống cạnh hồn ma không sợ, chỉ sợ sống cạnh những kẻ tuy còn sống nhưng đã chết về mặt tâm hồn.

Tiếng chuông chùa từ trong làng vọng lại, ông Thuật nhớ hôm nay là ngày rằm, dù đoán người nằm dưới mộ thuộc bên Công giáo, nhưng ông vẫn đều đặn ra chùa nhờ các vãi già đọc kinh cho hương hồn người chết được vãng sanh miền cực lạc. Trước khi khép cổng, ông vỗ tay gọi con mực rồi căn dặn:

- Ở nhà trông nom cẩn thận, trộm mò vào là tao cùng mày chết đói.

Nghe nhắc đến trộm, con mực vội quay vào nằm sát bên mép ao.

Cầm trên tay sợi dây chuyền bạc, ông Thuật bước thấp bước cao ra bến đò. Con sông chảy qua quê ông khiến bên lở bên bồi, ngày trước khi bãi ngô còn sát mép sông, ông đã rủ cô thôn nữ xinh nhất làng Hạ chui vào đó, hai con người mới lớn lần đầu nếm thử trái cấm giữa mênh mông của đất trời, ông nhớ khi nằm ngửa ngắm bầu trời đầy sao, tiếng chuông nhà thờ của xóm đạo bên kia sông vọng lại. Sau này người thôn nữ nằm ở bãi ngô đã cùng ông nên duyên vợ chồng nhưng duyên phận chưa đến ba năm đã mỗi người một ngả. Làng của ông chỉ có chùa và đình, bà con ngày rằm mùng một thường vào chùa thắp hương, đến ngày hội làng sẽ ra đình rước kiệu có bài vị của Thành hoàng làng, tuyệt nhiên không có nhà thờ, bởi vậy ông đoán bộ hài cốt là người bên kia sông. Đò cập bến đưa ông Thuật sang khu xóm đạo, ngôi nhà thờ ngày xưa vọng tiếng chuông ngân giờ chỉ còn là phế tích. Đứng tần ngần hồi lâu trước cảnh hoang tàn đổ nát, tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng lại khiến ông trở về thực tại, ngay giữa xóm đạo có một ngôi nhà thờ khang trang bề thế vừa mới được xây thay cho ngôi nhà thờ cũ đổ nát, để chăm sóc phần hồn cho những con chiên của Chúa.

Vị linh mục chăm chú lắng nghe câu chuyện của ông Thuật, lúc cầm trên tay cây thánh giá bằng bạc do ông đưa nhằm chứng minh cho câu chuyện của mình, vị linh mục giải thích, cách đây gần ba mươi năm có một cô gái trẻ lưu lạc đến xóm đạo, cô được bà con cưu mang để tránh sự truy bức của gã chồng vũ phu. Do cảm động vì tấm lòng của cộng đồng dân Chúa nơi đây, cô đã quì xuống xin được làm con chiên, kỉ vật này do chính Đức Cha tiền nhiệm trao tặng cho cô gái ngay trước bàn thờ của Chúa, việc đó được thực hiện ở ngôi nhà thờ cũ gần bờ sông.

Sực nhớ mục đích của mình đến đây, ông hỏi lại:
-Thưa cha, vậy tôi có được gặp vị linh mục đã trao sợi dây chuyền này không, bởi vì tôi có nhiều câu hỏi cần lời giải đáp.
Vị linh mục nhẹ nhàng giải thích, đức cha tiền nhiệm đã hoàn thành sứ mệnh phụng sự của mình nơi trần thế, hiện ngài đã trở về bình an nơi nước Chúa. Theo hướng tay của vị linh mục, ông Thuật nhìn thấy ngôi mộ ốp đá hoa cương, như vậy ngài ra đi mang theo bí mật về thân phận cô gái. Vị linh mục khẽ nói:

- Theo như mọi người kể lại, cô gái đi đò qua sông có việc riêng, kể từ đó không thấy cô quay lại nơi này.

Ông Thuật bần thần hồi lâu, sau đó thảng thốt:
-Chẳng nhẽ Chúa mang những người tốt đi sớm vậy hay sao.

Trao trả sợi dây chuyền cho ông Thuật, vị linh mục từ tốn giải thích, nếu đó là ý Chúa, tức là người có sự thu xếp rồi. Ông Thuật trong lòng ngổn ngang như mối tơ vò, bao năm sống trong sự cô đơn nỗi đau khổ giày vò bởi người vợ đã phản bội. Tuy nhiên hôm nay đứng trong thánh đường, ngắm hành trình chịu nạn của Chúa Giêsu, ông thấy nỗi buồn của mình chỉ như hạt cát, phải chăng người con gái đó sinh ra từ cát bụi đã trở về với cát bụi. Thấy không còn sớm, ông xin phép ra về nhưng không quên hứa sớm quay lại, bởi ông muốn dự lễ cầu kinh cho linh hồn người đã khuất sớm lên thiên đường.

Khi màn đêm buông, do trăng ẩn trong mây khiến mọi thứ chìm vào bóng tối, sau khi ân ái cuồng nhiệt với người tình trẻ, ông Thuật nằm ngửa mặt nhìn ra bên ngoài, dù trời tối đen nhưng ông vẫn nhận ra con Mực đang nằm phủ phục trước túp lều, mắt nó hướng ra ao cá để phòng bất trắc. Đêm nay trời lặng gió, tiếng chim lợn từ xa vọng lại như một điềm báo. Viên Nguyệt lấy chiếc yếm lụa lau mồ hôi đang chảy ướt sũng trên khuôn mặt già nua của ông rồi khẽ nói:

- Chắc em phải đi xa một thời gian, mình nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng uống rượu nhiều quá.

Ông Thuật hỏi dồn dập:

- Em tính đi đâu, sao không đợi tháng sau anh gọi người vào mua cá, lúc có tiền rồi sẽ xây lại một ngôi nhà khang trang hơn.

Viên Nguyệt lau xuống đến ngực ông Thuật một cách nhẹ nhàng với tất cả tình cảm của mình, cô an ủi;

- Mình đừng lo lắng quá, khi nào nghe thấy tiếng chuông, lúc em quay về.

Ông Thuật mơ màng chìm trong giấc ngủ nên chưa kịp hỏi Viên Nguyệt, tiếng chuông chùa hay tiếng chuông nhà thờ. Chưa sáng con trai ông đã có mặt tại ao cá, anh lấy trong túi ra một chiếc gương rồi nói:

- Bố soi gương rồi con thưa chuyện.

Nhìn vào trong gương, ông Thuật giật mình khi thấy người đàn ông râu tóc bù xù với đôi mắt thâm quầng dường như xa lạ, bởi ông còn tráng kiện hơn khối kẻ. Giả sử việc đêm nào ông cũng làm tình cùng Viên Nguyệt lan ra khắp làng, chắc đám thanh niên phải ghen tị. Người con trai rít một hơi thuốc rồi khẳng định, chẳng có cô Viên Nguyệt nào sống cùng ông mỗi đêm trong cái túp lều rách mọi chuyện bắt đầu kể từ lúc ông vớt được bộ hài cốt vào đêm trăng tròn rồi đem chôn dưới gốc xoài. Con trai ông đau xót nói:

 -Người và ma không thể chung sống được, bố nhìn gương đủ hiểu mọi tinh lực đang dần cạn kiệt, hãy nghe con mau gọi quản trang đưa người ta vào an táng trong nghĩa đĩa, ở đó họ có nhiều vong để tâm sự, bố hãy rời khỏi thế giới hư ảo quay về với thực tại khi còn chưa muộn.

Nghe con trai nói xong, ông Thuật nhớ đến lời vị trùm họ bên xóm đạo giải thích, ông chẳng phải làm tình cùng người con gái đó, ông làm tình với quá khứ đau thương của mình, mọi xúc cảm dồn nén bấy lâu đang tìm nơi giải tỏa.

Đứng lặng im trước ngôi mộ mới xây, đây là ngôi mộ duy nhất có gắn cây thánh giá. Ông Thuật không biết liệu người con gái xấu số có được siêu thoát không, hay linh hồn vẫn ở quanh đây, bởi vì nếu còn việc chưa làm xong, linh hồn cô sẽ không nỡ rời xa cõi tạm. Ngồi ăn tối cùng gia đình người con trai, ông Thuật uống gần hết vò rượu nhằm quên đi nỗi trống vắng ở trong lòng, ông muốn say để khi quay về túp lều chỉ lăn ra ngủ một giấc cho đến sáng. Thấy không còn sớm, con trai muốn đưa ông về nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Khi trưởng thành người con trai càng giống tay thợ may phố Huyện năm xưa, kẻ đã dắt vợ ông bỏ đi, chính điều này khiến ông đau khổ nhưng không biết thổ lộ cùng ai, ông chọn cách sống cô độc vì muốn quên chuyện trong quá khứ. Bước về khu ao cá lúc mọi người trong làng đã say giấc nồng, tiết trời tháng 5 khiến cho không khí oi bức khó chịu, ông Thuật cầm trên tay thanh xúc xích nhưng không thấy con mực hít hà sủa như mọi lần khiến ông dự cảm chuyện chẳng lành.

Đẩy cổng bước vào, ông chết lặng khi thấy con chó mực trung thành và tinh khôn dù không ăn miếng thịt bò tẩm chất độc, nhưng nó bị lũ trộm thòng dây thít cổ đến chết rồi ném xuống hố. Oái ăm thay cái hố đó chính là nơi từng an táng bộ hài cốt, lúc cất bốc chuyển sang nghĩa trang ông chưa kịp lấp đất. Lũ trộm sau khi vớt được mẻ cá lớn, chỗ cá còn lại do không đủ thời gian nên chúng thả nguyên một chai thuốc trừ sâu xuống ao. Nhìn đàn cá chết nổi trắng ao khiến ông Thuật khuỵu chân xuống rồi ngước mặt lên bầu trời, hôm nay mặt trăng đỏ rực khiến mặt ao như sũng máu của đàn cá. Từ phía xa vọng tiếng chuông ngân, không biết đó là chuông chùa hay chuông nhà thờ, ông Thuật dang tay hét to:

- Hỡi Thần, Phật, Chúa cùng các đấng tối cao, tại sao cái ngài không chừa cho tôi một con đường sống.

Trong ánh trăng máu bỗng hiện ra cây thánh giá, ông Thuật nghe rõ tiếng của Viên Nguyệt:

- Đến lúc mình theo em đến nơi không có khổ đau phiền não rồi.