Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Podcast Truyện ngắn: Khối tình mang theo

Phương Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi mong một ngày, người đàn bà đó thực hiện được giấc mơ của mình. Dù hình ảnh đó là hai người già gục đầu bên cạnh nhau hay là một đôi trai gái trẻ trung nắm tay nhau chạy trên bờ đê dài tít tắp đến tận chân trời.

 

- Bà ngoại ơi có người tìm bà này!

Tôi đang quét nhà, thấy con gái gọi bà ngoại, tôi vội dựa cái chổi vào tường, chạy ra sân vì biết rằng mẹ tôi đang ở sau vườn, không ra đón khách ngay được.

Đám trẻ con đang được nghỉ hè, túm tụm chơi ngoài sân, thấy có người lạ đến vội chạy túa ra, vây xung quanh tò mò nhìn ngó. Khách là một người đàn bà lạ tôi chưa gặp bao giờ, dáng người nhỏ bé, lam lũ, lưng hơi còng, mặc chiếc áo cánh kiểu cũ các bà các mẹ hay mặc, quần vải đen xắn vội bên thấp bên cao. Bà dắt chiếc xe đạp cũ, phía sau buộc một chiếc chậu nhôm, không biết để đựng rau cỏ, hoa quả hay tôm cá. Tôi đoán đây là một người bán hàng ở chợ cóc gần nhà tôi, chắc vào tìm mẹ có việc liên quan đến chợ búa, hàng hóa hoặc mẹ tôi có đặt của bà món hàng gì đó, giờ bà mang vào.

Tôi xua bọn trẻ con, nhắc chúng tránh ra xa kẻo làm đổ xe của bà, rồi mời bà ngồi vào bàn nước ở góc sân uống nước, chờ mẹ tôi. Người đàn bà sẽ sàng ngồi xuống ghế, nhìn tôi và đám trẻ con bằng con mắt lạ lẫm. Tôi đoán bà đang ngạc nhiên lắm vì bình thường nhà chỉ có bố mẹ tôi, giờ bỗng nhiên lại có một đoàn trẻ con lóc nhóc chạy nhảy, hò hét váng nhà. Tôi vội giới thiệu: Tôi là con gái của bố mẹ tôi, ở ngoài thành phố, nghỉ hè tôi cho các con về thăm ông bà ngoại. Ngoài mấy đứa nhà tôi còn có con của các anh cũng ở xa về nên mới đông đúc, ồn ào thế. Bà gật gật cái đầu, miệng mỉm cười, trìu mến nhìn đám trẻ con đang nô đùa. Tôi nhìn kỹ người đàn bà lạ, vẫn chưa thể nhớ ra đây là ai. Bà ngồi thu lu yên lặng, như thể cố co gọn người lại, lưng càng còng xuống. Khuôn mặt bà đượm vẻ u buồn.

Mẹ tôi ở sau vườn đi vào, thấy người đàn bà đó, khuôn mặt mẹ vụt trở nên sáng ngời. Mẹ tươi cười, vồn vã:

- Ôi, chị đến nhanh thế. Em mới nhắn hôm kia mà chị đã thu xếp đến ngay được à?

Người đàn bà lạ cũng thoạt trở nên tươi tỉnh hơn, vội đáp lời:

- Tính chị thì em biết rồi đấy. Hay sốt ruột. Cứ có chuyện gì là trong lòng như có lửa đốt. Biết tin là vội thu xếp đến ngay. Cũng may hôm nay chợ đông đắt hàng nên bán hết sớm.

Mẹ lau mồ hôi trên trán, chạy vội vào trong buồng. Người đàn bà ngồi thẳng người lên trên ghế, vẻ hồi hộp, háo hức chờ đợi điều gì đó mẹ tôi sắp đưa ra. Nhìn họ tôi đoán giữa họ có một mối quan hệ rất thân tình nên gặp nhau mới hồ hởi như thế. Nhưng họ quen nhau từ lúc nào mà tôi không biết nhỉ?

Mẹ tôi đi ra mang theo điện thoại di động cùng một mảnh giấy và cây bút. Mẹ hào hứng nói với người đàn bà:

- Đây chị. Em mới tìm thêm được thông tin về địa chỉ ấy. Hôm trước chị bổ sung chi tiết là có cái chợ Mới. Em đã tra cứu trên mạng và hỏi một số nơi. Chợ Mới ngày đó chính là chợ Cũ bây giờ. Chỉ có chợ Cũ này mới nằm cạnh cây cầu có tuổi đời hơn 100 năm, rất phù hợp với thông tin chị đã cung cấp. Địa chỉ ngày càng sáng tỏ và tương đối chính xác rồi. Chị có thể đi tìm luôn được rồi. Để em ghi ra cho chị nhé!

Tôi vừa ngồi canh đám trẻ con không để chúng nghịch ngợm vừa nghe mẹ nói chuyện với người đàn bà đó mà cứ thấy bùng nhùng bên tai. Cứ nghĩ là họ sẽ trao đổi về chuyện hàng hóa, rau cỏ, lợn gà cơ. Chứ cái gì mà cứ chợ Mới với lại chợ Cũ, rồi lại cầu cống gì đó có vẻ rất xa xôi, cứ như ở tận phương trời nào.

Mẹ tôi cẩn thận ghi chép thông tin ra tờ giấy rồi đưa cho người đàn bà đó. Bà cầm tờ giấy bằng đôi tay run run, mắt loang loáng nước nhưng miệng lại tươi cười:

- Quý hóa quá. Chị không biết nói gì để cảm ơn em. Chuyến này chị quyết tâm sẽ tìm bằng được. Nhất định là thế. Thôi, chị về để chuẩn bị đã nhé!

Người đàn bà run run, lập cập quay chiếc xe đạp cũ, leo lên, lấy đà rồi đạp xe đi, chiếc xe loạng choạng mấy nhịp mới đứng thẳng lên được. Nhìn theo cái bóng nhỏ bé liêu xiêu của bà, lòng tôi không khỏi dấy lên rất nhiều câu hỏi và mối bận tâm. Tôi tò mò hỏi mẹ:

- Bác ấy cần tìm cái gì, cần tìm ai đấy mẹ? Sao con thấy khó khăn và rắc rối thế? Mà bác ấy là ai nhỉ? Con thấy là lạ, hình như chưa gặp bao giờ.

Mẹ tôi uống một ngụm nước, ngồi lặng lẽ mỉm cười, ánh mắt mơ màng ngắm nhìn đàn cháu đang chơi ở góc sân. Dường như mẹ đang suy nghĩ điều gì đó rất sâu hoặc đang cảm thấy lâng lâng và hạnh phúc vì đã làm được một việc lớn lao cho người bạn của mình. Tôi hiểu rằng chuyện vừa rồi rất quan trọng đối với mẹ. Tôi lay lay vai mẹ, lặp lại câu hỏi, lúc này mẹ mới choàng tỉnh, cất tiếng thở dài:

- Con không biết bác ấy đâu. Con xa nhà nhiều, ít về nên không biết. Bác ấy ở khối khác. Mẹ gặp bác ấy trong một lần đi họp phụ nữ ngoài thị trấn cách đây hơn mười năm. Hai người ngồi gần nhau, trò chuyện hợp nhau và trở nên thân tình. Bác ấy đem câu chuyện giấu tận trong đáy lòng ra tâm sự với mẹ. Đó là, suốt cả cuộc đời, bác ấy đau đáu một ước nguyện là tìm lại một người anh kết nghĩa đã thất lạc tin tức. Đến giờ cũng không biết là còn sống hay đã mất.

Mẹ rỉ rả kể tiếp: Ông ấy là người miền Nam, tập kết ra Bắc năm 1954. Những năm 1964 - 1972 đóng quân ở gần nhà bác ấy. Trong thời gian đóng quân này, ông hay qua lại nhà bác ấy chơi, nhận bố mẹ bác là bố mẹ nuôi, nhận là anh kết nghĩa của bác ấy. Ông ấy giúp đỡ gia đình bác rất nhiều. Giúp công sức, giúp lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men. Có cảm giác như được đơn vị chu cấp cho cái gì ông đều dành hết cho nhà bác. Hồi đó đói nghèo, khó khăn thiếu thốn, những nhu yếu phẩm ông ấy cung cấp cho gia đình bác như vậy là vô cùng quý giá.

Sau chiến tranh, gia đình bác di cư vào miền Trung theo diện đi phát triển vùng kinh tế mới, đúng đợt ông ấy đi công tác ở Hà Nội, không kịp nói lời tạm biệt nhau, chỉ gửi lại lời nhắn cho những người hàng xóm xung quanh còn ở lại. Hình như sau đó ông ấy quay lại thăm nhà một lần rồi chuyển công tác vào miền Nam để gần gia đình. Trước khi đi ông có để lại thư và địa chỉ quê nhà cho hàng xóm cũ của bác. Khi bác nhận được bức thư thì nó đã nhòe nát gần hết rồi, phần địa chỉ chỉ còn lại huyện và tỉnh, mất phần thôn xóm. Bác ấy đưa cái địa chỉ cho mẹ xem, mẹ thấy đề là huyện Cai Lậy tỉnh Mỹ Tho. Mà giờ thì tên tỉnh, tên huyện đều đã thay đổi. Tỉnh Mỹ Tho giờ là tỉnh Tiền Giang, huyện Cai Lậy giờ chia thành thị xã Cai Lậy và huyện lỵ Cai Lậy. Mỗi huyện, thị xã lại có mấy chục đơn vị hành chính nhỏ. Với cái địa chỉ như thế mà tìm người thì đúng là “mò kim đáy biển”.

Mẹ tôi dừng lại một chút để nghỉ. Đúng như tôi nghĩ, chuyện này lấy đi của mẹ rất nhiều công sức và tâm huyết. Tôi rót thêm nước cho mẹ, chống cằm ngắm nhìn khuôn mặt đang rất đăm chiêu của mẹ, dường như mẹ không ở trước mắt tôi, tâm trí mẹ đang trôi dạt tận đẩu đâu, có lẽ tận miền Tây xa xôi đó. Mẹ chép miệng rồi lại kể tiếp:

- Bác ấy lúc nào cũng tha thiết với  ý định, quyết tâm tìm được ông ấy nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu nên khi gặp mẹ, thấy mẹ quan tâm, lắng nghe, sẵn sàng giúp đỡ, bác ấy hoàn toàn dựa vào mẹ luôn. Thỉnh thoảng tìm được thông tin gì mới mẹ lại nhắn bác qua. Mỗi lần nhận được thông tin mới, bác lại sôi sục ý muốn đi tìm ông ấy, như lúc nãy con thấy đấy. Đó chính là động lực khiến mẹ càng cố gắng giúp đỡ bác ấy hơn.

Tôi xen vào:

- Con nghĩ mối quan hệ của họ không chỉ dừng lại ở mức anh em kết nghĩa, anh em kết nghĩa sao mà tình sâu nghĩa nặng thế?

- Cha bố cô! Tinh như ranh! Mẹ tôi cười xòa, giúi vào đầu tôi một cái đau điếng.

- Mẹ cũng đã từng nghi ngờ và hỏi bác ấy. Bác khai thật. Ông ấy đã có ý với bác, có điều là chưa nói hẳn ra, chỉ thể hiện bằng sự quan tâm và hành động. Ông giúp đỡ gia đình bác, mua quà bánh, nhu yếu phẩm, mỗi lần đến chơi đều xắn quần lội ruộng, sửa nhà, bổ củi, làm chuồng lợn... Không nề hà bất cứ chuyện gì. Rồi còn dạy bác học, dẫn bác đi chơi, hát, đọc thơ cho bác nghe... Nhưng lúc đó bác còn trẻ quá, ngây thơ, khờ dại, không nhận ra ông ấy yêu mình và mình cũng đã yêu ông ấy. Chỉ khi đã xa cách nhau hẳn bác ấy mới nhận ra tình cảm của mình. Lúc đó mới đau đớn, mới vật vã. Nhưng lại muộn mất rồi, đã xa cách nhau nghìn trùng rồi. Vì vậy, suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, bác chỉ có một ước muốn duy nhất là gặp lại người ấy. Để tỏ lòng biết ơn, để thỏa lòng mong nhớ đã đeo đẳng, ám ảnh bác bao lâu nay.

Quen biết bác ấy hơn mười năm nay, mẹ đã lần ra thông tin về người đàn ông ấy, từng chút, từng chút một, bằng đủ các hình thức. Từ đọc sách báo, viết thư, gọi điện thoại, khi có internet, mẹ tra cứu thông tin trên mạng. Gần đây có Facebook thì mẹ vào các hội nhóm có liên quan để hỏi. Nhưng thông tin mênh mông trời biển. Rất may tuần trước bác ấy qua nhà báo một tin quan trọng. Đó là bác nhớ ra trong một lần nói chuyện, ông ấy có kể hồi bé hay được mẹ cho đi chợ Mới. Chợ đó nằm cạnh một cây cầu rất cổ. Mẹ đã vào các hội nhóm cả ở huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy viết bài với các thông tin như thế, nhờ mọi người tìm hộ. Cuối cùng được người ta mách: chợ Mới đó chính là chợ Cũ bây giờ, nằm trên đường Thái Thị Kiểu, phường 1, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Chỉ có cái chợ này mới nằm bên cạnh một cây cầu đúc có tuổi đời trên 100 năm, rất phù hợp với lời kể của ông ấy. Bắt được thông tin quý như vàng đó, mẹ vội nhắn tin, thế nên hôm nay bác ấy mới vội vàng đến nhà mình. Mẹ nghĩ thông tin như vậy là khá đầy đủ rồi. Chỉ cần đến thị xã Cai Lậy, tìm đến ủy ban nhân dân hoặc Hội Cựu chiến binh, người ta sẽ giúp đỡ tận tình.

- Bác ấy sẽ đi một mình hay đi cùng chồng con hả mẹ? Tôi ngần ngại hỏi mẹ, bởi trong lòng thấy rất hoang mang khi nhớ đến hình ảnh bé nhỏ liêu xiêu của ấy lúc đạp xe ra về.

Mẹ tôi trầm hẳn giọng xuống:

- Bác ấy chưa bao giờ kể ước nguyện của mình với chồng con. Hai vợ chồng bác không hợp nhau nên ăn riêng từ lâu rồi. Con cái đều đi làm xa. Bác ấy bảo sẽ đi một mình. Nhưng bác trông già yếu như thế, lại không phải là người hoạt bát nhanh nhạy, ít va chạm xã hội, liệu có thể đi một mình đến một nơi xa xôi như thế không. Cách đây mấy năm bác cũng vào trong đó một lần rồi nhưng tìm mãi, tìm mãi mà không gặp được. Mẹ nghe mà thấy nghi ngờ lắm. Không biết bác ấy có đi thật không, hay suy nghĩ nhiều quá rồi gây ra ảo giác, tưởng tượng hoặc nằm mơ. Chắc bác ấy chỉ đi trong mơ thôi. Lần nào có được thông tin mới, bác ấy cũng bảo sẽ đi, cứ như thể về nhà là chuẩn bị lên đường luôn. Nhưng chẳng biết được đâu. Khéo tuần sau bác lại đến nhà mình hỏi thông tin mới, cứ như chưa có chuyện gì xảy ra vậy.

- Nhưng tìm được rồi thì sẽ như thế nào mẹ nhỉ. Người ta có còn sống không, hay mất lâu rồi. Nếu còn sống thì có gia đình không. Nếu bác ấy xuất hiện thì gia đình người ta sẽ nghĩ như thế nào. Rồi chưa kể ông ấy có còn nhớ không, có tha thiết, mong mỏi được gặp lại bác ấy không. Nếu người ta tha thiết với bác thì trong từng ấy thời gian, nếu còn sống, sao không tìm gặp? Con chỉ sợ bác ấy sẽ bị thất vọng, bị tổn thương thôi. Người quá hi vọng và mong chờ một điều gì sẽ rất hay bị sốc khi điều đó không được như mong đợi.

Mẹ tôi ngồi ngẩn người, suy nghĩ mông lung lắm. Dường như mẹ tôi chưa nghĩ đến điều này. Và chắc người đàn bà đó cũng không nghĩ đến. Mẹ cũng như người đàn bà đó, cứ mải miết đuổi theo ý định của mình, cứ mải miết tìm kiếm mà quên bẵng đi hiện thực. Và rất có thể, cái hiện thực đó  rất phũ phàng chứ không lung linh, ngọt ngào như trong những giấc mơ.

Mẹ tôi tắt màn hình điện thoại, đứng lên, nói bằng giọng quả quyết:

- Dù như thế nào đi nữa thì mẹ vẫn tiếp tục giúp đỡ bác ấy, vẫn tiếp tục cổ vũ và động viên bác thực hiện ước nguyện của mình. Mẹ sẽ lại tiếp tục tìm kiếm, tìm đến tận cùng. Biết đâu có một ngày mẹ sẽ tìm được đến số nhà, số điện thoại, gặp được trực tiếp ông ấy. Để nói với ông ấy rằng, có người đã đi tìm ông cả cuộc đời. Ông hãy đến gặp người ấy đi, trước khi quá muộn. Còn bác ấy, dù là đi tìm người cũ trong thực tế hay trong mơ, mẹ cũng đều rất trân trọng, bởi đó là một hành trình của tình yêu sâu nặng. Đó là biểu hiện của một người quá nặng tình.

Mẹ tôi đi ra sau vườn tiếp tục công việc còn dang dở. Tôi ngồi bần thần bên bàn nước, người nhẹ bẫng như mất trọng lượng. Một người phụ nữ nhỏ bé, bình dị như thế mà mang trong mình khối tình cảm quá lớn, quá sâu nặng, bảo sao lưng không còng xuống, dáng người không liêu xiêu, nét mặt không u uẩn, xa xăm. Liệu người đàn bà ấy có thực hiện được ước nguyện của đời mình không, hay mãi mãi chỉ là một giấc mơ. Dù sao thì bức tranh quá khứ quá đẹp. Đó chính là động lực để bác vượt qua những khó khăn, bất hạnh của cuộc sống.

Tôi mong một ngày, người đàn bà đó thực hiện được giấc mơ của mình. Dù hình ảnh đó là hai người già gục đầu bên cạnh nhau hay là một đôi trai gái trẻ trung nắm tay nhau chạy trên bờ đê dài tít tắp đến tận chân trời.