Đại biểu Trần Văn Lâm cho biết: “Trong thực tiễn triển khai tôi thấy các dự án PPP hiện nay chủ yếu mới được triển khai qua hình thức BOT và BT, tập trung vào giao thông ở một số các công trình phúc lợi, còn một số lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, rác thải mặc dù đang rất nóng bỏng, rất mong muốn các dự án đầu tư vào, nhà nước đã có chủ trương, cơ chế, PPP đã mời gọi nhưng không hiệu quả.
Ở đây có một thực tiễn chính là các địa phương hiện nay lúng túng trong việc triển khai PPP theo hình thức BLT và BTL, ở chỗ quy định cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng mức giá thuê các doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải. Khung giá các tỉnh đưa ra thường không hấp dẫn, chưa ổn định lâu dài được. Bởi vì, với các dự án môi trường các địa phương đòi hỏi phải công nghệ cao. Công nghệ cao thường gắn với các doanh nghiệp độc quyền công nghệ. Việc xác định mức giá xử lý rất khó khăn, chưa có thực tế để đối chiếu, so sánh.
“Các địa phương quan ngại sợ rằng khi mình đưa ra một mức giá mà sau này với tiến bộ công nghệ hoặc với một địa phương khác người ta đàm phán lại mức giá thấp hơn thì mình lại bị đánh giá có vấn đề này nọ, nên rất quan ngại. Vì vậy, trong vấn đề này, tôi đề nghị để hỗ trợ cho việc triển khai các dự án BTL hoặc BLT thì dự thảo cũng nên quy định việc Chính phủ cần có trách nhiệm trong việc đưa ra một khung giá thống nhất trong phạm vi cả nước đối với các dịch vụ mà các doanh nghiệp P PP cung cấp để làm cơ sở cho các địa phương yên tâm thực hiện với các dự án PPP về môi trường .” – Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, về hợp đồng CB dự thảo luật cho phép các dự án PPP nâng cấp, cải tạo các tuyến cũ được thực hiện kinh doanh thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ việc sử dụng. Cách này thời gian qua đã áp dụng ở một số nơi, có chỗ làm tốt nhưng cũng có chỗ tạo ra các phản ứng, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu thêm, ghi thêm trước khi đưa ra quy định cụ thể trong luật này.
Về cơ chế quản lý sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP, tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ không hình thành quỹ riêng mà bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, như vậy các dự án BOT sẽ nằm trong tổng thể kế hoạch đầu tư của quốc gia và sẽ có điều kiện để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về vốn nhà nước sử dụng trong dự án PPP, theo đại biểu Trần Văn Lâm, “đương nhiên là phải được quản lý theo quy định của đầu tư công và phải được kiểm toán. Nhưng dự thảo luật lần này đưa ra dự kiến là hoạt động kiểm toán là chỉ áp dụng với phần tài sản công và tài chính công, còn phần tài sản và vốn doanh nghiệp sẽ không kiểm toán chỗ này. Theo tôi là chưa hợp lý, bởi vì cần phải tăng minh bạch, tăng tính minh bạch trong việc xác định giá và phí mà các nhà đầu tư PPP thu của người sử dụng.” Do vậy, cần phải được kiểm toán và khi kiểm toán các yếu tố cấu thành liên quan đến mức phí với mức giá sẽ gồm cả vốn và tài sản mà doanh nghiệp đầu tư ra. Như vậy, để đảm bảo cần có sự cho phép là kiểm toán tham gia kiểm toán với các nội dung thuộc về vốn và tài sản của các nhà đầu tư, chứ không phải chỉ có riêng đối với phần tài chính công, tài sản công.
Dự thảo cũng quy định đối với đầu tư của nhà đầu tư thì chi phí đầu tư được quyết toán là chi phí xây dựng công trình đ ã được xác định tại hợp đồng căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án mà tiết kiệm được thì không phải điều chỉnh thời hạn hoặc mức giá phí sản phẩm. Quy định như vậy sẽ khuyến khích nhà đầu tư tiết kiệm chi phí và tránh những phiền hà trong triển khai dự án.
Tuy nhiên sau khi ký hợp đồng xong nếu bị phát hiện các gian lận trong khâu trước sẽ không bị xem xét lại. Quy định này sẽ hạn chế công tác chống tiêu cực trong các dự án đầu tư PPP. Theo tôi nếu thực sự tiết kiệm được do năng lực quản trị kinh doanh của doanh nghiệp phải để lại cho doanh nghiệp, nhưng nếu mà giảm chi phí do trước đây tính chưa sát, làm đội vốn lên, nếu sau này phát hiện ra vẫn phải xem xét xử lý và điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn.
Về áp dụng hình thức BT, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết: “Trong thực tế vừa qua với cách làm chỉ có một nhà đầu tư, với cách làm hiện nay có rất nhiều ý kiến liên quan đến sự minh bạch của dự án BT. Tôi cho rằng, BT chỉ khác đầu tư công ở chỗ thời gian và phương thức thanh toán. Vậy nên giữ những dự án đất độc lập không dính dáng gì đến công trình BOT thì không nên dùng để thanh toán cho BT, mà hãy đấu giá lấy tiền để thanh toán sẽ minh bạch hơn.
Tại luật này, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị siết chặt và minh bạch hơn nữa trong quản lý, triển khai hình thức BT tránh làm tràn lan, không kiểm soát được nguồn lực công nào cũng cần phải quy thành tiền để hạch toán rõ ràng và giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đầy đủ, chỉ dùng quỹ đất hoặc tài sản công nào gắn với phương án xây dựng có liên quan trực tiếp tới dự án BT thì mới để thanh toán cho dự án BT. Ví dụ, nhà đầu tư mà đầu tư con đường mở ra một quỹ đất mà giá trị của quỹ đất được nâng lên nhiều lần so với khi chưa có con đường. Như vậy thì có thể dùng quỹ đất đó để thanh toán BT cho nhà đầu tư, còn chúng ta không dùng những dự án không liên quan gì đến công trình BT đấy để thanh toán. Ví dụ dùng đất ở Hà Nội thanh toán cho một cầu ở đồng bằng sông Cửu Long, nó không liên quan gì đến nhau thì không nên.