Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Quả đấm thép" trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng giả, nhái đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, đặc biệt hơn là các ngành thuộc sản xuất kinh doanh đang chịu nhiều tác động, khó hồi phục như kỳ vọng. Vì vậy một "quả đấm thép" là cần thiết để bảo vệ DN cũng như người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Trung Tâm tư vấn Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu (PCCP) Nguyễn Thành Đồng.
Phó Giám đốc Trung Tâm tư vấn Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu (PCCP) Nguyễn Thành Đồng.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Giám đốc Trung Tâm tư vấn Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu (PCCP) xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thực trạng hàng giả, hàng nhái vật liệu xây dựng hiện nay?

- Vật liệu xây dựng (VLXD) giả và kém chất lượng đã ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế đất nước và với khoảng 100 triệu người dân Việt Nam. Vấn đề này đã được nêu ra rất nhiều lần tại những diễn đàn ngành xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức và được nhắc đến nhiều trong các kỳ họp Quốc hội những năm vừa qua.

Đây là một chủ đề không mới với xã hội nhưng lại đang trở lại nhức nhối hơn khi ngành xây dựng đang chịu nhiều tác động bởi giá nguyên vật liệu tăng cao. Cửa cuốn, cửa bảo vệ, ống nhựa, gạch men, bồn vệ sinh cho tới những mặt hàng nhỏ nhưng quan trọng như thiết bị báo cháy, khoá an ninh... hay kể cả sắt, thép dùng trong các toà nhà cũng bị làm giả, nhái thương hiệu.

Khi giá vật liệu đầu vào tăng cao lại càng là cơ hội cho các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ "lách luật", tạo ra những sản phẩm kém chất lượng nhưng gắn mác thương hiệu để che mắt khách hàng.

Trong khi đó, tình trạng làm giả, nhái trong lĩnh vực này còn trở nên ngày một tinh vi hơn. Ngoài việc có logo, tên gọi, bao bì làm nhái thương hiệu lớn thì thậm chí các sản phẩm này vẫn có đủ cả tem bảo hành, mã QRcode để truy xuất nguồn gốc... như hàng thật.

Showroom của một nhà sản xuất thiết bị vệ sinh tại Triển lãm quốc tế VietBuild Hà Nội 2022
Showroom của một nhà sản xuất thiết bị vệ sinh
tại Triển lãm quốc tế VietBuild Hà Nội 2022

Hiện nay, các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, với nhiều thủ đoạn khó lường. Nhất là trong thời gian gần đây, các đối tượng thường sử dụng nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo…) để bán hàng phạm pháp, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý của lực lượng chức năng.

Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; giao hàng với số lượng dè dặt, nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian. Trong nhiều trường hợp, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và được thanh toán qua đơn vị trung gian, khó xác minh đối tượng bán.

Ngoài ra, các website và mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và khó kiểm soát. Chính vì thế, thương mại điện tử đang là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng làm hàng gian, hàng giả lợi dụng để hoạt động.

Nhà nước, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý chất lượng VLXD và để ngăn chặn thực trạng trên, chúng ta còn cần phải làm gì thêm?

- Chính phủ vừa ban hành Nghi định 09/2021/NĐ-CP về quản lý VLXD, trong đó quy định sử dụng và quản lý chất lượng VLXD. Cụ thể, về sử dụng VLXD và cấu kiện xây dựng trong công trình nêu rõ: Sản phẩm, hàng hoá VLXD và cấu kiện xây dựng khi sử dụng trong công trình xây dựng phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuân thủ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có).

Để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả thị trường, ngăn chặn các hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử, cơ quan quản lý Nhà nước cần đổi mới phương thức quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt giữa các bộ, ngành, lực lực lượng thực thi, kiểm soát cả thị trường tiêu thụ và “đầu vào” của hàng hóa.

Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Qua đó vừa góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, vừa thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, đồng thời tránh thất thu thuế cho Nhà nước. Cần xây dựng một Nghị định quản lý mới hoàn thiện về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử và nhất thiết phải có chế tài mạnh đủ sức răn đe để các đối tượng không dám vi phạm.

Với vai trò là đơn vị công lập tiếp nhận, quản lý cũng như hỗ trợ trong công tác phòng, chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu ở Việt Nam, Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu đã có quá trình chuẩn bị như thế nào thưa ông?

- Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu (PCCP) là tổ chức công lập được Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam thành lập theo Quyết định số 388/QĐ-LHHVN và phê duyệt Điều lệ tổ chức hoạt động số 389/LHHVN ngày 19/4/2019.

PCCP đã và đang xây dựng mạng lưới các ngân hàng dữ liệu, lưu giữ mẫu vật phẩm làm đối chứng cho các nhà sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa để phát hiện. Chống và thực hiện tư vấn các bước nhằm bảo vệ thương hiệu cho đối tác.

Xây dựng quy trình ngăn chặn phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại cho các nhà sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. Thực hiện tư vấn các bước nhằm bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu cho các đối tác. Tư vấn Luật Thương mại phát hiện việc gian lận thương mại, đại diện giải quyết tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế…

Đến nay, dưới sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, Trung tâm đã nghiên cứu ra được quy luật phòng, chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cũng như chống gian lận thương mại tối ưu được kết hợp từ Trung tâm đến nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng theo chuỗi liên kết có độ chính xác và kịp thời cao thông qua hệ thống mã QRcode (tài liệu Nhà nước) do PCCP cấp cho DN.

 

"Hệ thống mã QRcode sẽ là "quả đấm thép" trong tình hình các sản phẩm nhái, giả, kém chất lượng trên thị trường nói chung và VLXD nói riêng đang làm sụt giảm uy tín cũng như sản xuất kinh doanh của DN. Vấn nạn này nếu không triệt để đấu tranh, loại bỏ sẽ mang lại nhiều hệ luy, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ DN tới người tiêu dùng" - Phó Giám đốc Trung Tâm tư vấn Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu
Nguyễn Thành Đồng

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mã QRcode dưới tài liệu Nhà nước hoạt động thế nào khi phát hiện hàng hoá và sở hữu trí tuệ của DN bị xâm phạm thưa ông?

- Khi phát hiện hàng hoá và sở hữu trí tuệ của mình bị xâm phạm, DN thông báo với Trung tâm để kết hợp xử lý nhanh gọn và hiệu quả quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 về tội: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức Nhà nước (gọi tắt là Tội làm giả).

Căn cứ từ kết quả xử lý trên DN hoàn toàn có đủ chứng cứ kết hợp cùng Trung tâm đề nghị cơ quan chức năng xử lý các đối tượng xâm phạm hàng hoá và sở hữu trí tuệ của đơn vị mình được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự: Tội sản xuất buôn bán hàng giả. Bên cạnh đó, DN, thương hiệu, sản phẩm của đơn vị sẽ được chuyển đổi số hồ sơ pháp lý của mình qua hệ thống của PCCP.

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đưa Việt Nam ngay tầm thế giới đang từng bước thực hiện. PCCP cam kết cùng đồng hành, hỗ trợ DN thực hiện các thủ tục pháp lý nhanh gọn, đơn giản nhất để đảm bảo thương hiệu trong thời gian sớm nhất, giúp ổn định, an tâm trong quá trình phát triển kinh doanh, góp phần xây dựng vào nền kinh tế của nước nhà.

Xin cảm ơn ông!