Giữa lúc, tân Đặc phái viên quốc tế về Syria, ông Lakhdar Brahimi cam kết sẽ "phối hợp với tất cả các bên” nhằm tổ chức một cuộc đối thoại nội bộ của Syria, căng thẳng tại quốc gia Trung Đông này vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Hiện, quân đội Syria đang bị phe đối lập cáo buộc đã thủ tiêu hơn 200 người tại Daraya - thị trấn của người Sunni ở phía Tây Bắc Damascus. Trước đó, bạo lực tại Syria đã lan sang cả các nước láng giềng Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và dần dần hình thành nên một vòng cung bất ổn mới của khu vực Trung Đông. Trong một diễn biến có liên quan, 4 máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25/8 đã ném bom vào các căn cứ hậu phương của đảng Công nhân người Kurd nằm ở các ngôi làng Silliyeh và Sargal, miền Bắc Iraq, phá hủy nhiều ngôi nhà và một số nông trại. Những diễn biến trên đã tạo nên tập hợp mà các nhà quan sát gọi là "rủi ro địa chính trị", với đặc trưng là một cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông, gây ra tình trạng khan hiếm dầu mỏ, từ đó làm đổ vỡ các thành tựu kinh tế thế giới.
Cựu phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.
Tại Mỹ, làn sóng xả súng bừa bãi vẫn chưa lắng xuống khi nhà thiết kế thời trang 58 tuổi Jeffrey Johnson, ngày 24/8 đã bắn chết một đồng nghiệp ngay trên phố 33 gần tòa nhà Empire State, New York. Vụ việc tiếp tục thổi bùng cuộc tranh cãi về Luật hạn chế súng đạn tại Mỹ, là hồi chuông báo động về trình độ sử dụng vũ khí của lực lượng an ninh khi có tới 9 người đi đường bị trúng đạn lạc của cảnh sát. Trong khi đó, tại Venezuela, Tổng thống Hugo Chavez, hôm 26/8 đã tuyên bố quốc tang ba ngày để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ nổ nhà máy lọc dầu lớn nhất đất nước. Theo thống kê ban đầu, ít nhất 39 người đã thiệt mạng, hơn 80 người bị thương tại nhà máy Amuay, bang Falcon do rò rỉ khí.
Bên cạnh nguy cơ thiệt hại trên chính trường, thị trường, giới khoa học toàn cầu đã phải chứng kiến một mất mát lớn khi cựu phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng đã qua đời ở tuổi 82 hôm 26/8. Nhờ “một bước đi ngắn” của ông trên Mặt trăng năm 1969, nhân loại đã đạt được “một bước nhảy vọt” về khoa học vũ trụ. Đặc biệt, trong các cuộc tiếp xúc hiếm hoi với báo giới sau này, Neil Armstrong đã chia sẻ trải nghiệm về một Mặt trăng không cây xanh, không có nước... từ đó, giúp nhân loại nhận ra rằng phải có trách nhiệm để bảo vệ sự sống trên Trái đất. Q