KTĐT - Chuyện trò rôm rả hỏi thăm về tình hình quê hương, sức khỏe gia đình, kỷ niệm ngày xuân..., rồi các bạn trẻ chuyền tay nhau những món ăn dân dã kèm theo lời quảng bá đầy tự hào: "Đặc sản quê mình đấy, ngon lắm!".
Sáng mùng 8 Tết, cả khu trọ sinh viên tại quận 9, TP HCM, đang yên ắng bỗng rộn rã hẳn lên, mọi người hồ hởi đón chào các nữ sinh vừa từ quê miền Trung vào mang bao nhiêu là nem chua, bánh đa, bánh tét...
Thế là gần chục "dân nhập cư" sống tại xóm trọ sinh viên quyết định mở tiệc tân niên chiêu đãi nhau. Mọi người háo hức giới thiệu những món đặc sản quê hương mà trước khi lên xe, mẹ ở nhà đã cẩn thận gém cho con "lận lưng". Người Thái Bình góp bánh chưng, bánh nhãn, bánh cáy; Huế thì nem chua, tré; Tây Ninh có bánh tráng muối tôm; Bến Tre ủng hộ kẹo dừa, bánh sữa... Bữa tiệc đầu năm trở nên thịnh soạn với đủ hương vị ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Chuyện trò rôm rả hỏi thăm về tình hình quê hương, sức khỏe gia đình, kỷ niệm ngày xuân..., rồi các bạn trẻ chuyền tay nhau những món ăn dân dã kèm theo lời quảng bá đầy tự hào: "Đặc sản quê mình đấy, ngon lắm!".
Huệ, sinh viên Đại học Nông Lâm TP HCM (quê Thái Bình) đôi tay nhỏ nhắn tỉ mỉ bóc chiếc bánh chưng lá dong do chính tay mẹ gói. Cô bé 9X tinh nghịch, đôi mắt ráo hoảnh cao giọng khoe: "Đặc sản quê tớ đấy, mẹ tớ nấu bánh là ngon nhất làng, các cậu ăn thử đi...".
Chiếc bánh vuông vức đặc trưng ngày Tết của miền Bắc dần dần được cởi bỏ lớp lá ngoài, để lộ màu nếp trắng xanh thơm mùi lá dong luộc. Vì bánh rất dẻo nên người miền quê thường không dùng dao cắt mà tận dụng luôn chiếc lạt buộc để cắt chiếc bánh hình vuông làm 8 phần bằng nhau. Dây lạt vừa được kéo lên thì lớp nhân đậu xanh, thịt lợn vàng ươm thơm phức hiện ra. Cả bọn háo hức chụm đầu vào gắp mỗi đứa một nhát rồi ngồi bệt xuống sàn nhà nhâm nhi hương vị Tết vẫn còn vương đâu đó.
Nghe các bạn trầm trồ khen tay nghề gói bánh của mẹ mình, Huệ nhướng mắt đầy vẻ hãnh diện chép miệng: "Còn phải nói, mẹ tớ gói mà lại... kể cũng lạ, mấy ngày Tết ở quê ăn uống thỏa thuê thấy ngán, nhưng cứ vào đến miền Nam là thèm mấy món này ghê. Cũng may trước khi đi mẹ tớ nhét vào bao lô cho vài tấm".
Cứ thế, buổi tiệc sum họp đầu năm của các sinh viên xa nhà kéo dài trong tiếng nói cười rộn rã. Các ca sĩ "cây nhà lá vườn" của khu trọ góp vui văn nghệ bằng những tình khúc quê hương quen thuộc hòa trong tiếng đàn ghi ta du dương - "đặc sản" của giới sinh viên.
Trường, nam sinh năm 4 Đại học Luật TP HCM (quê Nghệ An) cho biết, mọi năm bạn thường nghỉ Tết lâu hơn, mãi đến ra "mùng" mới trở lại TP HCM học lại. Song vì đây là năm học cuối nên Trường phải tranh thủ vào Nam sớm để hoàn tất các thủ tục giấy tờ ở trường, đồng thời chuẩn bị tài liệu cho khóa luận tốt nghiệp. Buổi chia tay nơi quê nhà diễn ra trong quyến luyến, bịn rịn, kẻ ở người đi ai cũng ngậm ngùi không cầm được nước mắt.
"Cả nhà đưa tớ ra tận bến xe, nhìn bố mẹ và các em níu kéo dặn dò mà lòng mình nặng trĩu, lúc ấy chỉ muốn ở nhà luôn thôi. Cũng may vào đây còn có bạn bè đồng cảnh ngộ đùm bọc nhau, không thì nhớ nhà chết mất", nam sinh này bộc bạch.
Còn Hiền, công nhân tại một công ty giày da thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (Bình Dương) mới từ Thừa Thiên Huế vào hôm qua cũng góp vào bàn tiệc món đặc sản nem chua, tré và mè xửng. "Nem Huế chính gốc đó nha. Cái này tui mua ở chỗ uy tín gần nhà, ngon lắm mà đảm bảo vệ sinh, các ông bà cứ yên tâm mà ăn", Hiền hồ hởi giới thiệu.
Món nem chua của Hiền có vẻ "đắt hàng" nhất trong bàn tiệc. Cứ bỏ ra đến đâu là bà con gắp sạch đến đó. Ai cũng chép miệng khen "đúng là nem Huế chính hiệu có khác". Từng lọn nem có đủ mùi vị của thịt nạc lên men chua, da lợn, thính, muối, nước mắm, đường phèn... hòa quyện tạo nên vị chua, ngọt, cay nồng đậm đà chất Huế.
Năm nay cả khu trọ chỉ có riêng chị Lệ, quê Thanh Hóa (cũng làm ở Khu công nghiệp Sóng Thần 2) không về quê ăn Tết mà ở lại bán bong bóng cho khách du lịch để kiếm thêm thu nhập. Chị cho biết, thấy giá vé xe cuối năm đắt đỏ nên thay vì về nhà ăn Tết vừa tốn tiền vừa mất nhiều thời gian, chị cố gắng ở lại kiếm thêm để trang trải cuộc sống và gửi về cho gia đình.
"Năm đầu tiên mình không về nhà ăn Tết nên thấy nhớ nhà kinh khủng. Nhất là từ đêm giao thừa đến mùng Một, mùng Hai cứ đi làm thì không sao chứ về đến nhà, nhìn cảnh xóm trọ vắng ngắt, buồn quá lại bỏ ra khóc một mình", Hiền xúc động kể.
Chị cho biết, trong 10 ngày Tết vừa rồi (từ 26 tháng Chạp đến mồng 6 tháng Giêng), tiền bán bong bóng và vài thứ đồ chơi cho khách du lịch ở Suối Tiên cũng kiếm được gần 3 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này chị đã gói cẩn thận vào phong bì để gửi người thân mang về quê làm quà Tết cho gia đình.
"Cũng may được ăn mấy món mọi người mang từ quê vào thế này mới biết mùi vị Tết quê hương, không thì năm nay buồn lắm. Mình cám ơn mọi người nhiều nha!", nữ công nhân 27 tuổi nói với bạn bè.