Quá thời hạn nộp phạt có được nhận lại phương tiện và bằng lái hay không?

Vũ Khoa/giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bạn đọc Nguyễn Quang Hùng hỏi, "Tôi bị phạt hành chính và giữ phương tiện vì chở cồng kềnh bằng xe máy, đến nay đã quá hạn hơn 06 tháng nhưng chưa nộp phạt. Vậy giờ tôi đến nộp phạt thì có được nhận phương tiện và bằng lái không? Nếu không được thì tôi phải làm những thủ tục gì để lấy được phương tiện và bằng lái?"

Về xử phạt lỗi vi phạm giao thông:

Bạn vi phạm điểm k, khoản 3, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

"Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

  Chở hàng cồng kềnh sẽ bị xử phạt hành chính.

3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

k) Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác".

Về thời hạn giải quyết vi phạm hành chính:

Khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó”.

Khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp”.

Khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật này”.

Người vi phạm cần đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để được hướng dẫn thực hiện trong từng trường hợp cụ thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần