Quá trình Brexit sẽ tiêu tốn chi phí “khủng”

Hà Phương (Theo Independent)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình đàm phán việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit có thể tiêu tốn khoảng 65 triệu bảng Anh mỗi năm.

 Brexit có thể tiêu tốn chi phí khủng.
Bên cạnh đó, quá trình này sẽ cần đội ngũ nhân viên hơn 500 người, cũng như khoảng thời gian lãng phí cho các cuộc tranh cãi trên chính trường. Đây là những thông tin trong bản báo cáo do một nhóm chuyên gia tư vấn của Viện nghiên cứu thuộc Chính phủ Anh soạn thảo. Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ trích sự im lặng của Thủ tướng Anh Theresa May về người đảm nhiệm chính trong quá trình đàm phán này.
Quyết định phân chia trách nhiệm đàm phán cho 3 cơ quan liên quan là Bộ Ngoại giao, Bộ phụ trách Brexit và Bộ Kinh tế đối ngoại được cho là có thể tạo ra sự phân tán và rời rạc. “Điều này có thể khiến tiến trình Brexit bị trì hoãn. Thủ tướng Anh cần phải nhanh chóng chấm dứt những tranh cãi giữa 3 vị bộ trưởng và phân công cụ thể ai làm nhiệm vụ gì”, trích bản báo cáo.
Bản báo cáo cũng thúc giục nữ Thủ tướng Anh làm rõ quy trình và tiến độ thời gian nhằm xác định vị trí người đại diện nước Anh tham gia đàm phán. Tiến sĩ Hannah White, đồng tác giả của bản báo cáo cho biết, im lặng không phải là một chiến lược phù hợp. Hiện, chúng ta đang phải nghe những ý kiến cá nhân đối lập từ 3 vị bộ trưởng. Điều này sẽ khiến những người đang muốn hoàn thành quá trình Brexit không hài lòng, đồng thời gây khó khăn cho các đối tác đang chờ đợi để thiết lập mối quan hệ mới với Anh sau Brexit.
Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn giới truyền thông tại Rome, Thủ tướng Italia Matteo Renzi đưa ra cảnh báo, quá trình Brexit trong 2 hoặc nhiều năm tới cho thấy “sự khó khăn” của nước Anh. Bởi, sau khi hoàn tất quá trình trên, Anh khó nhận được sự ưu đãi đặc biệt trong việc thương lượng các điều khoản có lợi từ EU. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, sự ra đi của Anh cũng tạo ra những động lực mới cho các nước thành viên còn lại trong khối. Theo đó, các nước thành viên còn lại đã có một “cuộc tranh luận” thú vị về vấn đề liệu EU có cho phép sự “linh hoạt” trong việc tự do thâm nhập vào những thị trường đơn lẻ.