Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy và đại diện các sở, ngành TP với Quận ủy Cầu Giấy sáng nay (13/4), lãnh đạo Quận ủy Cầu Giấy đã đề xuất 4 nhóm kiến nghị với lãnh đạo TP, gồm: Công tác Đảng và tổ chức chính trị-xã hội; về sắp xếp, tái cơ cấu và chuyển giao quản lý; về đầu tư và phát triển đô thị; về quản lý đô thị.
Trong đó, đáng chú ý trong công tác đầu tư phát triển đô thị, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Lê Văn Luân đề nghị UBND TP cấp kinh phí và giao UBND quận làm chủ đầu tư một số dự án để triển khai ngay trong giai đoạn 2017 - 2020. Thứ nhất về hoàn thiện phần còn lại đường 2,5 trên địa bàn quận, gồm: GPMB nút giao thông giữa đường Hoàng Quốc Việt với đường Nguyễn Văn Huyên (tuyến số 6), xây tuyến đường nối từ khu đô thị mới Dịch Vọng đến đường Dương Đình Nghệ (tuyến số 32), xây tuyến đường Trung Kính ra đường Trần Duy Hưng (tuyến số 58). Thứ hai, về thực hiện các tuyến đường chính thuộc quận để giảm ùn tắc giao thông, gồm: GPMB đoạn từ Cống Ma Khay đến đường Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu (gồm 2 đoạn, tuyến số 13); GPMB và xây dựng mở rộng phố Dương Quảng Hàm (tuyến đường số 51); GPMB và xây dựng mở rộng phố Dịch Vọng (tuyến đường số 64); mở rộng phố Nguyễn Phong Sắc (đoạn Nghĩa Tân - Hoàng Quốc Việt) (tuyến đường số 65, là dự án của Sở GTVT đang tạm dừng). Thứ ba, về các dự án văn hóa - xã hội, gồm: Xây trường mầm non tại ô đất D25* Khu đô thị mới Cầu Giấy, xây trường mầm non thuộc ô đất NT Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, xây trường THCS tại ô đất TH1 thuộc Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng.
Bên cạnh đó, quận mong được TP đầu tư xây dựng 4 dự án trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 để giảm ùn tắc giao thông, gồm: GPMB và xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài; xây cầu 381 qua sông Tô Lịch trong năm 2018 (đảm bảo kết nối đường Thành Thái kéo dài tới đường Láng); xây cầu vượt cho người đi bộ từ Trường THCS Dịch Vọng qua Nguyễn Khánh Toàn; xây cầu vượt cho người đi bộ.
Tại buổi làm việc, trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ cho rằng: Với khoảng 18 dự án đầu tư xây dựng cơ bản mà quận Cầu Giấy đề xuất trên, tổng kinh phí đầu tư lên tới 5.500 tỷ đồng, là con số không nhỏ. Vì vậy, với những dự án là của TP nhưng quận nhận thấy rất cấp thiết với địa phương thì chủ động tìm nguồn lực nào đó, có thể từ đấu giá, hoặc quận tự khai thác được, để đầu tư. Về phía TP sẽ tính toán, cân đối ngân sách.
"Chẳng hạn, tất cả những đoạn đường liên quan đến Vành đai 2,5 TP sẽ “gánh vác”, còn với những đoạn đường khác, dù phân cấp của TP, nhưng chắc chắn TP không thể “tải” hết được, nên rất mong quận chia sẻ. Có những dự án có thể vừa dùng ngân sách quận, vừa dùng ngân sách TP; có những dự án thì quận cần tìm nguồn đấu giá, xin cơ chế rồi dùng nguồn đó để đầu tư hoàn toàn; có những dự án TP có thể kêu gọi vốn theo hình thức TPP…”, ông Tứ nói.
Bên cạnh đó, đối với một số dự án, ông Tứ nhấn mạnh: Mặc dù phân cấp là của TP nhưng tổng mức đầu tư nhỏ, quận đề nghị dùng vốn của quận để đầu tư và chỉ thực hiện thủ tục ủy quyền đầu tư, Sở hoàn toàn đồng tình, vì đúng theo chính sách khuyến khích của TP. Ngoài ra, với một số dự án thuộc lĩnh vực văn hóa giáo dục, dù theo phân cấp thuộc nhiệm vụ của TP, ông Tứ đề nghị quận xem chỗ nào cần thiết thì đầu tư bằng ngân sách công, nếu không cần thiết, có thể kêu gọi xã hội hóa.
Hoàn toàn đồng ý với những đề xuất về đầu tư của quận Cầu Giấy, đặc biệt về những đầu tư liên quan đến hạ tầng khu đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cũng khẳng định: Mặc dù nhiều dự án thuộc nhiệm vụ đầu tư của TP, nhưng TP cũng luôn khuyến khích các quận có khả năng thì chủ động tham gia vào chương trình đầu tư của TP, bằng nguồn vốn quận bố trí được. Phó Chủ tịch đề nghị quận lên danh mục cụ thể, từ đó TP sẽ bố trí, kết hợp với quận, trong đó có những dự án có thể vừa dùng ngân sách TP vừa dùng ngân sách quận.