Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản chặt chất lượng thịt trâu nhập khẩu

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra chuyên đề an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể và bếp ăn công nghiệp. Kết quả giám sát cho thấy, có dấu hiệu DN nhập khẩu thịt trâu để làm giả thịt bò.

Theo Ban Chỉ đạo 389 TP, các cơ sở kinh doanh thịt trâu trên địa bàn Hà Nội đều có hóa đơn, tờ khai hải quan nhập khẩu chứng minh đầu vào của DN có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài (chủ yếu từ Ấn Độ). Sau đó, các đơn vị cung cấp cho nhiều cơ sở chế biến thực phẩm và bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp. Dù vậy, vẫn còn tình trạng thịt trâu được làm giả thịt bò.
Để tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo 389 TP đã có công văn đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tăng cường kiểm tra thịt trâu nhập khẩu tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Đồng thời, tiến hành lấy mẫu kiểm định chất lượng thịt trâu nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thực hiện ý kiến của Ban Chỉ đạo 389 TP, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra mặt hàng thịt trâu nhập khẩu tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Qua thanh tra, giám sát, ghi nhận một số DN có nhập khẩu mặt hàng thịt trâu Ấn Độ.
Thịt trâu nhập khẩu được ký gửi tại Khu Công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), các kho Quang Minh, Đức Dương, Tràng Tiền (huyện Thường Tín) và một số kho trung chuyển nhỏ tại khu vực nội thành. Dù vậy, các DN nhập khẩu thịt trâu Ấn Độ đã xuất trình đầy đủ hồ sơ nguồn gốc (hợp đồng, hóa đơn, hải quan, kiểm dịch...) theo đúng quy định. Thịt trâu Ấn Độ khi lưu thông trên thị trường có tem nhãn đầy đủ.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cũng đã kiểm tra các đơn vị có hoạt động chế biến sản phẩm từ thịt gia súc. Theo đó, ghi nhận 1 cơ sở kinh doanh thịt trâu gác bếp có sử dụng nguyên liệu thịt trâu Ấn Độ để chế biến (cơ sở sản xuất tại tỉnh Sơn La); 1 cơ sở xuất trình hợp đồng, hóa đơn mua thịt bò đông lạnh để sản xuất, tuy nhiên, kiểm tra phát hiện đơn vị cung cấp đã giao nhầm thịt trâu Ấn Độ (sản phẩm có tem nhãn phụ đầy đủ ghi thịt trâu Ấn Độ). Đoàn kiểm tra xác minh nguyên nhân do nhầm lẫn của người giao hàng và sơ suất của nhân viên khi giao nhận hàng đã không kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm, kết quả kiểm tra đối với các đơn vị có hoạt động cung cấp thực phẩm cho bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, không phát hiện cơ sở nào kinh doanh sản phẩm thịt trâu Ấn Độ. Tuy nhiên, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát chất lượng thịt trâu nhập khẩu. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đến các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng về tác hại của hành vi gian lận thương mại đối với sản phẩm này.