Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hoa quả Việt Nam liên tiếp nhận tin vui khi thâm nhập vào những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản... sau hàng chục năm đeo đuổi. Ngoài công sức của nông dân, doanh nghiệp, sự năng nổ của các Bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, đại sứ quán Việt Nam đã đóng góp không nhỏ cho thành công của những chuyến hàng Việt ra thế giới.
Xuất hiện trong lễ ra mắt xoài Cát Chu tại hệ thống siêu thị lớn của Nhật Bản cuối tuần qua, hình ảnh Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cầm trên tay quả xoài, đứng tại quầy hàng đã trở thành điểm nhấn, chia sẻ với niềm vui của người nông dân Đồng Nai.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (hàng thứ nhất, thứ ba từ trái qua). Ảnh: Trang cá nhân của đại sứ Nguyễn Quốc Cường
|
Trong cuộc gặp gỡ Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản, đồng thời là Chánh văn phòng liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Motoo Hayashi, đại sứ Việt Nam cũng chọn trái xoài Cát Chu làm quà tặng - một cách để hoa quả Việt trở nên thân quen và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài. Trên trang cá nhân, hình ảnh ông chụp với quả xoài, thanh long Việt Nam trong bất cứ dịp tiếp xúc ngoại giao nào đã khiến đại sứ được bạn bè gọi thân mật là "thương lái chính hiệu".
Nhằm giúp nông dân trồng vải thoát cảnh bị thương lái Trung Quốc ép giá và tăng cường kim ngạch xuất khẩu, đại sứ quán tại Mỹ, Australia cũng góp công không nhỏ. Sau hơn chục năm đàm phán, giữa năm nay, những tấn vải thiều đầu tiên của Việt Nam chính thức có mặt trên đất Australia. Thậm chí, đại sứ Lương Thanh Nghị còn được ví von là "Đại sứ vải thiều" khi hỗ trợ nhiệt tình để loại quả này vào xứ sở "chuột túi", tổ chức "Ngày hội vải thiều" để nâng cao hình ảnh, khả năng cạnh tranh cho quả vải.
Trước đó, nhiệm vụ ngoại giao kinh tế đã được Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đặt lên vai các đại sứ trong giai đoạn mới. Các cán bộ ngoại giao phải nâng cao năng lực, kỹ năng quảng bá hình ảnh đất nước, hỗ trợ xúc tiến kinh tế đối ngoại, phối hợp chặt chẽ với ngành Công Thương để mở ra nhiều thị trường xuất khẩu cho đất nước.
"Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Do đó, các cơ quan đại diện Việt Nam luôn coi trọng quảng bá các sản phẩm của Việt Nam, nhất là mặt hàng nông, thủy sản", đại sứ Lương Thanh Nghị trao đổi với báo giới.
Ở trong nước, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đang ngày càng coi trọng công tác kết nối, quảng bá. Những chiến dịch giải nông sản mang đậm hình ảnh của quan chức Bộ Công Thương, tỉnh Hải Dương, Bắc Giang khi liên tiếp thực hiện các chuyến công tác trong và ngoài nước để mang về những hợp đồng, những đầu mối tiêu thụ ở các tỉnh thành.
Trong vụ vải thiều vừa qua, ông Nguyễn Anh Cương - Phó chủ tịch tỉnh Hải Dương liên tục vào Nam, ra Bắc để tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, các đầu mối tiêu thụ trái cây để tìm đầu ra ổn định cho đặc sản quê nhà. Không chỉ nhiệt tình kêu gọi, vị Phó chủ tịch tỉnh còn lên tiếng mời các đại biểu về tham quan, tìm hiểu những vùng trồng cây chuyên canh của tỉnh để thấy được tiềm năng cung ứng trái cây và nông sản của Hải Dương đối với thị trường trong nước.
Hay những ngày miền Trung khóc ròng vì hàng tấn dưa hấu bị ùn tắc, đổ bỏ ở cửa khẩu, một lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đã đứng lên kêu gọi người dân thủ đô xây dựng phong trào mua dưa ủng hộ nông dân, gây chú ý trên mạng xã hội. Qua đầu mối của Sở Công Thương Lạng Sơn, ông cho biết có thể đưa hàng chục tấn dưa về Hà Nội và cần những cá nhân, đơn vị mua dưa ủng ủng hộ.”Mỗi trái dưa là một tấm lòng, cùng chung tay vì một cuộc sống giàu ý nghĩa”, vị này bộc bạch.
Ông chia sẻ việc làm này không thay thế hoạt động chính sách vĩ mô, mà chỉ là nhằm hỗ trợ, bồi đắp thêm cho cuộc sống nông dân khá hơn. "Sự kiện đó chỉ như một que diêm, góp phần thổi lên ngọn lửa quan tâm của mọi người đối với một trong muôn vàn vấn đề của cuộc sống. Người xưa có câu: "Chớ thấy việc có lợi nhỏ mà chê không làm". Một que diêm, dẫu không cháy thành đám lửa, vẫn có niềm vui trong hạnh phúc nhỏ nhoi của mình", ông viết trên trang cá nhân.
Thực tế, câu chuyện nhà quan chức đứng ra quảng bá cho sản phẩm nước mình cũng không còn mới lạ. Khi một nhãn hàng nội thất của Đan Mạch lần đầu tiên thâm nhập vào thị trường Việt Nam, đại sứ quán nước này đã mời một số khách đến tư gia để được nghe chia sẻ và trải nghiệm sản phẩm. Sự thân mật, lịch thiệp này đã gây ấn tượng không nhỏ với những người tham gia và phần nào cảm thấy tin tưởng về mặt hàng sắp ra mắt.
“So với những ngôi sao nổi tiếng làm đại sứ cho một thương hiệu, hình ảnh quan chức mang tính biểu trưng cho một chính khách, có độ uy tín cao và có thể xúc tiến công việc diễn ra nhanh chóng, thuận tiện. Nhiều quan chức của Việt Nam cũng đang tận tụy làm công việc này vì tình yêu và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng doanh nghiệp”, chuyên gia marketing Nguyễn Phan Anh đánh giá.
Trong bối cảnh ngân sách bội chi, nguồn tiền dành cho xúc tiến thương mại quốc gia cũng hạn chế. Năm 2015, các chương trình này chỉ được duyệt 100 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD), quá nhỏ bé so với tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 150 tỷ USD. Ở hoàn cảnh khó khăn đó mà Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, hơn lức nào hết, các quan chức, bộ máy Nhà nước cần thay đổi, vào cuộc quyết liệt để biến những cơ hội thành lợi ích, theo lời cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Ngoài những cơ chế chính sách hỗ trợ, việc tranh thủ mọi nơi, mọi lúc để quảng bá, tiếp thị, chào bán sản phẩm sẽ tạo được ấn tượng tốt với người tiêu dùng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Đạt, thành viên Hiệp hội Rau Quả cho hay các đại sứ quán, đứng đầu là các đại sứ có vai trò rất quan trọng khi đưa sản phẩm sang các thị trường khó tính. Ngoài hỗ trợ quảng bá, cơ quan này có thể đứng ra giải quyết các trục trặc phát sinh khi hàng hóa cập cảng.
“Nhiều doanh nghiệp từng phàn nàn rằng khi xuất hàng sang thì thường bị phía người mua trừ tỷ lệ hư hỏng rất nhiều, nhưng khi họ có điều kiện cử thân nhân sang giám sát thì không thấy hư hỏng gì cả. Song, mỗi khi trở về nước đưa hàng sang thì lại thấy bị trừ. Bởi vậy, doanh nghiệp rất cần có người ở nước sở tại giám sát cho lô hàng đó, nhưng nếu thuê công ty giám định thì tốn kém, không còn lời bao nhiêu, do đó nếu nhờ được đại sứ quán hỗ trợ sẽ rất đỡ”, ông nói.
Vị này cũng mong mỏi các lãnh đạo địa phương, đại sứ quan có thể tổ chức những buổi tiếp xúc với doanh nghiệp để biết họ khó khăn ở đâu và cần hỗ trợ gì, hoặc nếu xảy ra trục trặc có thể thay mặt công ty liên hệ với đối tác, hỏi han về thủ tục.
Trong bức tranh ảm đạm của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau, quả lại vươn lên thành điểm sáng khi kim ngạch tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 1,5 tỷ USD và dự báo có thể lên tới 2 tỷ USD. Những câu chuyện thanh long, vải, xoài Việt Nam xuất đi các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Australia... được háo hức đón nhận, bởi đây đều là những thị trường khó tính nhưng nhiều tiềm năng, một khi thâm nhập sẽ giúp hoa quả Việt Nam giải quyết đầu ra, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và giảm nỗi lo "được mùa mất giá".