Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan chức EU “dội gáo nước lạnh” vào kỳ vọng gia nhập NATO của Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một quan chức cấp cao của EU cho rằng Ukraine sẽ không có cơ hội trở thành thành viên của NATO khi cuộc xung đột hiện tại với Nga chưa chấm dứt.

Ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU. Ảnh: Getty
Ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU. Ảnh: Getty

RT đưa tin, ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của Liên minh châu Âu (EU) hôm 28/8 cho biết, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu sẽ không bao giờ kết nạp Ukraine trong bối cảnh chiến sự tại nước này vẫn còn tiếp diễn, vì điều này sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.

Trong bài trả lời phỏng vấn đài truyền hình LCI của Pháp hôm 28/8, ông Breton giải thích rằng nếu Kiev được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì ngay lập tức tất cả các thành viên của liên minh quân sự này sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột với Nga.

“Khi nào cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa chấm dứt, Kiev sẽ không thể trở thành thành viên NATO. Vì theo Điều 5 của NATO, việc kết nạp Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc tất cả các quốc gia thành viên sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột với Nga,” ông Breton nhấn mạnh.

Theo Điều 5, mỗi thành viên của NATO phải thực hiện “các hành động cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương”. Điều khoản phòng thủ tập thể này chỉ được viện dẫn một lần, sau các cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001. Các lực lượng NATO sau đó đã được triển khai tới Afghanistan.

Ông Breton nói thêm rằng Ukraine “hiểu” rõ rủi ro này, dù gần đây vẫn chỉ trích NATO thiếu quyết đoán. Đồng thời, vị quan chức này cũng hoan nghênh việc Brussels cam kết cung cấp cho Kiev 1 triệu quả đạn pháo trong 1 năm tới.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 12/7, các lãnh đạo NATO nhất trí đưa ra tuyên bố rằng, tương lai của Ukraine là ở NATO, nhưng chỉ khi các nước thành viên đều chấp nhận và các điều kiện cho phép.

Liên minh quân sự gồm 31 thành viên do Mỹ dẫn dắt đã bỏ yêu cầu Ukraine phải hoàn thành Kế hoạch hành động trở thành thành viên (MAP), giúp loại bỏ rào cản đối với Kiev trên con đường gia nhập liên minh.

Bình luận về triển vọng Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng 7 tuyên bố, hiện còn "quá sớm" để nói về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO. Người đứng đầu Nhà Trắng lưu ý thêm rằng Kiev cần tiến hành nhiều cải cách hơn và đạt được "dân chủ hóa" trước khi có thể trở thành một phần của khối.

Đồng thời, Tổng thống cảnh báo việc Ukraine gia nhập NATO khi cuộc xung đột hiện tại với Nga vẫn chưa chấm dứt sẽ châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ ba.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, việc cho phép Ukraine gia nhập NATO ở thời điểm hiện tại sẽ đẩy khối quân sự do Mỹ đứng đầu "vào một cuộc chiến với Nga".

Ông Sullivan nói rằng "con đường cải cách cho Ukraine" để trở thành thành viên NATO sẽ được vạch ra, nhưng ông "không thể đặt thời gian biểu cho việc đó".

EU sắp thảo luận về việc kết nạp Ukraine?

Cũng trong ngày 28/8, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo, EU dự định bắt đầu thảo luận kết nạp Ukraine và một số quốc gia khác, sớm nhất vào tháng 10 tới.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel phát biểu trong Diễn đàn Chiến lược Bled 2023 ở Bled, Slovenia, ngày 28/8, Ảnh: AP
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel phát biểu trong Diễn đàn Chiến lược Bled 2023 ở Bled, Slovenia, ngày 28/8, Ảnh: AP

Ông Michel cho rằng việc mở rộng EU hiện “không còn là giấc mơ”. “Khi chuẩn bị chương trình nghị sự chiến lược tiếp theo của EU, chúng tôi cần phải đặt ra mục tiêu rõ ràng. Chúng tôi phải sẵn sàng cho việc mở rộng liên minh vào năm 2030. Điều này khá là tham vọng nhưng cần thiết" – RT dẫn tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Theo ông Michel, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về việc mở rộng liên minh tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng châu Âu, và “sẽ đưa ra quan điểm về việc bắt đầu đàm phán với Ukraine và Moldova”. Cuộc họp trên dự kiến diễn ra vào tháng 10 tại Tây Ban Nha.

Một hội nghị thượng đỉnh EU - Tây Balkan khác, tiếp nối sự kiện tuần trước ở Athens (Hy Lạp), sẽ được triệu tập vào tháng 12. Ông Michel mong đợi Bosnia-Herzegovina và Gruzia “sẽ trở lại bàn đàm phán”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel lưu ý, “giải quyết các xung đột song phương trong quá khứ” là một yêu cầu cần thiết để gia nhập EU.

Ukraine hiện đang xung đột, Moldova chưa giải quyết được các vấn đề nội tại, trong khi khối này đang gây áp lực buộc Serbia phải công nhận tỉnh ly khai Kosovo là một quốc gia độc lập, dù 5 thành viên của khối này vẫn chưa làm như vậy.

Kể từ khi nhận được tư cách ứng cử viên vào tháng 6 năm ngoái, sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự, Ukraine đã thúc đẩy khối tiến hành các cuộc đàm phán gia nhập “càng sớm càng tốt”.

Tuy nhiên, trong khi một số thành viên EU cho biết sẵn sàng hỗ trợ Ukraine gia nhập EU, thì một số nước nói rằng quá trình này có thể mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ, vì Kiev vẫn chưa đáp ứng được một số mục tiêu cần thiết như cải cách chống tham nhũng.