Muôn kiểu lý do
Văn bản Bộ Xây dựng phát đi lần này đã nêu đích danh 12 cán bộ nguyên lãnh đạo các cơ quan T.Ư, đảm nhiệm chức danh Thứ trưởng hoặc tương đương Thứ trưởng có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị. Đáng chú ý, trong đó có nhiều người đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện bàn giao lại nhà cho Nhà nước. Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Xây dựng có công văn gửi đích danh những cán bộ này về việc bàn giao lại nhà công vụ.
Về vấn đề này, bà B.T.Th - nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, nằm trong danh sách 12 cán bộ được yêu cầu trả lại nhà công vụ lần nay cho biết, trước khi nghỉ hưu đã mua một căn hộ tại dự án khu vực Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội) nhưng đến thời điểm hiện tại dự án này chưa hoàn thành vì phải tạm dừng thi công khi có lệnh cách ly xã hội. “Hiện tôi đang gặp vướng mắc về chỗ ở nên chưa trả lại được căn nhà công vụ, chứ không phải là không làm thủ tục trả lại nhà” – vị cán bộ này cho hay.
Cũng nằm trong danh sách được yêu cầu trả nhà, bà N.H.L - nguyên Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khẳng định không vướng bận gì chuyện trả lại căn nhà công vụ, tại tòa CT1-CT2 Yên Hòa. Vì sau nghỉ hưu đã chuyển vào phía Nam sinh sống, để lại căn nhà công vụ cho họ hàng ở.
Lý giải về lý do chưa trả lại nhà, vị cán bộ này cho hay, khi Bộ Xây dựng phát đi văn bản “đòi” nhà lần một thì không nhận được thông báo, đến lần này thì mới nhận được. Hơn nữa, việc chậm bàn giao lại nhà là do có thông tin Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ về việc hóa giá nhà công vụ cho cán bộ nghỉ hưu, nên đang chờ nếu có hóa giá thì sẽ đăng ký mua.
"Hiện tôi đang có việc gia đình, không có mặt tại Hà Nội, cuối tháng 4 tới tôi sẽ ra Hà Nội để bàn giao lại nhà công vụ cho Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản quản lý" – bà N.H.L khẳng định.
Cần có chế tài mạnh
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam, sử dụng nhà công vụ là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian qua, một số cá nhân sử dụng sai mục đích, một số cá nhân có tư tưởng tư hữu. Song, dù với bất kỳ động cơ nào thì khi đã thôi làm việc phải có trách nhiệm tự nguyện trả lại cho Nhà nước, vì nhà ở công vụ được cấp cho cán bộ trong thời gian còn công tác. Trong trường hợp những cá nhân cố tình không bàn giao lại thì phải tiến hành cưỡng chế, thu hồi.
“Điều 84 Luật Nhà ở 2014 cũng đã nêu rõ, trường hợp không bàn giao lại nhà ở, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở quyết định cưỡng chế thu hồi; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi” – ông Thơm nói.
Đồng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội cho biết, trên nguyên tắc là nhà công vụ cấp cho những người đang công tác. Nhưng thực tế, hiện nay có rất nhiều trường hợp sử dụng nhà công vụ sai mục đích, họ không ở mà cho thuê lại hoặc cho người thân mượn để ở...
“Những quy định về thuê nhà ở công vụ đã rất rõ ràng, trong trường hợp đã hết thời gian công tác về nghỉ hưu, người được cấp nhà ở công vụ phải bàn giao lại nguyên vẹn tài sản cho Nhà nước, vấn đề này thuộc ý thức, trách nhiệm của người được giao nhà công vụ. Nếu trong trường hợp cố tình chây ì, lại sử dụng sai mục đích thì cần phải cưỡng chế thu hồi và có chế tài xử phạt, không thể để tình trạng những cán bộ dựa vào quan hệ và chức vụ của mình trước đây làm trái pháp luật, gây ra tiền lệ xấu” – ông Ánh nhìn nhận.
"Nhiều cán bộ cố tình chây ì trả nhà công vụ thể hiện sự không nghiêm túc trong thực hiện pháp luật. Nhà công vụ là nhà để cho mình ở trong thời gian làm công vụ, khi mình đã thôi công việc rồi thì phải trả lại cho Nhà nước." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến |