Phải trả phí cho giáo viên dạy thêm trong trường
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội vì ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, phụ huynh, các thầy cô giáo và nhà trường.
![Nhiều trường học thông báo dừng học bổ trợ, tăng cường trong trường từ 14/2.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/11/da-phuc.jpg)
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều trường học gửi thông báo đến phụ huynh học sinh về việc từ 14/2, nhà trường dừng dạy bổ trợ, tăng cường, bồi dưỡng kiến thức; đồng thời có thể dừng bán trú với cấp THCS, học sinh ra về sau giờ học buổi sáng; với cấp tiểu học, một tuần có hai buổi phụ huynh phải đón con lúc 15 giờ.
Với sự thay đổi này, không ít trường học dự kiến tổ chức cuộc họp phụ huynh đột xuất để thông báo chi tiết cho phụ huynh về kế hoạch giáo dục của nhà trường cũng như những nội dung cơ bản của Thông tư 29; đồng thời khẳng định: việc dừng tổ chức học thêm các buổi chiều nhằm chấp hành quy định của Bộ GD&ĐT; đây là tình huống bất khả kháng và là điều nhà trường không mong muốn.
Thầy Đ.T.B. (xin được giấu tên), hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội cho biết: có 2 nội dung tại Thông tư 29 chưa phù hợp thực tế. Thứ nhất, nhà trường dạy thêm 3 đối tượng (học sinh giỏi, học sinh yếu, học sinh thi cuối cấp) nhưng không được thu phí. Như vậy, ai sẽ là người trả phí cho giáo viên? Nếu nhà trường chi trả thì lấy ở nguồn nào? Thứ hai là, giáo viên đang dạy học tại trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp. Nếu học sinh có nhu cầu học thầy cô của mình, có gì sai? Thầy cô thực sự muốn bồi dưỡng để nâng cao kiến thức cho học sinh của mình, sao bị cấm?
“Những quy định này làm khó những học sinh có học lực từ trung bình trở xuống. Với thời lượng 45 phút/tiết cùng nhiều nội dung, rất khó để các em diện này hiểu hết được bài và vận dụng làm bài tập. Nếu không có các tiết bồi dưỡng, tăng cường do chính giáo viên trên lớp dạy, các em khó có đủ lượng kiến thức để đi thi và đạt thành tích tốt, nhất là với học sinh lớp 12, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặt khác, khi dạy tăng cường cho nhóm đối tượng này, thầy cô phải mất rất nhiều công sức, tâm huyết, thời gian nên không thể dạy không công”, thầy Đ.T.B. nói.
“Các thầy cô đi dạy bằng mồ hôi, chất xám, mức lương được trả cố gắng lắm mới trang trải được nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn thì lí do gì dạy thêm không công, nhất là khi việc dạy thêm các tiết không thu phí có thể kéo dài cả năm học và từ năm nọ sang năm kia. Nếu là tiết học tăng thêm, nghĩa là làm thêm thì các thầy cô phải được trả chế độ xứng đáng”, cô Nguyễn Thị H., giáo viên cấp THCS tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết.
Cô N.T.L. - Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Nam Từ Liêm cho rằng, ngoại trừ rất ít thầy cô như “con sâu bỏ rầu nồi canh” khi có biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm; còn lại hầu hết giáo viên dạy thêm học sinh đều vì trách nhiệm, vì sự tiến bộ của học trò và phải bỏ mồ hôi công sức, chứ không phải “ngồi mát bát vàng”. Nếu trong phạm vi một trường học, học sinh nào cũng muốn được học thêm thầy cô của mình vì quen nếp học, trò hiểu thầy, thầy hiểu trò. Nay việc đó không được phép thực hiện. Như vậy là làm khó cho cả thầy, cả trò, cả phụ huynh.
Cũng theo vị hiệu trưởng này thì lương nhà nước trả giáo viên, giáo viên đã dạy đủ giờ trong chương trình chính khóa; còn nếu dạy tăng cường, dạy thêm thì phải được trả công. Thầy cô có trách nhiệm dạy để học sinh tiến bộ nhưng khi đã làm hết trách nhiệm qua việc dạy thêm thì công được trả thế nào cho xứng đáng.
Cần lộ trình thực hiện
Nhìn toàn diện tinh thần của Thông tư số 29, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam cho rằng, có hai việc khác nhau về Thông tư 29 cần được hiểu thấu suốt. Đầu tiên, Thông tư 29 mong muốn không còn tình trạng dạy thêm, học thêm trong trường học. Mục tiêu này là rất nhân văn, để giáo dục Việt Nam theo kịp các nước có nền giáo dục hiện đại trên thế giới.
![TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam: Mục tiêu của Thông tư 29 rất nhân văn, nhưng vẫn cần lộ trình để thực hiện.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/11/thay-lam.jpg)
“Ở nước ta, nhiều thế hệ chìm đắm trong dạy thêm học thêm. Điều đó là không đúng quy luật phát triển của con người. Lý do bởi mỗi học sinh đều tập trung học để phục vụ các kỳ thi chuyển cấp, chọn trường, chọn lớp kèm bằng cấp đi theo. Chúng ta mới chỉ quan tâm đến kiến thức, bằng cấp mà chưa quan tâm hết đến phát triển bản thân để phù hợp với từng cá nhân. Do vậy, có thể nói mục tiêu của Thông tư 29 là rất tốt, rất nhân văn khi muốn thay đổi thói quen cũ, tư duy cũ đã trở thành nếp đối với người dân”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Tuy vậy, Thông tư 29 cũng chỉ là giải pháp tình thế; khó giải quyết tận gốc vấn đề dạy thêm học thêm. Thay đổi một thói quen, hình thành một nếp nghĩ, nếp làm cần phải có quá trình để mỗi người có thời gian tiếp thu và thực hiện chứ không thể thay đổi ngay, nói cái là yêu cầu phải làm luôn.
Để không còn tình trạng dạy thêm, học thêm, theo TS Nguyễn Tùng Lâm thì cần có 3 điều kiện, 3 yếu tố. Thứ nhất, phải có đủ trường và các trường có chất lượng tương đối đồng đều với nhau. Có như vậy mới không còn cảnh học sinh phải nai lưng đi học thêm nhằm mục đích thi đỗ vào các trường điểm. Thứ hai, các thầy cô phải có cách thức rèn cho học sinh có năng lực tự học; từ đó, học sinh có thể tự học ở nhà chứ không cần thiết đi học thêm. Thứ ba, nhà nước phải bảo đảm quyền lợi của giáo viên. Giáo viên giúp học sinh thì giáo viên phải được hưởng quyền lợi, phải được trả công.
“Thông tư 29 quy định có 3 đối tượng dạy thêm trong nhà trường nhưng không thu phí là học sinh yếu, học sinh giỏi, học sinh cuối cấp. Nếu nhà trường không thu phí thì địa phương phải có ngân sách để bù chi phí cho nhà trường thì mới bảo đảm quyền lợi cho giáo viên. Hiện thông tư mới chỉ đề cập đến việc không được dạy thêm, dạy thêm trong nhà trường không thu phí mà chưa quan tâm thỏa đáng quyền lợi của thầy cô giáo”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói và khẳng định, chỉ khi 3 vấn đề trên được giải quyết thỏa đáng mới quản lý triệt để được dạy thêm học thêm.
“Thông tư dù hay, dù đúng đến đâu cũng phải có lộ trình để thực hiện. Bộ GD&ĐT và chính quyền các tỉnh thành cần kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội có chính sách bảo đảm xây đủ trường cho dân và kinh phí chi trả tiền dạy thêm (trong nhà trường) cho giáo viên để họ làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm với học sinh”, TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.
“Những gì Thông tư quy định dạy thêm, học thêm đang hướng tới một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp. Đối với lĩnh vực giáo dục nói chung và dạy thêm, học thêm nói riêng, chỉ nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ mà còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội. Khi nào phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó, dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực. Sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện Thông tư quy định dạy thêm, học thêm cũng rất quan trọng để quy định được thực hiện hiệu quả”- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.