70 năm giải phóng Thủ đô

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế tư nhân

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Ba Đình, Hà Nội, khai sinh Nhà nước cách mạng Việt Nam.

Trong Tuyên ngôn, Người đã lên án chính sách tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với dân tộc Việt Nam về chính trị, kinh tế, văn hóa. Trong chính sách kinh tế, chúng thi hành sự bóc lột khiến dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều... “Chúng không cho các nhà tư sản ta được giàu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Tận tâm giúp giới Công - Thương

Sau ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng T.Ư Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn dân tộc kháng chiến và kiến quốc. Kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, kiến quốc nhằm xây dựng và phát triển đất nước theo chế độ dân chủ Nhân dân, mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh động viên toàn dân, các lực lượng, mọi thành phần tham gia xây dựng, phát triển kinh tế. Trong thư gửi các giới công thương gia Việt Nam ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”. Người nhấn mạnh, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng và mong muốn mọi người cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích nước lợi dân.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ, ngày 18/9/1945. (Ảnh tư liệu)
Trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ sự nghiệp vẻ vang kiến thiết nước nhà và kêu gọi: “Đồng bào điền chủ nông gia hãy hăng hái cùng nhau làm việc kiến thiết đó”.

Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, nền kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển có ý nghĩa quyết định đến thực lực và sức mạnh mọi mặt của cuộc kháng chiến. Kinh tế kháng chiến chủ yếu dựa vào đóng góp của Nhân dân, của kinh tế tư nhân. Chính phủ kháng chiến được toàn dân ủng hộ. Ở vùng đô thị và địch tạm chiếm, các nhà tư sản, nhà buôn, điền chủ, địa chủ kháng chiến vẫn tìm cách ủng hộ, đóng góp cho kháng chiến, nông dân vẫn đóng thuế cho Chính phủ kháng chiến.

Tháng 2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi nông dân động viên tăng gia sản xuất với tinh thần: Ruộng rẫy là chiến trường. Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ. Thuế nông nghiệp, thuế công thương là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Năm đầu kháng chiến (1946) thu chỉ bảo đảm 26% chi, năm 1950: thu bảo đảm 50% chi, năm 1952: thu bảo đảm 75% chi và năm 1953: thu vượt chi (103%).

Công tư đều có lợi

Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích các thành phần kinh tế ở Việt Nam có kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá nhân của nông dân, kinh tế tư bản của tư nhân. Kinh tế tư bản tư nhân: “Họ bóc lột công nhân nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế” - Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ:

“1 - Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên, chúng ta phải ra sức phát triển nó và Nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị.

Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên, Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số Nhân dân.

2 - Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức.

Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú trọng chính sách công nông giúp nhau và lưu thông bên trong ngoài (tức phát triển thị trường trong nước và hợp tác, buôn bán với nước ngoài). Khi miền Bắc được giải phóng bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích mọi người, mọi gia đình làm giàu. Người cho rằng chủ nghĩa xã hội là dân giàu, nước mạnh (1956). Đối với kinh tế tư bản tư nhân và những nhà tư bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm rất mới: “Còn giai cấp tư sản ở ta, thì họ có xu hướng chống đế quốc… cho nên, nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội”.

Hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh

Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) khởi xướng công cuộc đổi mới với chính sách kinh tế nhiều thành phần gồm kinh tế - xã hội chủ nghĩa, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tự nhiên ở vùng núi cao. Hơn 30 năm đổi mới, Đảng thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng sáng rõ. Hội nghị T.Ư 5 Khóa XII ban hành nghị quyết Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (ngày 3/6/2017). T.Ư cho rằng kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. “Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội”.

T.Ư đề ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đồng bộ để phát triển, phát huy thế mạnh, tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khắc phục có hiệu quả những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân. Tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kinh tế tư nhân đã và đang được hiện thực hóa trong công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.