Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hai Bà Trưng: Lồng ghép giáo dục STEM giúp tích cực đổi mới dạy, học

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Để triển khai đồng bộ, mang tính đại trà và hiệu quả, ngành GD&ĐT quận Hai Bà Trưng đã xây dựng "Đề án triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học và THCS" trên địa bàn, nhằm từng bước tạo tiền đề cho học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế.

Với việc định hướng giáo dục STEM (phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng) ngày càng trở nên phổ biến, ngành GD&ĐT quận Hai Bà Trưng đang tích cực triển khai lồng ghép giáo dục STEM, bước đầu tác động tích cực, lan tỏa, tạo chuyển biến trong dạy và học tại các nhà trường.

Để triển khai đồng bộ, thuận lợi cho bước triển khai tiếp theo mang tính đại trà và hiệu quả, ngành đã xây dựng Đề án “Triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học và THCS trên địa bàn quận Hai Bà Trưng” nhằm từng bước tạo tiền đề cho học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) quốc gia, quốc tế.

“Dùng STEM để thực hiện chương trình GDPT 2018”

Theo phương thức giáo dục STEM, thay vì dạy 4 môn (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) như các đối tượng rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế, qua đó học sinh học được cả kiến thức khoa học và cách vận dụng vào thực tiễn.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, Đề án thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học và THCS trên địa bàn quận áp dụng 3 mức độ. Thứ nhất, dạy các môn học theo phương pháp giáo dục STEM, trong đó các bài học, hoạt động giáo dục STEM được triển khai ngay trong dạy các môn học STEM theo tiếp cận liên môn; các hoạt động STEM bám sát chương trình môn học thành phần. Thứ hai, tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục STEM, theo đó học sinh được khám phá ứng dụng KHKT trong thực tiễn đời sống; các trường triển khai giáo dục STEM thông qua hình thức câu lạc bộ. Thứ ba, tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và thi sáng tạo KHKT, là tiền đề phát triển hoạt động sáng tạo KHKT và triển khai các dự án nghiên cứu trong khuôn khổ cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học.

Học sinh lớp 3 trường Tiểu học Trưng Trắc (quận Hai Bà Trưng) hào hứng tham gia tiết học STEM với chủ đề ''Điều chế kem đánh răng'' do cô giáo Nguyễn Lê Thanh Hương giảng dạy
Học sinh lớp 3 trường Tiểu học Trưng Trắc (quận Hai Bà Trưng) hào hứng tham gia tiết học STEM với chủ đề ''Điều chế kem đánh răng'' do cô giáo Nguyễn Lê Thanh Hương giảng dạy

Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Trắc Phạm Thị Tuyết cho biết, với phương châm “Dùng STEM để thực hiện chương trình GDPT 2018”, từ năm học 2022-2023, Ban giám hiệu xây dựng kế hoạch, triển khai 5 chuyên đề giáo dục STEM ở cả 5 khối lớp và chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn đưa nội dung này vào kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, tổ/nhóm. Cùng đó, tổ chức sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, rà soát nội dung và chương trình môn học; xây dựng các chủ đề dạy học STEM trong chương trình môn học tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản như các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tin học và Công nghệ; tổ chức dự giờ theo hướng phân tích hoạt động học tập của học sinh, tham gia đánh giá sản phẩm. Sau dạy thử nghiệm, Ban giám hiệu tổ chức cho giáo viên rút kinh nghiệm, bổ sung, xây dựng quy trình để triển khai dạy ở mọi lớp.

"Giáo dục STEM vừa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học; vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Chính những tiết chuyên đề tạo cơ hội cho chúng tôi học hỏi nhau, thêm kinh nghiệm khi giảng bài STEM trong lớp mình"-cô giáo Nguyễn Lê Thanh Hương (khối 3, trường Tiểu học Trưng Trắc) đánh giá.

Từ năm học 2022-2023, Ban giám hiệu trường Tiểu học Trưng Trắc (quận Hai Bà Trưng) xây dựng kế hoạch, triển khai 5 chuyên đề giáo dục STEM ở cả 5 khối lớp
Từ năm học 2022-2023, Ban giám hiệu trường Tiểu học Trưng Trắc (quận Hai Bà Trưng) xây dựng kế hoạch, triển khai 5 chuyên đề giáo dục STEM ở cả 5 khối lớp

Gỡ khó trong giảng dạy STEM

Dù đạt hiệu quả bước đầu, nhưng thực tế triển khai giáo dục STEM tại các trường học thuộc quận cho thấy không ít bất cập nảy sinh.

Cụ thể, với chủ đề “Điều chế kem đánh răng” ở lớp 3, lần thứ nhất, cô giáo Nguyễn Lê Thanh Hương dạy theo kế hoạch của trường với điều kiện đồ dùng sử dụng từ các nguyên liệu, thiết bị tự tìm, tự làm; lần sau, cô tham gia dạy thử nghiệm khi được hỗ trợ trang thiết bị từ Nhà xuất bản.

Cô Hương chia sẻ, cả 2 tiết học đều được đánh giá thành công, học sinh rất hào hứng tham gia các hoạt động. Nhưng với tiết đầu tiên, giáo viên và học sinh mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị nguyên liệu, thiết bị thí nghiệm, sổ ghi chép, học tại phòng đa chức năng của trường. Tiết thứ hai dạy tại phòng học được trang bị thiết bị phục vụ dạy học STEM, được hỗ trợ bộ kit điều chế và máy cảm biến đo pH thì hiệu quả cao hơn hẳn, bởi quá trình thực hành được chuẩn hóa, học sinh cảm nhận rõ hiệu quả của công nghệ hiện đại.

Phòng GD&ĐT quận tổ chức Hội thảo ''Triển khai thực hiện Đề án thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học và THCS quận Hai Bà Trưng''
Phòng GD&ĐT quận tổ chức Hội thảo ''Triển khai thực hiện Đề án thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học và THCS quận Hai Bà Trưng''

Cũng theo giáo viên tại Tiểu học Trưng Trắc, họ chưa được tập huấn cách tiếp cận phương pháp giảng dạy, cách sử dụng, chế tạo công cụ dạy học, cách triển khai và đánh giá hiệu quả trong từng chủ đề STEM, mà tự mày mò trên mạng; mất nhiều thời gian tìm hiểu chủ đề, nghiên cứu nội dung các môn học để tích hợp, tự xây dựng nội dung STEM. Việc chưa có đề án chính thức, hướng dẫn cụ thể nội dung tích hợp khiến họ khá lúng túng trong giảng dạy; không gian lớp học, thiết bị phục vụ thực hành, thí nghiệm thì hạn chế... Giáo viên và học sinh phải vất vả tìm kiếm đồ dùng, hầu hết sử dụng nguyên vật liệu tái chế.

Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cấn Văn Đa khẳng định, Phòng sẽ tiếp tục hướng dẫn các trường, tổ chức tập huấn cho giáo viên tiết dạy chuyên đề áp dụng phương pháp giáo dục STEM trong các môn; rút kinh nghiệm việc thực hiện Đề án nhằm phát triển theo lộ trình thay SGK, bám sát chương trình GDPT 2018; tăng phối hợp các trường ĐH, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ giáo dục STEM trong trường.

Tuy nhiên, chương trình dạy STEM đòi hỏi học sinh đi vào thực tiễn rất nhiều, trong khi hiện đề thi chủ yếu kiểm tra lý thuyết, kỹ năng giải bài tập. Do đó, để thuận lợi cho các trường, ngành GD&ĐT quận đề nghị Bộ GD&ĐT có chủ trương đổi mới cách đánh giá, cách thi để việc triển khai giáo dục STEM có tính khả thi; bổ sung thiết bị dạy học STEM vào danh sách thiết bị trường học; hướng dẫn chế độ chính sách, chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy STEM. Sở GD&ĐT cần tăng tổ chức chuyên đề tập huấn nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng cho giáo viên về áp dụng phương pháp này.

Giáo viên quận Hai Bà Trưng rất mong các cấp hỗ trợ kinh phí cho hoạt động giáo dục STEM
Giáo viên quận Hai Bà Trưng rất mong các cấp hỗ trợ kinh phí cho hoạt động giáo dục STEM

Hơn nữa, triển khai giáo dục STEM toàn diện đỏi hỏi đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại (robotic, khoa học máy tính, dụng cụ thí nghiệm có độ chính xác cao…); thúc đẩy hoạt động câu lạc bộ, ngày hội, đại sứ STEM...; tăng nghiên cứu khoa học, thực hành, tham quan phòng thí nghiệm... Do đó, Phòng đề nghị UBND quận bổ sung kinh phí phục vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên, mua sắm thiết bị cho dạy học STEM.

Để góp phần thực hiện thành công Đề án thí điểm, Trưởng Phòng cũng lưu ý các trường tiểu học, THCS chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn chủ động xây dựng chương trình nhà trường bám sát các chủ đề STEM; khuyến khích giáo viên tham gia bồi dưỡng chứng chỉ để dạy được các chủ đề đa môn; đổi mới sinh hoạt nhóm chuyên môn cho giáo viên...

Từ thực tế triển khai, giáo viên trường Tiểu học Trưng Trắc cùng nhiều trường khác tại quận cũng kiến nghị có đề án, chương trình, hướng dẫn cụ thể về những chủ đề STEM trong các môn, lĩnh vực học tập để tạo thuận lợi cho họ soạn bài, lên kế hoạch dạy. Đặc biệt, giáo viên chưa được hỗ trợ nguyên vật liệu tiêu hao trong quá trình dạy và thực hành, phải tự bỏ kinh phí, nên rất mong các cấp hỗ trợ kinh phí cho hoạt động dạy-học STEM hoặc thực hiện xã hội hóa giáo dục nhằm liên kết các tổ chức, cá nhân đang hoạt động lĩnh vực giáo dục STEM với các trường phổ thông.