70 năm giải phóng Thủ đô

Quận Hai Bà Trưng: Nhiều trường mầm non phải chia thành địa điểm lẻ

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedotthi - Sáng 28/3, đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội có buổi giám sát việc đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học cho các trường công lập và việc xây trường học tại các khu đô thị trên địa bàn quận Hai Bà Trưng từ năm 2016 đến nay.

 Đoàn khảo sát dự án xây dựng Trường THCS Lê Ngọc Hân đang gấp rút hoàn thành, phục vụ tách cấp Tiểu học-THCS.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục quận Trần Lưu Hoa, quận Hai Bà Trưng là một trong những quận lõi của Thủ đô nên nhiều khó khăn về diện tích trường học, song với quyết tâm cao, công tác giáo dục đào tạo ngày càng phát triển mạnh về quy mô với 104 trường và 88 nhóm lớp mầm non (MN) độc lập tư thục, trong đó đã có 41/64 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 64%.
Theo kế hoạch đến 2020, quận phấn đấu đạt chỉ tiêu TP giao 70% trường học đạt chuẩn quốc gia. Vì vậy, để đạt chỉ tiêu công nhận mới và công nhận lại trường đạt chuẩn, quận xác định cần tăng cường mở rộng, cải tạo, xây mới theo hướng chuẩn, hiện đại hóa trường, lớp để tăng quy mô, mạng lưới đáp ứng nhu cầu học tập của con em toàn quận. Từ nay đến 2020, quận chủ trương dành kinh phí và quỹ đất để đầu tư xây mới, mở rộng một số trường đảm bảo CSVC, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Với đặc thù trên địa bàn có khu đô thị Times City và nhiều chung cư tập trung tại phường Vĩnh Tuy, Minh Khai…, tổng số điểm quy hoạch trường học đến năm 2030 được quận xác định giữ nguyên hiện trạng 12 trường, xây mới 4 trường, đề xuất ngoài quy hoạch 59 điểm trường.

 Giờ hoạt động ngoài trời của các em học sinh Trường THCS Vinschool.

 

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay để đảm bảo CSVC cho hoạt động giáo dục đào tạo và đầu tư xây trường chuẩn quốc gia là địa bàn còn 8 trường MN công lập có địa điểm lẻ. Dù đã được đầu tư CSVC nhưng do địa điểm phân tán nên khó quản lý đội ngũ, đầu tư tốn kém. Do đó, quận rất mong được TP tạo điều kiện tiếp tục quy hoạch mạng lưới trường lớp  và quy đổi địa điểm lẻ tại các trường học.
 Đoàn khảo sát quy trình chia thực phẩm tại Bếp ăn Trường Tiểu học Lương Yên.
Khảo sát thực tế 3 trường THCS Lê Ngọc Hân, THCS Vinschool, Tiểu học Lương Yên và lắng nghe các ý kiến, đoàn giám sát ghi nhận quận Hai Bà Trưng nhiều năm qua rất quan tâm đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục. Song, dù khó khăn nhưng quận vẫn cần phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 2 trường chất lượng cao và 70% trường đạt chuẩn quốc gia. Liên quan đến các đề xuất của quận, quận cần rà soát lại, với những kiến nghị thuộc thẩm quyền TP hay sở, ngành nào cần cụ thể địa chỉ các cơ quan.
 Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Quang Thắng phát biểu tại buổi làm việc tại UBND quận Hai Bà Trưng.
Đặc biệt, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Quang Thắng nhấn mạnh: Việc hoàn thiện mạng lưới trường học phù hợp thực tế rất quan trọng với những quận nội đô, nên quận cần đề ra tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, 2045; đồng thời rà soát kỹ để thực hiện tốt kế hoạch sử dụng đất đảm bảo đất cho các cơ sở giáo dục. Trong đầu tư CSVC, rất cần quan tâm khu vực bếp ăn, đảm bảo bán trú trong các trường MN, nhất là khu nhà vệ sinh, khi chủ trương của TP hiện nay là hướng tới có nhiều nhà vệ sinh thân thiện trong trường học. Đồng thời, quận cần quan tâm ngân sách địa phương đảm bảo định mức chi cho các cấp học theo đúng nghị quyết HĐND TP. Với 8 điểm trường MN công lập có địa điểm lẻ, quận cần chủ động rà soát để đề xuất, khắc phục, hướng tới đến năm 2020 từng bước xóa bỏ.