70 năm giải phóng Thủ đô

Quận Hai Bà Trưng: Quy hoạch đất cho giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng, qua rà soát các điểm đất có nguồn gốc đất nông nghiệp và đất của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận nhưng sử dụng sai mục đích hoặc hoạt động không hiệu quả, hiện có 5 điểm đất khả thi trong triển khai xây dựng 8 trường học tại quận.

Cấp thiết tăng diện tích sử dụng trường học để đáp ứng chuẩn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Hai Bà Trưng lần thứ XXIV đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% trường công lập trên địa bàn quận đạt chuẩn quốc gia, xây mới được 6-7 trường. UBND quận đã tham mưu Quận ủy xây dựng Đề án 12-ĐA/QU ngày 31/8/2021 về “Sắp xếp cơ sở vật chất và phân tuyến tuyển sinh tại các trường công lập đáp ứng mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025”, từ đó đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo quý, năm, giữa nhiệm kỳ.

Hiện toàn quận có 61 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập, với 45/61 trường đạt chuẩn quốc gia (73,77%). Trong đó, cấp mầm non có 16/27 trường đạt chuẩn (59,3%), với 4 trường đạt chuẩn mức độ 2 và 12 trường đạt chuẩn mức độ 1. Cấp tiểu học có 14/19 trường đạt chuẩn (73,7%), đều đạt mức độ 1. Cấp THCS có 15/15 trường đã đạt chuẩn mức độ 1. Đồng thời, trên địa bàn có 3 trường cấp THPT là Thăng Long, Trần Nhân Tông, Đoàn Kết-Hai Bà Trưng, đều đã đạt chuẩn.

Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay, Hai Bà Trưng là quận trung tâm Hà Nội, dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến tình trạng một số trường quá tải về số lượng học sinh đến lớp. Quy hoạch đất dành cho giáo dục luôn được quận quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhất là diện tích nhiều trường không lớn, sát nhà dân nên việc mở rộng, xây mới rất khó khăn; một số trường diện tích nhỏ, điểm lẻ thì không có sân chơi, chưa có phòng thể chất, thiếu phòng chức năng…, nên ảnh hưởng đến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Quy hoạch đất dành cho giáo dục luôn được quận Hai Bà Trưng quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu 
Quy hoạch đất dành cho giáo dục luôn được quận Hai Bà Trưng quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu 

“Đến hiện tại, nhiều trường công lập các cấp học tại quận cần được cải tạo sửa chữa tổng thể nhằm tạo cảnh quan sư phạm, cơ sở vật chất khang trang. Đặc biệt, cấp thiết mở rộng diện tích, tăng diện tích sử dụng, sân chơi, bãi tập, phòng chức năng để đảm bảo xây dựng, trong đó quan tâm nâng số tầng để tăng diện tích sử dụng, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018 và yêu cầu tại những thông tư quy định tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, trong đó có Thông tư 13 về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất”- bà Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định.

Để khắc phục các hạn chế hiện nay và xây dựng mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, quận đang tiếp tục rà soát, bố trí thêm quỹ đất cho giáo dục để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBND quận đã, đang triển khai thực hiện một số dự án xây dựng trường học tại các điểm đất được bàn giao: Xây trường THCS tại số 3 Lương Yên được nhận bàn giao từ TCTy lương thực Miền Bắc (công trình đã hoàn thành, đang thực hiện thủ tục bàn giao), xây trường tiểu học tại số 349 Minh Khai được nhận bàn giao từ Công ty TNHHMTV Điện ảnh Hà Nội (dự kiến hoàn thành trong năm 2023), mở rộng trường Tiểu học Trung Hiền trên khu đất Ao Trung Hiền được nhận bàn giao từ HTX nông nghiệp Đông Ba (đã hoàn thành, đưa vào sử dụng), xây trường Mầm non Trương Định tại khu đất ao Vét bùn 1, 2, được nhận bàn giao của HTX nông nghiệp Đông Ba (dự án đang chuẩn bị đầu tư).

 

Theo rà soát của UBND quận Hai Bà Trưng, nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn, cần bổ sung 1-2 trường THPT công lập với lý do tổng số học sinh ra trường mỗi năm từ 4.500-5.000 em, tổng số học sinh thi vào lớp 10 THPT khoảng 3.500-4.000 em, trong đó tổng số học sinh vào 3 trường công lập (Thăng Long, Trần Nhân Tông, Đoàn Kết-Hai Bà Trưng) khoảng 1.800-2.000 em, như vậy chỉ được 50% học sinh vào trường THPT công lập trên địa bàn quận.

Sớm gỡ vướng với 5 điểm đất để xây trường 

Qua rà soát các điểm đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp và đất của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận nhưng sử dụng sai mục đích hoặc hoạt động không hiệu quả, hiện có 5 điểm đất khả thi trong việc triển khai xây dựng 8 trường học trên địa bàn quận.

Thứ nhất là 3 điểm đất thuộc Quy hoạch phân khu H2-4: Địa điểm 163 Đại La (Công ty CP Điện máy đang quản lý), dự kiến xây trường Mầm non Đồng Tâm, diện tích 0,24ha, Công ty đang sử dụng làm văn phòng và cho thuê. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở QH-KT, tháng 5/2020, UBND quận đã trình Sở xem xét, tham mưu UBND TP phê duyệt điều chỉnh chức năng khu đất này từ đất công cộng đơn vị ở sang đất trường mầm non.

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến tổ chức, cộng đồng liên quan lập đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch, Công ty CP Điện máy không đồng ý phương án điều chỉnh và có văn bản gửi các cấp đề nghị xem xét việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng trường học tại điểm đất này. UBND quận kiến nghị UBND TP xem xét điều chỉnh quy hoạch thu hồi đất.

Cô - trò trường Tiểu học Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng trong một tiết học
Cô - trò trường Tiểu học Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng trong một tiết học

Với điểm đất tại tổ 19, 23 phường Vĩnh Tuy (đất nông nghiệp), dự kiến xây 1 trường tiểu học, THCS diện tích 0,72ha và 1 trường mầm non, nhà trẻ 0,42ha. Khó khăn là điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu cần được UBND TP xem xét, quyết định. Việc triển khai lập dự án đầu tư xây dựng trường được triển khai sau khi UBND TP phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-4 tỷ lệ 1/2000 tại 4 ô quy hoạch tại phường Vĩnh Tuy (về chức năng sử dụng đất). UBND quận kiến nghị UBND TP sớm phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Với điểm đất tại Ao Mẫu Tư, hiện trạng là đất nông nghiệp, diện tích 0,52ha, dự kiến xây trường THCS đề xuất nâng từ 4 lên 5 tầng nên cần triển khai việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu H2-4 tại ô quy hoạch ký hiệu A1/TH3. Do khu đất nằm trên ranh giới 2 quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai nên cần phối hợp UBND quận Hoàng Mai để xin chủ trương của UBND TP về việc giao UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức điều chỉnh quy hoạch phân khu tại ô đất này.

Khó khăn là trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND quận Hoàng Mai, UBND quận Hai Bà Trưng cần báo cáo UBND TP xem xét giao UBND quận tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu. Như vậy, công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự kiến sẽ kéo dài gồm một số bước, nên quận Hai Bà Trưng kiến nghị UBND TP sớm phê duyệt chủ trương giao UBND quận lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch H2-4 để quận triển khai lập dự án xây dựng trường.

Các em học sinh trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) tham dự tập huấn phòng tránh tai nạn giao thông
Các em học sinh trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) tham dự tập huấn phòng tránh tai nạn giao thông

Thứ hai, với 2 điểm đất thuôc Quy hoạch phân khu đô thị H1-4: Điểm đất tại số 418 phố Bạch Mai, dự kiến xây 1 trường mầm non diện tích 0,16ha và 1 trường tiểu học 0,37ha, do Công ty Kỹ thuật Điện thông đang quản lý, cho thuê sai mục đích, đồng thời không phối hợp trong triển khai khảo sát lập dự án. Ngày 4/7/2023, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-HĐND thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hồi đất năm 2023, theo đó đã bổ sung kế hoạch sử dụng khu đất 418 phố Bạch Mai để xây trường tiểu học và trường mầm non năm 2023. Ban QLDA đầu tư xây dựng quận đang tiến hành xin chỉ giới, số liệu kỹ thuật.

Vướng mắc là ngày 7/9/2023, Ban QLDA đầu tư xây dựng quận đã có văn bản gửi Công ty Kỹ thuật Điện thông đề nghị phối hợp, tạo điều kiện cho Ban thực hiện khoan khảo sát địa chất, nhưng Công ty có văn bản nêu rõ sẽ không thực hiện theo tinh thần văn bản của Ban. Do đó, UBND quận kiến nghị UBND TP chấp thuận cho UBND quận triển khai đầu tư dự án xây dựng trường công lập tại số 418 Bạch Mai đảm bảo phù hợp Quy hoạch phân khu H1-4 và chỉ đạo Công ty Kỹ thuật Điện Thông phối hợp quận trong công tác triển khai dự án.

Với điểm đất tại số 14 phố Mạc Thị Bưởi do Công ty thực phẩm Miền Bắc đang quản lý (trên đất có 1 công trình 1 tầng sử dụng làm văn phòng làm việc và kho chứa, cho thuê; diện tích còn lại là sân và đường nội bộ), dự kiến xây trường THPT diện tích 0,69ha. Vướng mắc hiện nay là Dự án cần được UBND TP phê duyệt chủ trương giao UBND quận, sau đó cần tổ chức lập dự án và GPMB theo quy định. UBND quận kiến nghị UBND TP sớm phê duyệt chủ trương giao UBND quận lập dự án xây dựng trường.

“Trên cơ sở quy hoạch chung của TP, UBND quận sẽ tiếp tục rà soát các điểm đất khác để đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm, đề xuất triển khai các dự án xây mới trường học trên địa bàn. Lãnh đạo quận đã kiến nghị TP quan tâm ưu tiên quỹ đất dành cho giáo dục, xin ý kiến TP về phương án nâng thêm tầng, tận dụng những quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây trường học; với các khu chung cư khi xây dựng cần đảm bảo quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án kiến trúc cho giáo dục. Đặc biệt, kiến nghị HĐND, UBND TP quan tâm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đối với 5 điểm đất hiện nay tại quận để UBND quận sớm triển khai được các dự án xây dựng mới trường học, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXIV đề ra”- bà Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh.