Quan hệ Nga - EU khó có thể đảo ngược trong “một sớm một chiều”

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng quan hệ giữa Moscow và Brussels đã xấu đi nghiêm trọng và khó có thể cải thiện trong “một sớm một chiều”.

 Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Tass
Ngày 8/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo về sự suy thoái trong quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU). Phát biểu trong cuộc họp với các thành viên của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Nga hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Lavrov cho biết cả Nga và EU đã để vuột mất những cơ hội để cải thiện mối quan hệ song phương trong 7 năm qua.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh ý tưởng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - EU do Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất gần đây "đã bị khước từ một cách phi lý". "Một số thành viên EU cho rằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh như vậy sẽ là một món quà cho Nga. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định nước Nga không cần quà tặng, cũng như không kỳ vọng nhận được món quà từ bất kỳ ai, và chúng tôi sẽ nỗ lực cải thiện mối quan hệ với EU nếu nhận được tín hiệu tích cực từ khối này” - Ngoại trưởng Lavrov nói.
Ông Lavrov nhấn mạnh rằng quan hệ Nga - EU ngày càng xấu đi và tình trạng này khó có thể được đảo ngược trong “một sớm một chiều”. "Niềm tin đã bị tổn hại nghiêm trọng do hậu quả từ một loạt các lệnh trừng phạt đơn phương của Brussels. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại là không làm trầm trọng thêm tình trạng này” - Ngoại trưởng Nga lưu ý.
Đề cập đến hợp tác kinh tế song phương, Ngoại trưởng Lavrov cho biết mặc dù có sụt giảm một phần do đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại Nga - EU từ tháng 1-7/2021 vượt con số 150 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, EU hôm 25/6 đã quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng. Theo đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga sẽ chính thức được gia hạn tới ngày 31/1/2022.
Vào năm 2014, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea. Kể từ đó, các biện pháp trừng phạt này liên tục được gia hạn và kéo dài. Các cuộc đàm phán về việc hủy bỏ thị thực và một thỏa thuận cơ bản mới về hợp tác đã bị đình trệ, một số quan chức Nga bị cấm đến các nước EU và tài sản của họ bị đóng băng. Ngoài ra, EU cũng thực hiện các hạn chế về thương mại, tài chính và quân sự đối với Nga. Đáp lại, Moscow cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước EU.