Nhưng ngay cả giữa các DN tư nhân với nhau cũng có sự không công bằng. Bao trùm của ta hiện nay là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.
Xuất hiện trong mọi lĩnh vực
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng gọi “chủ nghĩa tư bản thân hữu” đang tồn tại ở Việt Nam là một thuật ngữ mô tả một nền kinh tế mà trong đó thành quả kinh doanh phụ thuộc vào các mối quan hệ thân thiết giữa các doanh nhân và các quan chức chính quyền. “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” đang làm cho bất công và bất bình xã hội bị tích tụ lại ngày một nhiều hơn. Một số DN đang giàu lên nhanh chóng nhờ được ưu tiên, ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn lực của đất nước...; một số quan chức cũng giàu lên nhờ được... lại quả. Nó được biểu hiện qua cách cư xử thiên vị của chính quyền cho các DN thân hữu trong việc cung cấp tài chính, giấy phép và các hình thức hỗ trợ khác. Thậm chí có cả hiện tượng các DN tài trợ cho chuyện mua quan, bán chức cần phải được nhìn nhận như một hiểm họa của đất nước.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ở Việt Nam không chỉ có sự phân biệt DNNN, DN đầu tư nước ngoài (FDI) với DN tư nhân trong nước, mà còn có sự phân biệt giữa DN thân hữu và DN không thân hữu. Vấn nạn này đã và đang diễn ra ở hầu hết lĩnh vực quan trọng. Điều này khiến cho các DN nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn, khó lớn lên được. Theo bà, nếu tình trạng vẫn tiếp tục phát triển loanh quanh với sự ưu ái, nuông chiều chỉ làm tổn hại tới động lực phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Bà Deborah Wetzel - Giám đốc cấp cao Khối nghiệp vụ toàn cầu về quản trị Nhà nước (Ngân hàng thế giới - WB) cho biết, trong Báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ KH&ĐT cùng WB xây dựng, các tác giả đã nhiều lần nhắc tới tình trạng thiên vị các DNNN hay DN tư nhân có quan hệ thân hữu với Nhà nước, đã làm giảm khả năng ban hành các quy định phù hợp tối ưu với nguyên tắc quản lý kinh tế lành mạnh. Trên thực tế, quan hệ thân hữu có thể giúp một vài DN phát triển mạnh mẽ, thậm chí vượt bậc, nhưng sự phát triển đó không bền vững. Dựa trên nền tảng như vậy, DN dù lớn đến đâu cũng không thể cạnh tranh được khi vươn tới các thị trường nước ngoài.
Nhà nước kiến tạo là phải tạo bình đẳng
“Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN, kể cả trong nội bộ các DN tư nhân, chống việc hình thành các nhóm lợi ích từ chính trong các DN tư nhân”, các chuyên gia đều có chung quan điểm. Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) thẳng thắn: Nếu khắc phục được điểm này mới tiến tới môi trường thể chế lành mạnh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế và theo ông đây mới là cốt lõi của Nhà nước kiến tạo. Thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng rất nhiều trong việc thúc đẩy cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Thế nhưng, ở đâu đó cải cách hành chính khó hoàn thành sứ mệnh nếu “quan hệ thân hữu” vẫn được các DN sử dụng. Để xóa bỏ tình trạng quan hệ thân hữu, theo ông Cung, phải có một hệ thống các giải pháp đồng bộ. Như hoàn thiện thể chế, giảm vai trò của khu vực DN Nhà nước. Nhà nước chuyển đổi vai trò từ sản xuất kinh doanh sang xây dựng khuôn khổ pháp lý và kiến tạo sân chơi bình đẳng, tăng cường các cơ chế giám sát…
Chia sẻ kinh nghiệm của thế giới, bà Deborah Wetzel cho hay, 3 chức năng chính mà bất cứ Chính phủ nào trong quá trình thương lượng giữa các bên phải thực hiện. Trước hết đó là khả năng thực hiện của chính phủ và cam kết của mình, có giá trị qua thời gian; Thứ hai, là chức năng phối, kết hợp điều phối tạo ra những tín hiệu giữa các chủ thể khác nhau trong xã hội để họ biết phải làm gì (điều này đòi hỏi phải phân vai, phân việc đúng không bị chồng chéo và cơ quan nào chịu trách nhiệm quy cho người đứng đầu); Thứ ba, là hợp tác giữa các bên để làm sao họ thực thi những chính sách đó của chính phủ. Đây là những giải pháp đã được nhiều chính phủ triển khai và đã thu được những kết quả khả quan khi ngăn chặn hiệu quả các mối quan hệ thân hữu giữa cơ quan quản lý Nhà nước với DN.
Khi hội nhập các DN trong nước buộc phải mạnh lên. Khu vực tư nhân trong nước mới là động lực phát triển, giúp nâng cao tiềm lực của quốc gia và việc khu vực tư nhân không phát triển sẽ ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc nền kinh tế. Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh |