Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại đây đã diễn ra cuộc họp thành lập Chính phủ lâm thời và đặc biệt, trong căn phòng ở tầng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng to lớn, đánh dấu bước ngoặt phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đã dâng hương, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, biết ơn công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; nguyện sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như mong muốn của Người.
Trải qua gần 100 năm thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, ngôi nhà vẫn được giữ gìn nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Đó là các tòa nhà nối liền nhau hình chữ nhật với hai mặt trước, sau thông thoáng, cửa chính nằm ở 48 phố Hàng Ngang, cửa hậu nằm ở 35 phố Hàng Cân.
Ngôi nhà hiện lưu giữ nhiều kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã làm việc. Từ nhiều năm nay, đã có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về di tích lịch sử cách mạng 48 phố Hàng Ngang, đặc biệt vào ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước. Năm 2016, di tích lịch sử 48 phố Hàng Ngang đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Sau Lễ dâng hương, các đại biểu tham quan, nghe thuyết trình về các di ảnh, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng tại Di tích nhà 48 Hàng Ngang.