Sốt xuất huyết (SXH) đã xuất hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội và số bệnh nhân có xu hướng tăng nhanh trong 4 tuần gần đây. Theo dự báo của các chuyên gia dịch tễ, tại Hà Nội, dịch SXH tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, số ca mắc tiếp tục tăng.
Hiện toàn thành phố ghi nhận hơn 3.500 ca sốt xuất huyết (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 30/30 quận, huyện, thị xã.
Trên địa bàn Hoàng Mai các phường Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thanh Trì là những địa phương có số bệnh nhân SXH nhiều. Theo nhận định, việc sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh, thành phố bắt đầu về Hoàng Mai nhập học, ở trọ sẽ còn làm gia tăng số lượng đối tượng cảm nhiễm với bệnh SXH.
Trước nguy cơ trên, ngày 21/8/2023 Ban Chỉ đạo CSSKBĐ quận Hoàng Mai đã họp và thống nhất các biện pháp chỉ đạo phòng chống dịch SXH. Theo đó, Quận ủy ban hành chỉ thị phòng, phòng chống dịch SXH trên địa bàn, giao các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền: băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp, xây dựng hệ thống tin, bài tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh phường và hệ thống loa kéo đi từng phố, gõ từng nhà tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân về các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Tăng cường việc tuyên truyền trên hệ thống mạng xã hội, Zalo, Messeger,...
Chính quyền các cấp nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo; tổ xung kích, tổ giám sát cơ sở để triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát, tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp diệt bọ gậy, muỗi vắn,.. tập trung các hộ gia đình cho thuê nhà, khu vực công viên, nghĩa trang, nơi công cộng, tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường không để bất cứ vật dụng gì chứa nước lâu ngày (nơi phát sinh bọ gậy, muỗi vằn). Vận động các gia đình có người SXH thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh môi trường, nằm ngủ có màn chống muỗi,...
Ngành Y tế quận khẩn trương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cho việc chống dịch khẩn cấp khi phát sinh ổ dịch trên địa bàn. Tập trung hướng dẫn cơ sơ về công tác chuyên môn và các biện pháp phòng chống dịch SXH. Do hiện nay chưa có vaccine, việc phòng bệnh SXH vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường kết hợp với biện pháp diệt các ấu trùng của muỗi như bọ gậy, lăng quăng.
Người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán để phát hiện SXH sớm, từ đó các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không cần phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.