Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quán Lương Sơn: Ghi dấu một kiến trúc tôn giáo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Quán Lương Sơn (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) là một công trình kiến trúc tôn giáo mang tên làng.

KTĐT - Quán Lương Sơn (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) là một công trình kiến trúc tôn giáo mang tên làng. Vì vóc dáng kiến trúc, vì cả chiến tranh tàn phá mà công trình này "gánh" cả chức năng của một ngôi đình, ngôi miếu nhưng người dân bấy lâu vẫn quen gọi là quán.

Theo thần phả do Hàn lâm Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) và bản chép lại vào năm Thành Thái thứ 10 (1899), thì quán Lương Sơn thờ ba vị tướng thời Hai Bà Trưng là Đặng Cả, Đặng Hai và Đặng Ba.


Tương truyền, ở Đường Lâm có ông Đặng Long rời đến trang Khang Kiện (gần Lương Sơn) làm nghề dạy học. Bà vợ của ông tên là Phạm Thị Phương. Ông bà tuổi đã cao mà chỉ mới có con gái. Do có lòng nhân đức, ông bà được thần báo mộng sau này sẽ sinh quý tử. Quả nhiên về sau, ông bà sinh được ba người con trai. Từ nhỏ, ba vị đã thông minh, ham học võ. Lớn lên, ba anh em chiêu tập được nhiều thanh niên luyện tập võ nghệ tại Đồng Lang, Đồng Núi. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, ba ông đã cùng đám nghĩa binh kéo về Hát Môn ra mắt xin hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Hai Bà Trưng phong các ông làm "Tả hữu tiền lộ tướng quân" chỉ huy đánh giặc Tô Định và lập nhiều chiến công.


Hai Bà Trưng lên ngôi vua. Ba năm sau, Mã Viện lại mang quân xâm lược. Sau một trận quyết chiến, ba ông đã cùng Hai Bà Trưng chạy về núi Thiên Quyết, rồi ba ông mang quân về lập binh ở Đồng Lang - Đồng Núi, án ngữ cửa sông Tích. Ngày mồng 10/11 âm lịch, ba ông cùng mất. Một số luận văn sử học gần đây đã cho rằng, đó là một trận thủy chiến trên sông Tích và ba ông đã anh dũng hy sinh. Ngôi mộ của các ông hiện vẫn được trông nom thờ phụng ở cạnh làng Lương Sơn (phía tây làng).


Hiện nay, quán Lương Sơn vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính mà cổ nhân đã dựng xây theo vóc dáng ngôi đình làng dù kích cỡ có phần nhỏ bé hơn. Phía trước đền có ao, cây đa, Đại bái với bốn đầu đao cong vút… vẫn gợi lên cảnh một ngôi đình làng. Tòa Đại bái của quán Lương Sơn dài 18,90m rộng 4,33m được chia làm 3 gian 2 chái. Kết cấu theo kiến trúc bốn hàng chân cột, trong đó có ba hàng chân cột gỗ, một hàng cột bằng đá núi xẻ vuông vức. Các vì kèo theo lối giá chiêng. Chân cột có kê đá tảng. Hậu cung quán Lương Sơn thiên về bền chắc, bào trơn đóng bén. Về nghệ thuật điêu khắc, đáng chú ý có hai bức chạm nổi ở cửa Hậu cung điêu khắc "Độc long". Hai bức chạm này đăng đối, rồng chầu và Hậu cung, được cổ nhân sơn son thiếp vàng lộng lẫy.


Quán Lương Sơn giờ vẫn nguyên nét cổ kính, mái ngói rêu phong. Quán "quay mặt" về phía tây có dòng sông Tích, nơi xảy ra trận thủy chiến mà ở đó ba vị thành hoàng đã anh dũng hy sinh. Phải nói rằng, giữa làng đồi vùng bán sơn địa Lương Sơn, công trình nhỏ mang kiến trúc thời Nguyễn này ẩn chứa những ý nghĩa lớn lao rất riêng.