Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý an toàn lao động làng nghề ở Thường Tín: Vẫn còn bỏ ngỏ

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thường Tín là một trong những huyện của TP Hà Nội có tới 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống và có 11 cụm điểm công nghiệp giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác kiểm tra của cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại địa phương bị bỏ ngỏ.

Người lao động chịu thiệt thòi
Chứng kiến người lao động tại xưởng sản xuất đồ gỗ của ông Phùng Đăng Tưởng ở làng nghề Vạn Điểm với hàng chục loại máy cắt, tiện, xẻ, vanh… phục vụ sản xuất các sản phẩm bàn, ghế, tủ, giường nằm trong khuôn viên rộng hơn 1.000m2 mới thấy người lao động (NLĐ) chịu thiệt thòi. Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng khu nhà xưởng sản xuất đồ gỗ của ông Tưởng vẫn có 10 lao động miệt mài làm việc trong môi trường thiếu an toàn khiến bất cứ ai cũng cảm thấy lo lắng.

Trong không gian của khu nhà xưởng, tiếng máy kêu ầm ĩ, bụi bay mù mịt, dây điện chằng chịt, gỗ bày ngổn ngang, nhìn bằng mắt thường cũng thấy nguy cơ mất ATVSLĐ hiển hiện. Dù vậy, NLĐ vẫn làm việc mà không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động. Vừa dùng tay trần đưa gỗ vào máy tiện, anh Nguyễn Quốc Doanh trò chuyện: “Cả xã này nhiều người cũng quen thế, làm mãi thành quen. Người nào khó chịu với bụi thì đội mũ, nón, đeo khẩu trang, chứ không ai trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Mặc đồ bảo hộ lao động vướng víu khó làm việc”.
 Cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của ông Nguyễn Văn Sử, thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình. Ảnh: Hữu Hải
Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà chia sẻ, làng nghề gỗ Vạn Điểm thu hút gần 80% số hộ với hàng chục nghìn lao động trên địa bàn. Nghề gỗ mang lại thu nhập ổn định cho người dân nhưng khó tránh khỏi mất ATVSLĐ. Vì thế, hàng năm, các cơ sở, nhà xưởng sản xuất đồ gỗ trên địa bàn vẫn xảy ra tai nạn lao động. UBND xã và cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động nhắc nhở chủ sử dụng lao động và NLĐ chủ động phòng chống tai nạn lao động, cháy nổ, phòng, chống dịch bệnh song do thói quen làm nghề nên vẫn còn tình trạng cả NLĐ lẫn chủ sử dụng lao động thờ ơ.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại làng nghề Thụy Ứng, xã Hòa Bình. Rẽ vào cơ sở sản xuất do ông Nguyễn Văn Sử làm chủ có 9 lao động đang cặm cụi cưa, đục, cắt, mài sản phẩm bằng sừng. Tại khu vực xưởng sản xuất rộng hơn 100m2 liền kề với nhà ở, đâu đâu cũng thấy bụi bay khắp nơi. Xung quanh khu xưởng sản xuất là đủ các loại máy móc bán thủ công như máy cắt, mài, chà sừng… để san sát nhau, dây điện loằng ngoằng. Toàn bộ khu sản xuất là máy móc, đồ đạc, hàng hóa chật cứng, chỉ còn chừa đủ chỗ cho NLĐ ngồi làm việc.

Thiếu kiểm tra, xử lý

Qua khảo sát thực tiễn của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, NLĐ ở các làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín chưa chú trọng tới việc bảo đảm ATVSLĐ và phòng, chống dịch bệnh. Ở các làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao như Vạn Điểm (nghề mộc), Duyên Thái (nghề sơn mài), Tiền Phong (nghề chăn ga, gối đệm)…, việc phòng, chống tai nạn lao động phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân. Lý giải về tình trạng này, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Thường Tín Uông Đình Hồng cho biết, các làng nghề hoạt động trong khu dân cư nên đa số hộ dân sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ tại nhà ở. Khi gia đình không cho phép, lực lượng chức năng khó có thể vào từng gia đình để kiểm tra và yêu cầu NLĐ nghiêm túc chấp hành quy định về bảo đảm bảo ATVSLĐ.

Do NLĐ chủ quan, thờ ơ nên tai nạn lao động tại làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín năm nào cũng xảy ra, tuy chưa nghiêm trọng. Điều đáng nói là khi xảy ra tai nạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình thường giấu để bảo vệ uy tín nên số vụ việc được thống kê rất ít. Đặc biệt, do diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và thời gian qua thực hiện giãn cách xã hội nên năm nay đoàn liên ngành chưa đi kiểm tra, xử lý vi phạm ATVSLĐ trong các lĩnh vực đối với cơ sở sản xuất tại làng nghề.

Huyện Thường Tín đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm ATVSLĐ, trong đó có công tác quy hoạch cụm, điểm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, giải pháp này còn nhiều vướng mắc ở một số địa phương nên chưa thực sự đi vào đời sống. Cùng với đó, hiện nay tại các địa phương làng nghề, một hộ sản xuất nhỏ lẻ có thể không đủ kinh phí đầu tư, trang bị phương tiện bảo đảm ATVSLĐ nhưng khi nhiều hộ tập trung vào một điểm, cụm làng nghề thì hoàn toàn có thể từng bước khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ thiếu an toàn lao động, cháy nổ, thu thuế...

"Hàng năm, UBND huyện đều ban hành kế hoạch hành động bảo đảm ATVSLĐ và yêu cầu mọi người, mọi nhà phát triển sản xuất phải đi đôi với cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường. Ban Chỉ đạo ATVSLĐ huyện thường xuyên hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện tốt phong trào thi đua “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, đồng thời kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Tuy nhiên thời gian gần đây vẫn có nơi thực hiện chưa nghiêm." - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản