Quản lý an toàn thực phẩm: Khó vạn lần nếu chính quyền cơ sở thờ ơ

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/3, tại Hội nghị Ban chỉ đạo (BCĐ) an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cùng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu trong công tác quản lý ATTP hiện nay.

Đồng thời, hai lãnh đạo TP đã đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm cũng như những cách làm mới để công tác này đạt hiệu quả và đem lại lợi ích cho Nhân dân Thủ đô. Cùng dự có lãnh đạo các Sở, ban, ngành TP cùng các thành viên ban chỉ đạo.
Trăm bề nan giải
Tại hội  nghị, các quận huyện hào hứng báo cáo thành tích về các cuộc thanh kiểm tra với tổng số hơn 16.000 cơ sở bị phát hiện vi phạm, số tiền phạt thu lên đến hàng chục tỷ đồng trên toàn TP. Nhắc đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ, giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết, nếu năm 2015 số sản phẩm lưu thông vào các chợ đầu mối được kiểm soát nguồn gốc và có tem mác chỉ lác đác trên đầu ngón tay thì đến năm 2016, tỷ lệ này đã chiếm tới gần 60% nguồn thực phẩm đầu vào tại đây. Ngành nông nghiệp sau những đợt “càn quét” với chất cấm sabutamol cũng đã phát hiện và tiêu hủy kịp thời 7 con lợn dương tính với chất cấm này. Hay tính riêng ngành y tế, chỉ trong đợt ra quân đảm bảo ATTP Tết Đinh Dậu và lễ hội năm 2017 đã đình chỉ hoạt định 25 cơ sở, phạt tiền 404 cơ sở với số tiền phạt gần 2 tỷ đồng.
 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị
Vậy nhưng, phía sau những thành tích trên tồn tại hàng trăm vấn đề nan giải trong công tác quản lý ATTP tại các cấp. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, việc xử phạt hành chính những cơ sở vi phạm đang gặp nhiều khó khăn. “Không phải cơ sở nào cũng chịu nộp phạt ngay, hay những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ sau khi bị phạt họ lại cố tình tăng giá sản phẩm để bù lại chỗ tiền phạt”, ông Lưu chia sẻ.
Bên cạnh đó, quận Thanh Xuân hiện đang “vấp” trong khâu tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo bị thu hồi. Mới đây, ngày 8/3, đoàn kiểm tra của quận phát hiện 4 con dê tại một nhà hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nên buộc phải tiêu hủy. “Số tiền tiêu hủy 4 con dê này lên đến tiền triệu, trong năm 2016 số tiền chi cho tiêu hủy sản phẩm mà quận phải chi cũng vào gần 200 triệu”, ông Lưu cho hay.
Tại những quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, lãnh đạo quận lại kêu khó với việc dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho rằng, quản lý chợ và siêu thị đối với quận nội thành trước đây được ứng dụng xã hội hoá, chợ biến thành trung tâm thương mại, kết quả các chợ truyền thống “chui” xuống tầng hầm như chợ Hàng da, chợ Cửa Nam. Trong khi đó, các khu vực đường hầm điều kiện vệ sinh môi trường kém, trực tiếp cơ quan chức năng kiểm tra vào những ngày thời tiết bất lợi thì mùi nồng nặc hôi thối. “Thực phẩm sạch chuyển về đây cũng bẩn. Hơn nữa, người dân mình ngại vào các siêu thị mua đồ vì tiền gửi xe quá tiền mua hàng nên cứ tiện đâu mua đấy. Đây là nguyên nhân phát sinh chợ xanh, chợ cóc”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tại quận Ba Đình, khi các lực lượng chức năng đi kiểm tra và xử lý các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ thì cấm chỗ này họ lại chạy vào các ngõ ngách khác. Hay chính việc chỉ riêng về vấn đề ATTP, cấp TP có tới 3 BCĐ liên quan (BCĐ ATTP TP, BCĐ quản lý ATTP nông lâm thủy sản và BCĐ phòng dịch) cũng khiến các quận, huyện cảm thấy bị chồng chéo.
Đặc biệt, đại diện các quận, huyện tham dự cuộc họp này đều đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán nhân sự chuyên trách ATTP. Bởi lẽ, hiện nay hầu hết cán bộ làm công tác ATTP đều là cán bộ kiêm nghiệm, kinh nghiệm và kiến thức về ATTP còn hạn chế.
Rõ người, rõ việc
Chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ ra rằng, cần rõ người, rõ việc trong quản lý ATTP. Đơn cử như công tác kiểm tra nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi, Bí thư đề nghị trong kế hoạch kiểm tra phải ghi ra từng việc trong chuỗi đó. “Như chuỗi sản xuất đã phổ biến danh mục các chất cấm ko sử dụng trong trồng trọt và chăn nuôi thì cần kiểm soát việc sử dụng chất đó, các xã và hợp tác xã phải kiểm soát được, cử rõ cán bộ nào có trách nhiệm kiểm soát. Hay như chợ đầu mối, hàng hoá về có dán tem vậy tem ở đâu, ai dán và có bảo đảm không, bao nhiêu đơn vị được phép làm cái đó. Ai là người kiểm tra thường xuyên việc dán tem này, phải phân rõ trách nhiệm”.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu
Bên cạnh đó, Bí thư yêu cầu ngành nông nghiệp phải quản lý chặt các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, lên kế hoạch cụ thể từng năm cho từng quận, huyện để từng bước xử lý dứt điểm các điểm này. Đối với chợ đầu mối, Bí thư cho rằng phải gắn trách nhiệm cụ thể cho Ban quản lý chợ, TP phải nắm được chợ nào hoạt động tốt, gắn với việc đầu tư vào các chợ đầu mối hoạt động đúng kế hoạch. “Chính quyền các cấp phải vào cuộc quyết liệt, không thờ ơ, không làm hời hợt, các chợ cóc, chợ tạm hay các cửa hàng thực phẩm không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm thì cứ cắm biển “thực phẩm ở đây không an toàn” thì không ai dám mua. Chúng ta phải tiến tới công khai nguồn gốc thực phẩm, danh sách cửa hàng thực phẩm, quán ăn, nhà hàng đảm bảo ATTP lên mạng internet để người dân tiện theo dõi và lựa chọn”, Bí thư Hoàng Trung Hải gợi ý.
Đặc biệt, thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, TP sẽ nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp xã, phường để tăng cường trách nhiệm quản lý cho người đứng đầu chính quyền. Bên cạnh đó, tại hội nghị, Chủ tịch đã đưa ra 12 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo ATTP. Trong đó, Chủ tịch nhấn mạnh đến việc kiểm soát nguồn gốc, truy suất nguồn thực phẩm; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ thực phẩm. Chủ tịch gợi ý, chính quyền có thể phối hợp công an khu vực để rà soát và giám sát. Trong năm 2017, TP có kế hoạch sẽ cải tạo lại một số chợ truyền thống như chợ Châu Long, chợ Ngã Tư Sở, chợ Xuân La theo mô hình nhà khung thép,  phấn bố các quầy hàng hợp lý để đảm bảo ATTP.

Hiện nay, sau mỗi buổi kiểm tra ATTP nếu phát hiện thực phẩm nghi ngờ chúng tôi phải gửi mẫu lên Chi cục ATTP TP để kiểm tra tại phòng thí nghiệm, thời gian trả kết quả từ 5 -7 ngày là rất lâu, ảnh hưởng đến việc xử lý. Do vậy, nếu có thể TP nên giao cho quận chủ động ký hợp động xét nghiệm với các bệnh viện hoặc cơ sở xét nghiệm để thực hiện vấn đề này. (Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu)

Các kho hàng bến bãi nhập thực phẩm đều được kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, tại một kho lạnh ở Mê Linh vẫn còn tình trạng một số cơ sở không bảo quản thực phẩm đúng nhiệt độ quy định là âm 18 độ. Hay như tại chợ Long Biên vẫn tồn tại tình trạng quay vòng hóa đơn khiến cửa hàng nào cũng xuất trình được giấy tờ đầy đủ. Do vậy, ngoài quản lý của các cơ quan chuyên ngành sự cần sự chung tay giám sát của cả chính quyền địa phương. (Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên)