Quản lý an toàn thực phẩm: Những dấu ấn đáng ghi nhận

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một năm qua với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội đã có dấu ấn đáng ghi nhận. Điển hình nhất là nhiều mô hình hay về quản lý ATTP được triển khai và nhân rộng.

Thay đổi nhận thức

Nếu như trước đây, tại tuyến phố Trung Liệt (quận Đống Đa) vẫn còn tình trạng người kinh doanh không đi bao tay khi chế biến thực phẩm, thức ăn chín phơi trần, nhập nhằng nguồn gốc thực phẩm thì vài năm nay, những vi phạm này đã được khắc phục. Các cửa hàng ăn đã trang bị tủ kính, giỏ đựng rác, bàn ghế sạch, đẹp hơn. Đặc biệt, tất cả những người kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được tập huấn kiến thức về ATTP. Qua kết quả kiểm tra ATTP 65 cơ sở trên tuyến phố, tỷ lệ đạt tiêu chí ATTP là 83,8%. Tương tự, tại phố Núi Trúc (quận Ba Đình), tỷ lệ này là 84%, qua kiểm tra định kỳ hàng quý, những cơ sở bị nhắc nhở tại chỗ đã khắc phục sai phạm.

Đó là 2 trong số 30 tuyến phố đầu tiên của Hà Nội thí điểm quản lý, kiểm soát ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống (DVAU), thức ăn đường phố (TAĐP). Đến nay, TP đã nhân rộng ra 30 tuyến phố văn minh và 198 phường, xã, thị trấn. Theo ông Trần Ngọc Tụ – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, qua kiểm tra, công tác quản lý ATTP DVAU đã có nhiều chuyển biến tích cực với 99% cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP, 80% cơ sở đạt điều kiện về cơ sở vật chất và đảm bảo các tiêu chí ATTP, nhận thức về vai trò quản lý, kiểm soát của chính quyền cơ sở được nâng lên.

Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP tại Big C Hà Đông.  Ảnh: Trần Nga

Không chỉ đối với các tuyến phố điểm kiểm soát ATTP, tại các cơ sở TAĐP trên khắp địa bàn đều đã được các cấp từ xã, phường, quận, huyện và TP tăng cường kiểm tra, giám sát. Theo thống kê, toàn TP có 26.609 cơ sở kinh doanh DVAU (trong đó đa số là cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín), 5.218 cơ sở TAĐP. Hàng năm, các đoàn kiểm tra giám sát trung bình 110.000 lượt cơ sở DVAU, TAĐP, số cơ sở đạt tiêu chí trên 80%. Các tiêu chí ATTP DVAU tại các xã, phường, thị trấn từng bước được cải thiện (tăng từ 78,9% năm 2013 lên trên 85%). “Có thể khẳng định, mô hình cải thiện DVAU, TAĐP đã thu được kết quả trên nhiều phương diện như: Cải thiện điều kiện vệ sinh cơ sở, ý thức chấp hành các quy định của chủ cơ sở, sự tham gia quản lý, giám sát và kiểm soát của chính quyền địa phương” – ông Trần Ngọc Tụ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chỉ ra những khó khăn trong quản lý ATTP TAĐP, ông Tụ cho rằng, đó là số cơ sở lớn, luôn di biến động, đặc biệt khu vực ven đô, khu có đông người lao động thuê trọ, khu có nhiều công trình xây dựng dở dang... Cơ sở vật chất DVAU, TAĐP nhiều nơi còn chật hẹp, vệ sinh mặt nền chưa gọn sạch, trang thiết bị dụng cụ chưa thay thế kịp thời, lấn chiếm vỉa hè, vệ sinh tại các cơ sở ăn uống tại các chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo. Mặt khác, một số chính quyền địa phương còn nể nang trong quản lý, xử phạt vi phạm. Ý thức thực hành vệ sinh của người chế biến còn hạn chế, ý thức một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh TAĐP.

Nhân rộng nhiều mô hình

Một mô hình khá mới mẻ, nhưng được TP vào cuộc quyết liệt, tăng cường khâu tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đó là mô hình ATTP bữa cỗ tập trung đông người mà Hà Nội thí điểm tại 4 quận, huyện (Thanh Oai, Phú Xuyên, Quốc Oai, Long Biên). Theo bà Hoàng Thị Minh Thu – Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, trên cả nước đã có nhiều vụ ngộ độc ở bữa cỗ đông người, nguyên nhân là do bà con sử dụng và chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn. Vì vậy, để nâng cao nhận thức cũng như gắn trách nhiệm của cộng đồng đối với vấn đề ATTP, yêu cầu các hộ gia đình khi tổ chức bữa ăn đông người phải ký cam kết đảm bảo ATTP.

Trong năm 2017, Hà Nội đã thành lập 30 tổ giám sát được 1.189 bữa cỗ, với 242 bữa cỗ đám cưới, 206 bữa cỗ đám ma, 229 bữa cỗ đám giỗ và 260 các bữa cỗ khác. 100% hộ gia đình tổ chức bữa cỗ trên địa bàn 4 quận này đều phải ký cam kết ATTP. Qua kiểm tra, các hộ gia đình đều đạt tiêu chí ATTP trên 85%. Là một gia đình vừa tổ chức cỗ đám cưới tại gia, bà Nguyễn Thị Thuận (thị trấn Quốc Oai) cho biết: “Nếu như trước đây, người dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề ATTP, nhưng khi phải ký cam kết, chúng tôi phải lo đảm bảo ở tất cả các khâu, từ nhập nguyên liệu, sắp xếp khu vực sơ chế đến bố trí phương tiện chia thức ăn hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, những người tham gia chế biến thực phẩm phải có trang phục gọn gàng, sạch sẽ, đeo găng tay theo quy định”.

Từ thành công của mô hình này, bà Hoàng Thị Minh Thu cho biết, trong năm 2018, TP dự kiến sẽ nhân rộng mô hình này tại nhiều huyện trên địa bàn. ““Siết” người dân thực hiện các quy định ATTP sẽ giảm được nguy cơ ngộ độc tập thể. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường để bà con hiểu được ý nghĩa của việc thực hiện mô hình và chung tay vì chất lượng ATTP, đảm bảo sức khỏe cộng đồng” - bà Thu nhấn mạnh.

Đối với mô hình tuyến phố kiểm soát ATTP, ngoài 30 tuyến phố đã triển khai, dịp cuối năm 2017, quận Thanh Xuân đánh dấu tuyến phố thứ 31 thí điểm tại phố Thượng Đình. Hiện tuyến phố tập trung 27 cơ sở DVAU, TAĐP với lượng khách hàng lớn. Mỗi nhà hàng, cửa hàng ăn uống đều đã được niêm yết tấm biển "Nhà hàng, cửa hàng kiểm soát ATTP" và công khai danh mục nguồn gốc nguyên liệu. Ngoài tuyến phố Thượng Đình, từ nay đến 2020, quận Thanh Xuân phấn đấu sẽ có 11 tuyến phố kiểm soát ATTP tại 11 phường trên địa bàn.

Không riêng tại quận Thanh Xuân mà mô hình này tiếp tục được nhân rộng ra các quận nội thành của Hà Nội. Bên cạnh đó, TP tiếp tục duy trì hệ thống cảnh báo nhanh về nguy cơ mất ATTP tại quận Bắc Từ Liêm và nhân rộng trên toàn TP trong năm 2018. Ngoài ra, đề án thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp xã, phường sẽ được duy trì nhằm siết chặt quản lý ATTP trên địa bàn.

Nhờ thực hiện Luật ATTP và Thông tư 30 quy định điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh DVAU, người kinh doanh và tiêu dùng đã được trang bị kiến thức. Tuy nhiên, vấn đề quản lý TAĐP vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, việc cung cấp nước sạch cho các quầy hàng TAĐP là một thách thức không nhỏ. Tại Hà Nội và trên cả nước, những năm qua, quản lý ATTP đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn cần sự vào cuộc tích cực và tự giác hơn của người kinh doanh, đặc biệt là người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần nói không với những cửa hàng không đảm bảo vệ sinh, những thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong


TP sẽ tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung DVAU, TAĐP có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm ATTP. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả những mô hình tuyến phố kiểm soát ATTP, cần ý thức, trách nhiệm của cả ba bên, gồm cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Trong đó, cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường thanh kiểm tra, xử nghiêm vi phạm.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung


Nếu như trước đây, những quán ăn gần cơ quan tôi chỉ bằng quan sát đã thấy mất vệ sinh như sàn nhà bẩn thỉu, khách ăn vứt rác bừa bãi, nhân viên dùng tay trần bốc thức ăn vào bát cho khách. Hay những quán ăn ngay bên miệng cống vẫn đông khách, quán chè thập cẩm thì phơi trần đầy bụi đường khiến thực khách bất an. Nhưng nay, các cửa hàng ăn đã sạch sẽ hơn rất nhiều. Đặc biệt, nhiều quán ăn đều có Giấy chứng nhận đạt tiêu chí ATVSTP nên khách cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên, nguồn gốc thực phẩm vẫn là điều chúng tôi lo ngại. Mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào ở các cửa hàng kinh doanh ăn uống.

Chị Nguyễn Hà Mai (phường Trung Liệt, quận Đống Đa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần