Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý bến xe khách liên tỉnh: Nhiều quy định cần xem xét lại

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện có không ít bất cập đối với hoạt động của các bến xe khách liên tỉnh (XKLT), gây khó cho cả đơn vị quản lý bến lẫn DN vận tải; đồng thời tạo ra kẽ hở để DN lách luật, phạm luật.

Một số quy định liên quan đến thực trạng này cần được xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

Bỏ bến vẫn giữ chỗ

Chịu áp lực cạnh tranh nặng nề từ loại hình xe đội lốt hợp đồng nhưng vận chuyển khách liên tỉnh, nhiều năm qua, rất nhiều DN vận tải kinh doanh XKLT đang rơi vào tình thế khó khăn ngặt nghèo. Một trong những khác biệt lớn nhất là XKLT đón trả tại bến, còn xe khách trá hình đưa đón tận nhà. Thua thiệt trong cạnh tranh, nhiều XKLT đã phải bỏ bến ra ngoài hoạt động như xe khách trá hình.

Hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Thanh Hải
Hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Thanh Hải

Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển cho biết, nhiều DN cho xe bỏ bến nhưng vẫn giữ lốt, cơ quan chức năng biết nhưng khó xử lý. Nguyên nhân là tại Nghị 10/2020/NĐ - CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ - CP) quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, chỉ cho phép Sở GTVT thu hồi tuyến, lốt của các xe 60 xe ngày không hoạt động tại bến.

“Do đó, có hiện tượng DN vận tải hoạt động tại bến thực tế rất ít, nhưng chỉ cần bảo đảm có hoạt động trong 60 ngày là lách được luật, không bị thu hồi lốt. Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị với Cục Đường bộ Việt Nam, khi sửa Nghị định 10 cần quy định: Đơn vị vận tải phải hoạt động bảo đảm 70% lốt đã đăng ký như trong Nghị định 86 trước đây” - ông Nguyễn Tuyển nói.

Trong khi chờ đợi xem Bộ GTVT có tham mưu cho Chính phủ sửa đổi quy định này hay không, Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước phải gồng mình đối phó với tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe khách trá hình nở rộ khắp nơi.

Từ sau đại dịch Covid-19, các bến xe trên địa bàn TP đều sụt giảm mạnh sản lượng cả lượt chuyến, lẫn hành khách. Bến xe Nước Ngầm chỉ còn khoảng 50% lốt xe hoạt động thực tế; các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm nói chung, lượng xe giảm 60%, lượng khách giảm 40%. Trong đó nhiều xe bỏ bến ra ngoài chạy “dù”, lập văn phòng ở khắp nơi, đón khách, nhận hàng, gây mất an ninh, trật tự, ATGT trong đô thị.

Đại diện một DN vận tải có xe bỏ bến ra ngoài hoạt động (xin giấu tên) chia sẻ, trên thực tế không xe nào dám chạy liên tỉnh nếu không có phù hiệu. Mà muốn có phù hiệu thì phải đăng ký hoạt động ở hai đầu bến, bảo đảm đủ lượt chuyến để không bị thu hồi lốt xe. “Vì thế, chúng tôi không dám bỏ hẳn bến, nhưng vẫn phải ra ngoài mới có thêm khách, thêm hàng, nếu chỉ ở trong bến sẽ mất hết thị trường về tay xe hợp đồng trá hình” - vị này chia sẻ.

Xóa lốt “ảo”

Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập cho hay, dù công suất đáp ứng hơn 1.000 lốt xe/ngày, nhưng hiện bến chỉ có hơn 490 lốt xe/ngày hoạt động thường xuyên. “Thực tế là vậy nhưng xét theo danh mục công bố mạng lưới tuyến XKLT của Bộ GTVT thì bến lại quá tải. Quá tải là do lượng xe ảo rất lớn, đăng ký, lâu lâu chạy giữ chỗ 1, 2 chuyến rồi lại bỏ trống. Bên cạnh đó, quy định phải để 20% lượng lốt xe, dự phòng cho các kỳ nghỉ lễ Tết, hay tình huống đặc biệt cũng gây khó cho bến xe” - ông Nguyễn Văn Lập nói.

Vị lãnh đạo Bến xe Nước Ngầm thông tin thêm, đã đề xuất Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam bỏ quy định để 20% lốt dự phòng; đồng thời cắt bỏ lốt của những DN có đăng ký trên hệ thống nhưng lâu không đưa xe vào hoạt động, hoặc đăng ký mà không chạy đủ tần suất đăng ký. Phải xóa sạch các lốt “ảo” thì bến xe mới đủ điều kiện để đón thêm xe vào, phục vụ những tuyến XKLT hoạt động thực tế, đúng quy định. Ông Nguyễn Văn Lập khẳng định: “Xóa được lốt “ảo”, Bến xe Nước Ngầm sẽ còn hơn 500 chỗ trống, và chắc chắn nhiều bến xe khác cũng vậy”.

Nhiều DN cũng cho rằng, việc yêu cầu các bến xe phải dành 20% công suất cho các tình huống dự phòng là chưa phù hợp, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay. Thứ nhất là các bến xe đều đang sụt giảm mạnh sản lượng cả xe lẫn khách, chỗ trống còn quá nhiều, không yêu cầu thì cũng vẫn có lốt cho xe dự phòng. Thứ hai là vào các kỳ nghỉ lễ, Tết, để phục vụ hành khách nhanh chóng, đầy đủ hơn có thể tăng tần suất xe chạy, rút ngắn thời gian chờ đợi giữa các lượt xuất bến. Ví dụ trên một tuyến có 8 lốt, thì ngày cao điểm chia đều tổng thời gian cho 10 xe, không cần tăng thêm lốt để tránh tình trạng dự phòng tạo nên lốt “ảo”.

Chuyên gia trong lĩnh vực vận tải Vương Văn Kha phân tích, giả sử tại bến Nước Ngầm được cấp phép 100 lốt tuyến đi Nghệ An, nhưng DN đăng ký rồi chỉ chạy cầm chừng khoảng 30 lốt, lại phải cắt ra 20 lốt dự phòng thì chỉ còn 50 lốt hoạt động. Nếu nhu cầu thực tế của DN lên đến 100 lốt thực tế thì đương nhiên bến không thể tiếp nhận hết vì vướng quy định. “Sự cứng nhắc và rập khuôn trong quy định đang gây khó khăn cho cả bến xe lẫn DN vận tải.

Theo tôi nên để các bến xe tự điều tiết, cơ quan quản lý nhà nước chỉ dựa vào công suất thực đã kiểm định của bến để khống chế số lượng. Chính bến xe mới là những người biết rõ nhất đâu là lốt “ảo”, khi nào cần tăng cường xe” - ông Vương Văn Kha nói. Có thể thấy một số quy định đối với bến XKLT trong thực tế đang gây ra những bất cập không nhỏ, rất cần được Bộ GTVT lưu tâm, tham mưu trình Chính phủ sửa đổi để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ Nhân dân.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT cần nhanh chóng nghiên cứu sửa đổi quy định về tần suất hoạt động của XKLT tại các bến. Nếu việc bảo đảm 70% số lượt chuyến và cả quy định không được bỏ bến quá 60 ngày đều bất hợp lý, cần siết chặt hơn nữa. Để XKLT chạy đua với xe khách trá hình trong lòng đô thị vừa gia tăng áp lực giao thông, vừa khiến cơ cấu của kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô nhanh chóng đổ vỡ hơn.