Bên cạnh đó, ở một số nhà trường vẫn xảy ra tình trạng mất trộm, kẻ xấu lẻn vào trường... Nguyên nhân để xảy ra những tình trạng trên là do sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý HS, SV còn thiếu chặt chẽ. Công tác xử lý vi phạm của một số đơn vị, trường học chưa nghiêm... Đó là những vấn đề được nêu ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến với 30 quận, huyện, thị xã về đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Sở GD&ĐT Hà Nội và Công an TP về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học 6 tháng đầu năm 2015 (Quy chế 167) chiều 3/6. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc triển khai, thực hiện Quy chế 167 về công tác an ninh trật tự, an toàn trường học được giữ vững, không còn điểm nóng gây mất ổn định trật tự, an toàn trường học nghiêm trọng; số vụ vi phạm giao thông của cán bộ giáo viên, HS, SV trong toàn ngành giảm; ùn tắc giao thông nơi cổng trường ở một số địa bàn trọng điểm đã có chuyển biến tích cực... Tuy nhiên, còn một số đơn vị chưa chủ động cùng công an và chính quyền địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể, dẫn đến vẫn xảy ra một số vụ HS đánh nhau, quay clip đưa lên mạng... Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho HS, lãnh đạo phòng giáo dục, hiệu trưởng một trường kiến nghị cơ quan quản lý cần tiếp tục ban hành các tài liệu giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống đuối nước, hỏa hoạn, phòng chống bạo lực, quấy rối trong và ngoài nhà trường. Xem xét việc thành lập phòng tham vấn tâm lý để HS có nơi được chia sẻ. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường kiểm tra, quy định cấm bán các loại đồ chơi nguy hiểm, duy trì kiểm tra nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông, các điểm trông giữ xe, điểm internet... Nhằm thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, trong thời gian tới các nhà trường cần xây dựng mô hình trường - xã và mô hình trường - thị trấn. “Kết hợp giữa trường - xã, trường - thị trấn. Cần xây dựng những nội dung phối hợp giữa trường - xã tại một số điểm, làm thí điểm, từ đó nhân rộng trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giao ban, tăng cường quản lý ngoài cổng trường: Điểm chơi game, trông xe… để có biện pháp uốn nắn HS kịp thời. Phía ngành giáo dục phải nắm chắc tình hình HS, kịp thời phát hiện các việc tiềm ẩn. Ví dụ như để hạn chế bạo lực học đường, nhà trường cần phối hợp với địa phương kiểm soát chặt chẽ những HS chưa ngoan, nhất là trong thời gian nghỉ hè, có phân rõ trách nhiệm giữa các bên. Đồng thời, tăng cường giáo viên tư vấn tâm lý, xây dựng hòm thư góp ý… Và có cơ chế mở để hai ngành hiểu nhau, từ đó phối hợp chặt chẽ hơn” - ông Độ nhấn mạnh.