Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý đại lý ngoại tệ: Bình mới, rượu cũ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 89/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế sẽ có hiệu lực từ 13/8 tới.

Trong đó, điểm nổi bật nhất là các đại lý không được bán ngoại tệ và thu VND của khách hàng.Tuy nhiên, cả ngân hàng và các đại lý đều cho rằng, giao dịch ở thị trường phi chính thức cũng sẽ không có gì xáo trộn so với hiện nay.

Giảm tình trạng găm ngoại tệ

Theo khảo sát của phóng viên, mọi hoạt động trên phố Hà Trung, con phố được coi là chợ ngoại tệ của Hà Nội vẫn diễn ra bình thường và cả người mua – kẻ bán đều hầu như không quan tâm đến quy định mới này. Một chị khách hàng có nhu cầu đi du lịch Thái Lan vừa đổi 10 triệu đồng sang bath Thái cho biết, chị có 1.000USD nhưng không muốn sang Thái đổi vì ở bên đó, tỷ giá không dôi như tại VND (đổi được thấp hơn Việt Nam). Đặc biệt, trong hầu hết hoạt động mua bán giao dịch, người ta đều ít khi chấp nhận USD mà đều yêu cầu sử dụng Bath.
Phố Hà Trung là một trong những con phố kinh doanh ngoại tệ nhộn nhịp nhất Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Phố Hà Trung là một trong những con phố kinh doanh ngoại tệ nhộn nhịp nhất Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Bản thân trước đây cũng đã qua ngân hàng để đổi sang tiền bath cho chồng con đi du lịch nhưng ngân hàng từ chối vì không có tiền, nơi có tiền thì thủ tục khai báo rất phiền phức, lại phải có xác nhận của công ty du lịch tổ chức tour nên lần này chị quyết định ra ngoài giao dịch cho tiện. Do 2 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường ngoại hối khá tốt, đặc biệt là quy định lãi suất USD bằng 0% khiến cho nhiều người không còn tâm lý cất trữ USD. Nếu như trước đây mỗi lần ngân hàng điều chỉnh tỷ giá hoặc thị trường có những thông tin kiểu như sắp điều chỉnh tỷ giá, người dân lại đổ đến phố Hà Trung để mua ngoại tệ, tích trữ thì nay hầu như không có tình trạng đó. Chỉ còn những trường hợp cần thiết trong giao dịch, mua bán hàng hóa hoặc đi du lịch, thăm thân là có nhu cầu mua ngoại tệ tại đây.

Tìm giải pháp quản lý thay vì cấm

Không phải đến bây giờ nghị định mới cấm các đại lý bán ngoại tệ thu VND của khách hàng, mà lâu nay các quy định hiện hành đã đưa ra yêu cầu này. Nhưng thực tế, khi thị trường có cung cầu mà các ngân hàng chưa đáp ứng được, tất yếu hình thành chợ. Lãnh đạo phụ trách lĩnh vực kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng cho hay, thực sự dịch vụ thu đổi ngoại tệ hầu như không mang lại nguồn thu đáng kể nào cho ngân hàng. Nguyên do chủ yếu là ngân hàng không tập trung để có nguồn ngoại tệ phong phú đáp ứng nhu cầu của dân, hơn nữa do không lượng hóa được nhu cầu nên nhiều ngân hàng cũng không mặn mà với nghiệp vụ này vì cũng ít có khách hàng đến mua ngoại tệ.

Đại diện một DN cho biết, với những hợp đồng lớn hoặc cần có chứng từ để chứng minh nguồn gốc tiền thì DN mới làm việc tại ngân hàng để có ngoại tệ. Còn những khoản vài chục nghìn, vài trăm nghìn USD dành để đối ngoại, DN chủ yếu ra chợ ngoại tệ. Nhu cầu DN muốn bao nhiêu đều được đáp ứng.

Đại diện một khách sạn tư nhân 3 sao tại Đà Nẵng cho biết, tuy cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên có thể mở điểm thu đổi ngoại tệ. Nhưng bản thân khách sạn này cũng không thực hiện, mà chủ yếu nắm sẵn 2 - 3 mối để khi khách có nhu cầu thì giới thiệu họ đến hoặc cho họ đầu mối để tự liên lạc.

Rõ ràng là với những lý do và thói quen như lâu nay, việc chấn chỉnh hoạt động thu đổi ngoại tệ sẽ không đơn giản. Theo chuyên gia kinh tế tại Viện Kinh tế Việt Nam, thay vì cấm, nên chăng cơ quan Nhà nước nghiên cứu biện pháp cho phép bên mua và bán được giao dịch hai chiều. Cơ quan quản lý sẽ kiểm soát bằng các cơ chế giám sát báo cáo và yêu cầu tuân thủ tự động, đồng thời có các kiểm tra định kỳ, đột xuất. Cơ sở nào vi phạm hoặc gian lận trong báo cáo bị bắt quả tang cần bị xử lý nghiêm để mang tính răn đe.
Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ; điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ bao gồm hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ và hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ.