Quản lý doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù trong quý I, thu ngân sách có sự chuyển biến tích cực cho thấy sự phục hồi...

Kinhtedothi - Mặc dù trong quý I, thu ngân sách có sự chuyển biến tích cực cho thấy sự phục hồi trong cộng đồng doanh nghiệp (DN), song tại buổi họp báo thường kỳ ngày 4/4, đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận, nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, DN vẫn cần thêm những chính sách hỗ trợ. Hỗ trợ hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính trong thời gian tới để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo hoàn thành dự toán ngân sách được giao.

*Tuần tới, có kết quả thanh tra giá sữa

Chuyển biến chậm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân quý I sách có sự chuyển biến tích cực, tổng thu ngân sách đạt 195.070 tỷ đồng, tăng 15,9%. Trong khi đó, chi ngân sách ước đạt 232.160 tỷ đồng. Để đảm bảo hoàn thành dự toán ngân sách năm 2014, ngành tài chính đã yêu cầu các đơn vị phải thường xuyên theo dõi kết quả thu ngân sách.

 
Người tiêu dùng mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu để quản lý giá sữa. Ảnh: Linh Anh
Người tiêu dùng mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu để quản lý giá sữa. Ảnh: Linh Anh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Trần Văn Phu cho biết, ngành thuế sẽ tập trung tăng cường quản lý DN có rủi ro cao về thuế thông qua các biện pháp như đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, đôn đốc thu hồi kịp thời tiền thuế, tiền phạt qua kiểm tra vào ngân sách. Các thông tin về DN có rủi ro về thuế sẽ được đăng tải trên trang điện tử của Tổng cục Thuế; Thông tin về hóa đơn trên trang tra cứu về hóa đơn của Tổng cục Thuế. Theo đó, chậm nhất sau 24 giờ, Cục thuế các địa phương phải cập nhật vào hệ thống công khai thông tin tổ chức, cá nhân kinh doanh có rủi ro về thuế. Đối với việc tái cơ cấu DN Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng, để triển khai Nghị quyết 15 về đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DN Nhà nước, trung bình mỗi ngày phải đấu giá hơn một DN.

Ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) và Hà Nội (HNX) thực hiện đấu giá điện tử theo quy định phân cấp. Theo đó, với các khoản đấu giá trên 10 tỷ đồng sẽ thực hiện đấu giá điện tử. Với những khoản dưới 10 tỷ đồng sẽ thực hiện đấu giá qua các trung gian tài chính. Đồng thời, quy trình bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ được gắn liền với việc niêm yết, để tăng tính minh bạch và quyền lợi của cổ đông, tránh tình trạng đã đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng nhưng trì hoãn niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 25/3, số lượng DN được cổ phần hóa là 15 DN.

Quản lý giá sữa vẫn phải chờ

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành 5 DN kinh doanh sữa đang tiến hành thu thập các số liệu có liên quan, đồng thời thanh tra, kiểm tra các yếu tố cấu thành giá, khả năng sang tuần tới sẽ có kết quả.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, cơ quan liên ngành thanh tra, kiểm tra các yếu tố cấu thành giá... và xác minh làm rõ có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh hoặc vi phạm các quy định về giá hay không. "Khi có kết quả sẽ công bố thông tin. 5 DN kiến nghị thanh tra, kiểm tra bao gồm: Công ty Mead Johnson, Nestllé Việt Nam, Vinamilk, Friesland Campina Việt Nam và Công ty CP Dinh dưỡng 3A phân phối sản phẩm sữa Abbot. Đây là các DN chiếm thị phần chính trên thị trường. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên, sắp tới, công tác quản lý sữa sẽ ra sao và ý tưởng áp giá trần cho sữa của Cục Quản lý giá đưa ra có khả năng thực hiện hay không? Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, liên Bộ Tài chính - Công Thương đang nắm bắt tình hình, sẽ tham khảo tài liệu và các thông tin liên quan, không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền công bố các biện pháp bình ổn giá. Tuy nhiên, biện pháp áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa là biện pháp hành chính mạnh, do đó, có áp dụng  giải pháp này hay không, các cơ quan chức năng sẽ dựa trên cơ sở kết quả kiểm tra của thanh tra. "Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ bám sát tình hình thị trường sữa, nếu trong thời gian tới, tình hình giá sữa tiếp tục có diễn biến tăng, có thể áp dụng một trong 7 biện pháp mà Luật Giá đã đề ra" - ông Tuấn khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần