Quản lý khai thác cát, sỏi: Thiếu hành lang pháp lý

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã có sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của UBND TP Hà Nội, tuy nhiên, hoạt động khai thác cát, sỏi ven các tuyến sông trên địa bàn TP còn diễn biến hết sức phức tạp.

Trong khi đó, giải pháp căn cơ cho vấn đề này hiện vẫn bị bỏ ngỏ.
Còn 82 tụ điểm phức tạp
Huyện Đan Phượng nằm ven bờ hữu sông Hồng, có diện tích bến bãi lớn với khoảng 1.050ha, trải dài qua địa phận 7 xã. Nhằm tạo điều kiện khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, huyện đã quy hoạch 10 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD). Tuy nhiên, kết quả rà soát mới đây của huyện cho thấy, 9/10 bến bãi hoạt động không đúng với giấy phép. Đơn cử, tại xã Liên Trung, cả 3/3 bến bãi đều được các DN tự ý san lấp, mở rộng diện tích vượt quá quy mô được cấp phép. Điều đáng nói, trong tổng số 10 bến bãi đang hoạt động, hiện chỉ có một điểm có giấy phép còn hiệu lực. Số khác đang chờ được cấp phép trở lại, nhưng vẫn có tình trạng… hoạt động chui. 

Tàu thuyền khai thác vận chuyển cát, sỏi trên sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng

Tình trạng quản lý bến bãi, khai thác cát, sỏi không chỉ phức tạp tại huyện Đan Phượng. Theo thống kê của Chi cục đê điều & phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội), toàn TP hiện có 187 bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD đang hoạt động. Tuy nhiên, chỉ 34 điểm có giấy phép còn hiệu lực, 153 bến bãi còn lại chưa có giấy phép (hoặc được cấp nhưng đã hết niên hạn). Trong khi việc kiểm soát những bãi chứa, trung chuyển VLXD nằm trong quy hoạch còn thiếu chặt chẽ, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an Hà Nội) cho biết, qua nắm bắt tình hình thực tế, trên địa bàn TP hiện còn tồn tại 82 tụ điểm có hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Trong đó, nhiều nhất tại huyện Ba Vì với 13 điểm; tiếp đến là Gia Lâm: 8 điểm, Phúc Thọ: 7 điểm, Đông Anh: 7 điểm, Đan Phượng: 6 điểm…    
Xử lý mạnh tay hơn
Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành siết chặt quản lý, xử lý vi phạm. Trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, Công an TP phối hợp cùng Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, các địa phương ven sông tiến hành kiểm tra, xử lý 302 vụ/372 đối tượng; tạm giữ 318 phương tiện các loại; tịch thu 6 tàu thuyền và xử phạt vi phạm hành chính gần 5,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả hoạt động bến bãi, khai thác cát, sỏi, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, cần có một hành lang pháp lý mạnh hơn.
Để giảm thiểu tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT theo hướng chỉ cho phép triển khai những dự án nạo vét trong danh mục được phê duyệt và công bố, không chấp nhận những dự án do nhà đầu tư đề xuất. Đồng thời, trước khi thông qua các dự án nạo vét, cần khảo sát, lấy ý kiến của chính quyền và người dân địa phương, thay vì tùy tiện cấp phép như hiện nay.
Trao đổi xung quanh đề xuất của Hà Nội liên quan tới điều chỉnh Thông tư số 69, ông Trần Văn Thọ - Phó cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết: Bộ GTVT nhận được kiến nghị của nhiều đơn vị, chứ không chỉ riêng Hà Nội về một số bất cập của Thông tư số 69. Hiện, chúng tôi đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, các địa phương liên quan tới việc sửa đổi thông tư nêu trên cho phù hợp hơn. Việc điều chỉnh sẽ hoàn tất trong tháng 5/2017…
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng thông tư hướng dẫn quy định cụ thể các trường hợp khai thác tài nguyên gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Khai thác khoáng sản trái phép gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng trong hơn một năm qua, Hà Nội mới chỉ khởi tố được một trường hợp. Như vậy sẽ khó đủ sức răn đe… 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội  Nguyễn Quốc Hùng
Theo UBND huyện Gia Lâm, từ năm 2016, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 3 dự án nạo vét luồng đường thủy của 3 đơn vị gồm: Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Xuân Mới nạo vét đoạn qua địa bàn 2 xã Đông Dư và Bát Tràng; Công ty CP Đầu tư xây dựng TT khai thác đoạn qua các huyện Phúc Thọ, Gia Lâm… và một phần của tỉnh Hưng Yên; Công ty TNHH My Hương hoạt động khai thác nạo vét luồng sông Đuống. Đến tháng 3/2017, 1 dự án đã dừng hoạt động do chưa được gia hạn cấp phép, 2 dự án còn lại được Cục đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu tạm dừng để thực hiện lắp đặt các thiết bị giám sát, định vị trên phương tiện nhằm phục vụ công tác kiểm tra, giám sát. (Hoàng Quyết)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần