Quản lý, khai thác hiệu quả Quỹ Khuyến nông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vai trò là tiểu ban quản lý Quỹ Khuyến nông (QKN), Trạm Khuyến nông Thạch Thất đã tư vấn, hỗ trợ nhiều hộ nông dân, chủ trang trại được tiếp cận với nguồn vốn QKN TP.

Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, Trạm đặc biệt coi trọng công tác quản lý, khai thác quỹ.

Kịp thời hỗ trợ nông dân

Năm 2013, hộ gia đình ông Kiều Văn Thưởng, ở xã Cẩm Yên được Trạm Khuyến nông Thạch Thất tư vấn lập dự án vay 400 triệu đồng từ nguồn QKN TP để chăn nuôi bò sữa. Từ nguồn vốn này, ông Thưởng đã đầu tư vào việc tăng đàn bò sữa từ 6 con lên 19 con. Hiện nay, mỗi ngày, mô hình của ông cung cấp 380 lít sữa cho Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP). Nhờ đó, mô hình luôn đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động. Ông Thưởng chia sẻ: "Nhờ có đồng vốn khuyến nông mà gia đình tôi có điều kiện tăng đàn bò sữa và nâng cao thu nhập. Sau khi đáo hạn vốn vay vào tháng 8/2015, tôi mong muốn tiếp tục được vay vốn QKN để mở rộng quy mô chăn nuôi".
Nhờ đồng vốn của Quỹ Khuyến nông TP, vợ chồng anh Kiều Văn Thưởng, xã Cẩm Yên đã vươn lên làm giàu.	 Ảnh: Ánh Ngọc
Nhờ đồng vốn của Quỹ Khuyến nông TP, vợ chồng anh Kiều Văn Thưởng, xã Cẩm Yên đã vươn lên làm giàu. Ảnh: Ánh Ngọc
Anh Nguyễn Duy Liên, ở xã Đại Đồng lại thành công với mô hình nuôi đà điểu thương phẩm. Năm 2013, trên diện tích 700m2, anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi 70 con đà điểu. Xác định khó khăn lớn nhất là nguồn vốn vì đà điểu giống có giá trên dưới 2 triệu đồng/con, anh đã chủ động liên hệ với Trạm Khuyến nông Thạch Thất để được tư vấn, tiếp cận nguồn vốn QKN với số tiền 200 triệu đồng. Anh chia sẻ, nuôi đà điểu cho thu nhập khá, lại ít gặp rủi ro dịch bệnh bởi sức đề kháng của đà điểu rất tốt. Một con đà điểu thương phẩm có thời gian nuôi từ khi nhập con giống đến khi xuất chuồng từ 8 - 10 tháng, trung bình mỗi con nặng 1 tạ, cho thu lãi từ 2 - 3 triệu đồng. Hiện tại, mô hình của anh thường xuyên duy trì nuôi từ 80 - 100 con đà điểu thương phẩm, mỗi năm cho thu lãi gần 200 triệu đồng.

Đó là hai trong số rất nhiều hộ gia đình đang được Trạm Khuyến nông Thạch Thất hỗ trợ nguồn vốn kịp thời phát triển sản xuất. Trong những năm qua, QKN đã trở thành động lực thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng tại địa phương.

Chặt chẽ, linh hoạt trong quản lý

Ông Nguyễn Bùi Hải - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thạch Thất cho biết, hiện nay, Trạm đang quản lý 26 hộ vay vốn QKN với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Từ năm 2009 đến nay đã có 81 hộ gia đình được hỗ trợ vay từ nguồn vốn này với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng. Đa số các hộ đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Đáng chú ý, các hộ không chỉ đầu tư mở rộng quy mô, trang thiết bị phục vụ sản xuất mà còn tạo ra nguồn vốn mới để đẩy mạnh sản xuất, vươn lên làm giàu.

 Năm 2015, trên cơ sở rà soát và chọn lọc các hộ có nhu cầu vay vốn để sản xuất, Tiểu ban quản lý QKN Thạch Thất đã hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng phương án. Đợt I/2015, đã có 4 hộ được Tiểu ban thẩm định và giải ngân được gần 600 triệu đồng. Hiện tại, Trạm đã tiếp nhận thêm 9 phương án vay vốn của các hộ nông dân. Các phương án, dự án vay vốn chủ yếu là chăn nuôi gia cầm, trồng thanh long ruột đỏ.

Để nguồn vốn phát huy hiệu quả tốt, Trạm cử cán bộ phụ trách thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan tác động như ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động giá cả nông sản trên thị trường... dẫn đến một số hộ vay vốn gặp khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn. Bà Vũ Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, Trung tâm đang tiếp tục xây dựng các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp các hộ nợ quá hạn. Cùng với đó, chú trọng việc mở các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ quản lý, bảo toàn QKN cho cán bộ cơ sở; tập huấn kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất của mô hình cho các hộ vay vốn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần