Quản lý lỏng lẻo khiến thị trường bất động sản rơi vào bất ổn

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 phân khúc đất nền vẫn được phần đông người dân quan tâm, kéo theo đó là không ít đối tượng lợi dụng môi giới kiếm lời đã gây ra những hình ảnh “báo nháo” khó kiểm soát.

Bài học đắt giá
Câu chuyện về việc lừa đảo của Công ty địa ốc Alibaba đi thu gom đất nông nghiệp, rồi tự phác họa thành dự án khu dân cư cao cấp chiếm đoạt trên 2.500 tỷ đồng của người dân hay trường hợp của Công ty CP Tư vấn đầu tư Angle tự vẽ ra 9 dự án tại TP Hồ Chí Minh, chiếm đoạt 285 tỷ đồng… lại tiếp tục “hâm nóng” thông tin thị trường bất động sản (BĐS), khi tại nghị trường Quốc hội (Kỳ họp thứ 9), nhiều đại biểu đề nghị xử lý trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước đối với chính quyền địa phương nơi có các dự án "ma" do công ty Alibaba lập ra trong thời gian dài mà không hề hay biết.
Người dân đổ xô đi mua đất nền tại khu vực Hòa Lạc trong dịch Covid-19. (Ảnh: Internet).
Thế nhưng, giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, khi những câu chuyện về lừa đảo, phân lô bán nền chưa kịp nguôi trong dư luận, thì tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội lại đang xuất hiện một “làn sóng” đi gom đất nền bán sang tay kiếm lời.
Tình trạng này xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng đỉnh điểm là ngay trong giai đoạn cách ly toàn xã hội vì đại dịch Covid-19, tại khu vực Hòa Lạc thuộc địa bàn xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội), trong nhiều ngày liền mặc cho lệnh cấm, hàng trăm người đổ xô về khu vực này để tìm mua đất nền vì có thông tin sắp có dự án khu đô thị lớn được triển khai tại khu vực này.
“Chỉ trong vòng vài tháng giá đất nền đã được đẩy lên cao gấp từ 3 - 4 lần, từ 5 - 6 triệu đồng/m2 thành 15 - 20 triệu đồng/m2” - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc Nguyễn Đình Nghi cho hay.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc, tại thời điểm đó chính quyền địa phương chưa nhận được bất cứ văn bản nào có liên quan đến dự án chuẩn bị được triển khai. Rất may là chỉ sau đó ít ngày, chính quyền đã cử lực lượng chức năng giải tán đám đông và tuyên truyền vận động người dân tránh chạy theo những tin đồn thất thiệt, thì tình hình mới được kiểm soát, nếu không thì không biết giá đất tại khu vực này sẽ còn bị môi giới cho “nhảy múa” đến mức nào?!
Chuyên gia Vũ Quang Vinh (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho biết, những bài học đắt giá về sự lừa đảo của các công ty, môi giới BĐS về các dự án đất nền vẫn còn ngay trước mắt. Ngoài ra, những bài học về việc “ôm đất” chờ dự án đã khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh thua lỗ, không ít người bị trắng tay.
“Để đảm bảo cho thị trường được minh bạch, chính quyền cần công khai quy hoạch sử dụng đất là trong thời hạn 5 năm hoặc 10 năm, đặc biệt là các khu vực được quy hoạch làm dự án, để người dân nắm bắt được thông tin, không chạy theo tin đồn, gây thiệt hại về tài sản làm bất ổn tình hình an ninh, trật tự” - ông Vinh nhìn nhận.
Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương
Mới đây, Bộ TN&MT đã trình Quốc hội Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Theo Dự thảo, các quận nội thành tại những TP trực thuộc Trung ương, TP thuộc tỉnh, các phường thuộc thị xã; khu vực chức năng quy hoạch TP trực thuộc Trung ương, TP thuộc tỉnh; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị, đều không được thực hiện dự án phân lô, bán nền.
Các địa phương phải có trách nhiệm trong viêc quản lý tình trạng dự án phân lô, bán đất nền.
Nhiều ý kiến trái chiều về Dự thảo này, cho rằng đây giống như một mệnh lệnh hành chính cứng nhắc. Nếu không tính toán kỹ sẽ vô tình kìm hãm sự phát triển đô thị, nhu cầu ở thực của một số địa phương đang phát triển.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thơm - Hội Luật gia Việt Nam, quy định trong các văn bản pháp luật như Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 hay Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, việc chia lô, tách thửa không bị Nhà nước cấm.
Ngoài ra, phân khúc đất nền có tính thanh khoản cao trên thị trường và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Nhà nước thu được tiền thuế để kiện toàn hệ thống hạ tầng, giúp cho đô thị ngày càng thêm khang trang.
“Chính sách của Nhà nước quy định về việc phân lô, bán nền rất rõ ràng, theo tôi là tương đối chặt chẽ. Nhưng để xảy ra tình trạng lừa đảo, “sốt đất” ở nhiều thời điểm là trách nhiệm của mỗi địa phương trong công tác quản lý” - ông Thơm nhìn nhận.
Đồng quan điểm, KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết, cần phải tăng cường sự quản lý từ chính quyền địa phương.
“Có thể vẫn cho các dự án được phân lô, nhưng phải có thiết kế xây dựng đồng bộ cho các khu đất phân lô. Người mua được quyền xây dựng nhưng phải theo thiết kế đã được phê duyệt. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý vấn đề này” - ông Thanh nhìn nhận.