Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý, sử dụng thuốc thú y: "Siết" quản lý, tăng kiểm tra, tuyên truyền

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, vẫn còn tình trạng người dân tự mua thuốc thú y về chữa bệnh cho vật nuôi mà không theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Trong khi các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y phần lớn nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư gây khó khăn cho vấn đề kiểm soát chất lượng. Đâu là giải pháp để quản lý chặt chẽ việc này?

Chữa bệnh qua miêu tả
Trong chăn nuôi, việc vật nuôi thường xuyên mắc phải các loại dịch bệnh là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, có một thực thực trạng đáng lo ngại, đó là người dân thường tự do mua thuốc thú y về chữa bệnh cho vật nuôi bằng cảm quan, kinh nghiệm, sử dụng các loại thuốc, kháng sinh, vaccine một cách tùy tiện.
Bà Phạm Thị Sẻ ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai cho biết: “Mỗi lần gia đình có gia cầm bị bệnh, tôi chỉ biết đến cửa hàng thuốc thú y miêu tả tình trạng bệnh rồi chủ cửa hàng bán cho loại thuốc nào thì biết vậy, chứ không hề biết chính xác vật nuôi của mình bị bệnh gì”. Còn theo ông Bạch Văn Nghị ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, khi đàn lợn của gia đình có dấu hiệu bị bệnh, vì chăn nuôi số lượng ít nên ông không nhờ cán bộ thú y xã mà tự ra cửa hàng thuốc thú y mua thuốc về chữa.
 Người chăn nuôi thường chữa bệnh cho vật nuôi bằng kinh nghiệm
Đánh giá về tình hình quản lý, sử dụng thuốc thú y trên địa bàn, ông Hoàng Văn Tuấn - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai cho biết: Toàn huyện có 9 cửa hàng thuốc thú y, về cơ bản đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số cơ sở buôn bán thuốc thú y chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật như: Cơ sở buôn bán thuốc thú y chung với khu vực sinh hoạt của gia đình, chưa đủ diện tích để buôn bán; buôn bán thuốc thú y lẫn với thức ăn chăn nuôi, lương thực, thực phẩm dành cho người, chưa có ẩm kế, nhiệt kế để theo dõi, không có trang thiết bị đảm bảo nơi bảo quản, nơi bán thuốc không duy trì nhiệt độ dưới 30°C...
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, toàn TP có 692 cơ sở buôn bán thuốc thú y, phần lớn các cơ sở chưa mở sổ sách theo dõi thuốc, sắp xếp chưa được gọn ngàng, ngăn nắp. Việc dán, đính nhãn tem phụ của số cơ sở nhập khẩu thuốc thú y phân phối ra thị trường chưa được thực hiện theo quy định của pháp luật. Các cơ sở có kho bảo quản thuốc còn thiếu trang thiết bị cần thiết để bảo quản.
Việc sử dụng thuốc thú y như hiện nay rất tràn lan, không theo nguyên tắc hướng dẫn như đúng bệnh, đúng liều, đúng cách. Các hộ chăn nuôi vẫn còn phòng bệnh cho gia súc, gia cầm một cách tự do khi còn nhỏ cho đến khi xuất bán, việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản phẩm chất lượng của thịt gia súc, gia cầm khi tới tay người tiêu dùng. Một số hộ chăn nuôi còn tự mua thuốc về tiêm điều trị cho vật nuôi. Mặt khác, người dân còn tuyên truyền, trao đổi thuốc thú y khi không có kiến thức chuyên môn, tự mua, tự tiêm và điều trị trong các hộ gia đình nên việc quản lý thuốc thú y gặp rất nhiều khó khăn.
 Cán bộ thú y tiêm vaccine cho đàn vật nuôi
Siết chặt quản lý, sử dụng
Để nâng cao ý thức cho người dân về sử dụng thuốc thú y đúng cách trong phòng chống dịch bệnh và quản lý chặt chẽ các cửa hàng thuốc thú y, theo ông Dương Xuân Tĩnh - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín, huyện tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về buôn bán và sử dụng thuốc thú y; hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc thú y để phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh cho động vật; thông báo danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, hàng năm Trạm đi kiểm tra và đánh giá các cửa hàng bán thuốc thú y trên địa bàn có đủ điều kiện hay không, và hướng dẫn họ cách kinh doanh đúng quy định.
Ở góc độ người bán hàng, theo bà Hà Thị Trang - chủ cửa hàng kinh doanh thuốc thú y tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc thú y của nhiều hãng khác nhau. Do đó, để giữ uy tín đối với khách hàng, cửa hàng công khai giá cả và chấp hành nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh thuốc thú y. Cửa hàng cũng cập nhật danh sách các loại thuốc thú y trong danh mục và tư vấn cho người dân loại thuốc tốt nhất.
Do thuốc thú y là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, để hoạt động kinh doanh thuốc thú y đi vào nền nếp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, ngay từ đầu năm Chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức cho 100% chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn thành phố ký cam kết không buôn bán, kinh doanh thuốc không nằm trong danh mục cho phép, chất cấm, chất vàng ô, thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y theo đúng quy định của pháp luật.
Còn theo ông Phạm Khắc Diến - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, qua kiểm tra thực tế ở các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, nếu cơ sở chưa đạt yêu cầu, đoàn kiểm tra sẽ hướng dẫn hoàn thiện những thủ tục hành chính liên quan đến việc kinh doanh, buôn bán, và yêu cầu cơ sở này ngừng hoạt động cho đến khi hoàn thiện thủ tục theo quy định. Đối với các cơ sở chưa chấp hành theo hướng dẫn của đoàn kiểm tra thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, siết chặt hoạt động kinh doanh thuốc thú y, góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, tiến tới kiểm soát được chất phụ gia, chất bảo quản trong nông sản, thực phẩm trên địa bàn. Các cơ sở bán lẻ thuốc thú y cũng phải đạt tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP); trong đó có điều kiện phải có điều hòa nhiệt độ để bảo quản thuốc.
Cùng với việc chủ động nguồn vaccine phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của các địa phương, việc cung ứng thuốc thú y tại các cơ sở kinh doanh, buôn bán là rất cần thiết để chủ động, kịp thời trong việc phòng dịch, dập dịch tại chỗ. Tuy nhiên, ngành chức năng cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, và người dân cần tuân thủ những hướng dẫn về sử dụng thuốc theo khuyến cáo của cơ quan thú y, để ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả.