Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý thị trường tăng cường ngăn chặn tăng giá bất hợp lý

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục QLTT vừa có công văn hỏa tốc số 430/TCQLTT-CNV ngày 07/3/2020 về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chỉ đạo các Cục QLTT địa phương, đặc biệt là Cục QLTT các tỉnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc...

Chỉ đạo các Đội QLTT giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh trong điều kiện thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh COVID-19.
QLTT Hà Nội kiểm tra các cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu.

Đặc biệt, chú trọng việc phát hiện kịp thời để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng là hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT và thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ngày 7/3 Cục QLTT TP Hà Nội ban hành văn bản số 227/QLTTHN ngày 7/3/2020 chỉ đạo các phòng, Đội QLTT tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.
Đồng thời tổ chức ký cam kết không tăng giá, bán hàng hóa đúng giá niêm yết, đảm bảo ổn định thị trường với các tiểu thương, DN bán lẻ. các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các đối tượng có hành vi lợi dụng dịch bệnh, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, dự trữ tăng cao để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý; bán hàng không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết; trà trộn hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... để thu lợi bất chính;.
Tính đến hết ngày 7/3, Cục QLTT Hà Nội đã triển khai ký cam kết đến 2.575 đơn vị; tạm giữ 811.104 chiếc khẩu trang, 8.193 sản phẩm rửa tay sát trùng.